Trước khi đến Mông Cổ, món ăn duy nhất tôi biết là lẩu Mông Cổ cay cay nhiều gia vị của mấy nhà hàng ở Sài Gòn nhưng sau này phát hiện chẳng bao giờ có món đó ở xứ này. Thời tiết khí hậu thì gói gọn qua cái lắc đầu, thè lưỡi của mọi người khi nghe tôi sắp đến nơi này “lạnh âm mấy chục độ”.
Đi rồi mới biết, Mông Cổ đặc biệt hơn thế rất nhiều.
Bánh thịt cừu “quốc hồn quốc túy”
“Nền ẩm thực” của Mông Cổ sẽ làm nhiều người thất vọng lắm nếu không nói là gây khốn đốn cho không ít người, kể cả một số người từng đi rất nhiều nơi.
Buổi tối đầu tiên tại thủ đô của Mông Cổ, tôi được một anh chàng xứ này trổ tài nấu nướng chiêu đãi món mì xào thịt cừu bằm và cải bắp. Nhìn cách anh chàng nhào bột điêu luyện, bằm thịt cừu và cắt cải bắp, củ hành và khoai tây thoăn thoắt mà tôi hết sức ngưỡng mộ. Sau này mới hay đó là thành phần chủ lực của nền ẩm thực xứ này (nói cho sang chứ chỉ được chừng chục món và bất kỳ ai từ trẻ em đến người già đều có thể làm được).
Món ăn chúng tôi bình chọn là “quốc hồn quốc túy” của Mông Cổ vì có mặt mọi lúc mọi nơi, mọi thời điểm là bánh khuushuur. Bánh làm từ bột mì, nhân là thịt cừu tươi cắt nhỏ trộn chút muối và ít củ hành tây rồi chiên vài phút là chín. Mỗi bữa ăn, một người được phát cả chục cái và chỉ có thế. Để đỡ nhàm chán, bánh khuushuur thay vì chiên thì đem lên hấp. Loại bánh này từ nhà riêng đến quán ăn, từ thành thị đến sa mạc, thảo nguyên, từ Nam đến Bắc “thề” phải giống hệt nhau về mùi cừu và vị. Lần đầu tiên thấy rổ bánh khuushuur chiên giòn sau một chặng đường đói lả vì xe dằn xóc, chúng tôi tranh nhau ăn ngon lành. Nhưng ăn bánh thay cơm liên tục trong nhiều ngày liền thì mọi người bắt đầu ám ảnh, không thể nuốt nổi bởi mùi thịt cừu gây gây, nhất là khi bánh nguội thì mùi càng nồng mà điều này thì diễn ra trong vài phút với thời tiết ở đây. Riêng tôi, trời phú cho cái tính phàm ăn nên sau đó về thủ đô vào nhà hàng sang trọng, tôi vẫn gọi món này để rồi xác nhận lần nữa kết luận: Dù địa điểm từng lúc khác nhau nhưng bánh khuushuur nơi nào cũng thế!
Rồi tôi cũng được cưỡi ngựa như một người Mông Cổ. Ảnh: CTV
Nỗi khát khao xa xỉ mang tên nước
Rau không có nhưng gia súc lại nhiều nên thịt ở Mông Cổ rất rẻ. Người ta ăn thịt, uống sữa tươi thay ăn cơm, uống nước. Chẳng ai mua vài lạng, vài kilogam thịt mà mua cả tảng to, cả cái đùi dê, ngựa. Một con dê gần 30 kg có giá chưa đến 2 triệu đồng Việt Nam. Gia đình du mục nơi tôi ở chế biến cho chúng tôi món dê hầm đá nướng - là những cục đá nhặt ngoài đồng nướng cho chín đỏ rồi bỏ vào nồi thịt, thêm vài củ khoai tây và nêm một chút muối. Thật không có gì vui thú cho bằng trời lạnh tái tê, trong chiếc lều nhỏ thưởng thức những miếng thịt dê ngọt mềm, béo ngậy thơm phưng phức này.
Món ăn trứ danh được đồn đãi khắp thế giới của người du mục Mông Cổ là món boodog. Nguyên một con dê, cừu (hoặc những loại gia súc nhỏ) nhét đầy những viên đá nướng bên trong để nhằm làm chín thịt sau khi ruột và xương đã được lấy sạch qua đường cổ họng. Tận mắt chứng kiến mới thấy món này chế biến quá công phu, đòi hỏi sự khéo tay lẫn khỏe mạnh của người nhét đá. Có lẽ phải đến Mông Cổ, ngồi trên đồng xanh hoang vắng bên bếp lửa hồng, gặm boodog trong một đêm đầy sao như tôi từng trải qua thì mới có thể cảm nhận hết được sự độc đáo và ngon lành của món ăn hoang dã mà tinh tế này.
Mông Cổ những ngày tôi đến là thời điểm nóng nhất và dễ chịu nhất cho khách du lịch trong một năm. Vậy mà có những đêm trên thảo nguyên, không chịu nổi cái lạnh tôi phải mua thêm túi ngủ, trong lều phải đốt củi sưởi ấm. Khi mặt trời lên thì nắng và rất nóng, nhất là ở phía Nam và sa mạc Gobi nhưng ngay khi sụp tối hoặc có áng mây, cơn gió thổi qua là lạnh buốt. Cái hồ Khuvgul mênh mông đẹp như một ảo ảnh mà tôi đến được cho hay sẽ đóng băng toàn bộ vào mùa đông và xe tải có thể chạy ngang qua. Tháng 2, Mông Cổ có thể âm 50 độ C! Bảo sao mùa nóng nhất mà còn lạnh như thế.
