Là người thay mặt pháp luật để giải quyết những vấn đề tranh chấp dân sự hay xử lý những vụ việc hình sự, nhưng sau những bản án được tuyên theo đúng pháp luật, sau những khoảng lặng, có những lúc thẩm phán phải trăn trở: mình có ác quá không?
Những bản án ám ảnh
Một nữ thẩm phán tòa cấp quận không muốn nêu tên ngậm ngùi kể: Khi xử một vụ án ly hôn, có những người mẹ vốn nghe lời chồng nên ở nhà chăm con cái để người cha lo kiếm tiền, khi ra tòa người mẹ không có công việc ổn định, không có thu nhập nên dù tha thiết được nuôi con nhưng tòa không tuyên cho chị quyền đó.
Còn tài sản ở công ty của chồng lên tới hàng trăm tỉ nhưng khi ra tòa người chồng trưng ra những giấy mượn nợ còn vượt qua số tài sản mà cả hai vợ chồng đang sở hữu.
Vậy là người vợ phải ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng, không con, không một tài sản. Hơn chục năm lấy chồng, hi sinh cho con cái, cuối cùng người vợ chỉ còn lại một mình.
Bản án được tuyên, người mẹ khóc ngất giữa tòa, thẩm phán làm đúng pháp luật nhưng đã không thể bảo vệ người phụ nữ, cũng không thể bảo vệ tình cảm của hai mẹ con họ. Nữ thẩm phán đặt câu hỏi suy tư: như vậy có phải là ác quá không?
Nữ thẩm phán kể thêm một câu chuyện khác liên quan đến một vụ án dân sự, đó là việc một phụ nữ lần lượt dùng thủ đoạn chiếm đoạt bảy căn nhà liền kề với nhà chị ta chỉ bằng cách dụ người ta vay tiền và ký giấy, rồi nói sau nửa năm không trả thì bồi thường bằng căn nhà đang ở. Lần lượt bảy căn nhà cạnh nhau trên một dãy phố đã được sang tên sổ hồng cho người đàn bà nhiều mưu mô và thủ đoạn ấy.
“Đó không phải là vụ án do tôi xử, nhưng trên cơ sở pháp lý đã thấy người phụ nữ kia từng bước từng bước đưa tiền cho người ta vay, rồi đòi đến hồi người ta không có tiền trả thì phải gán nhà như thỏa thuận. Bảy căn nhà đã bị sang tên đổi chủ như thế. Có người vay tiền chỉ để chi tiêu lặt vặt, mua sắm cho bản thân, lúc nhận tiền cứ nhận rồi ký không để ý gì. Ra tòa khóc như mưa như gió bởi cả nhà phải ra đường khi căn nhà bị gán nợ với giá quá rẻ."
Nữ thẩm phán này cho biết khi các thẩm phán phải tuyên những bản án này, dù đúng pháp luật nhưng trong lòng không thể không day dứt.
“Khi tuyên một bản án, theo đúng pháp luật, đúng người đúng tội, không oan sai, nhưng vẫn có những bản án khiến các thẩm phán day dứt, không chỉ là án dân sự mà cả án hình sự, ám ảnh các thẩm phán mãi không thôi” - chị nói.
Thẩm phán Q. kể lại câu chuyện khi chị bước chân vào tòa để thực tập đã gặp những chuyện đau đớn ngoài bản án. “Khi đó tôi đang đi thực tập tại tòa án, bị cáo bị xử phạm tội hủy hoại tài sản. Hành vi của bị cáo là đã gỡ trộm một số thanh sắt dưới gầm cầu để mang đi bán sắt vụn. Nhưng vừa gỡ xong, chưa kịp mang đi tiêu thụ thì bị cáo bị bắt giữ và giao cho công an” - thẩm phán Q. kể.
Ba tháng sau khi bị bắt, anh ta bị đưa ra xét xử, vợ anh ta mang theo con nhỏ 3 tháng tuổi đến dự tòa. Lời khai trong hồ sơ và tại tòa cho thấy anh ta không có việc làm, vợ đến ngày sinh mà không có tiền để đưa vợ đi sinh, đang đi dưới chân cầu thấy những thanh sắt dưới cầu đã rơi ra nên nảy sinh ý định lấy mang đi bán.
Anh ta mượn ghe nhỏ bơi ra, dùng tay gỡ các thanh sắt ấy với tổng trọng lượng khoảng 80kg. Gỡ xong, bơi vào bờ thì bị phát hiện và giao cho công an. Ngày ra tòa, anh ta ăn năn và xin mức án nhẹ để về nuôi con nuôi vợ nhưng khung hình phạt cho tội hủy hoại tài sản khiến tòa không thể tuyên mức án thấp hơn được.
“Ngay lúc ấy tôi đã tự hỏi: anh ta có xứng đáng bị tuyên nặng đến thế không? Rồi cuộc đời anh ta sẽ ra sao, vợ con sẽ ra sao khi anh ta ở tù?