Thời tiết thì khắc nghiệt, còn nước là một niềm khao khát xa xỉ. Ba, bốn ngày tôi mới được tắm một lần nhờ những dịp xe đi ngang qua thành phố lớn có chỗ tắm công cộng. Ngay cả một điểm du lịch nổi tiếng nhất nhì Mông Cổ là hồ Khuvsgul cũng bói không ra chỗ tắm. Thói quen tiết kiệm nước ăn sâu vào người Mông Cổ đến nỗi những nơi có nguồn nước dồi dào từ các hồ lớn như hồ Khuvsgul thì họ vẫn trân trọng từng giọt nước. Bồn rửa tay, rửa mặt được chế từ chiếc bình nhựa cắt đôi với vòi nước nhỏ thành từng giọt là hình ảnh phổ biến. Chén bát ăn xong trụng qua chảo nước sôi rồi lau khô. Khoai củ gọt xong nhúng sơ qua trong một cái chén nhỏ rồi chế biến. Nước ít và được quý như vậy nên tôi cứ áy náy mãi dù đã “hối lộ” chủ nhà một bịch kẹo to để xin cốc nước nhỏ đánh răng, rửa mặt khi ở giữa sa mạc Gobi.
Món dê hầm đá nướng. Ảnh: CẨM TÚ
Bồn rửa mặt với vòi nhỏ giọt vì khan hiếm nước. Ảnh: CẨM TÚ
Sướng như đời du mục
Ăn uống “kham khổ” đơn điệu, thời tiết khắc nghiệt, vậy Mông Cổ có gì đâu mà hay, người Mông Cổ có niềm vui gì đâu? Ừ, có thể nghĩ như vậy nếu không có ngày tôi được cưỡi ngựa như một người du mục. Sau vài câu hướng dẫn cách điều khiển ngựa, tôi hùng dũng leo lên lưng chú ngựa to đùng để rồi hoảng hốt khi được biết mình phải tự thúc nó đi, điều khiển nhanh hay chậm, rẽ trái hay phải để đến chân ngọn núi lửa Khorgo của vùng Terkhiin Tsagaan Nuur. Chú ngựa to cao còn tôi thì bé xíu nên dù có chủ nhà cưỡi ngựa theo hộ tống và xử lý những tình huống bất ngờ mà vẫn run sợ vô cùng. Những lúc ngựa phi như bay trên đồng cỏ rồi leo đồi, len lỏi trong rừng thông, tôi cứ chực chờ rơi khỏi mình ngựa. Tự hứa sẽ cố gắng đi một chặng thôi, chuyến về cuốc bộ nhưng rồi tôi quen dần và bắt đầu cảm nhận sự tuyệt vời của thú cưỡi ngựa. Khi thì phấn khích bởi mình vượt qua những nỗi sợ hãi, lúc là cảm giác thong dong khi ngồi trên lưng ngựa ngắm bầy bò yak lông lá vừa đi ngang, hồ trong ngăn ngắt một bên, cỏ cây một bên và trên đầu trời xanh mây biếc. Chẳng nghĩ ngợi chi, đời ung dung tự tại. Chế lại câu hát của chàng cao bồi Lucky Luke nổi tiếng miền viễn Tây hoang dã ngày xưa, tôi khe khẽ hát:
“Ta là một nàng cao bồi nghèo đơn độc
Rong ruổi trên đường dài xa quê hương…”
Chỉ cưỡi ngựa một buổi, chỉ sống đời du mục hai tuần thôi mà tôi đã quen rồi yêu cuộc sống tự do phóng khoáng này. Thảo nào người Mông Cổ dù có về nơi phố thị sinh sống thì máu du mục làm sao mà phôi phai. Bởi thế văn hóa cắm trại dã ngoại rất phổ biến. Cứ ngày nghỉ hay khi rảnh rỗi là gia đình, bè bạn lại cùng nhau chất đồ trên chiếc xe hơi về thảo nguyên dựng lều và ở lại một đôi ngày. Chẳng cần chi rườm rà, chỉ cần vài cái lều nhỏ, dăm ba cái nồi và mấy tảng thịt là họ lên đường. Cả gia đình, già có, trẻ có xúm xít sum vầy. Người già thì ngồi trong lều trò chuyện, trẻ nhỏ thì nô đùa cùng nhau, đám thanh niên đi nhặt củi và phân gia súc làm chất đốt, còn phụ nữ thì nấu nướng. Chỉ vài tảng thịt treo hun khói với một nồi súp thịt khoai tây là đủ cho một bữa tiệc thật vui. Chẳng cần phải tìm đến nơi danh lam thắng cảnh, thích đâu thì dừng đó, có khi ven hồ, có khi ven những ven đường đầy gió bụi.
Bởi vì họ đi chẳng phải để ngắm cảnh đẹp, chẳng phải để ăn ngon như một người khách du lịch. Họ chỉ cần được trở về cuộc đời lang bạt trên thảo nguyên bao la lộng gió dù chỉ là đôi ngày cho đỡ nhớ thương ngàn năm du mục.
CẨM TÚ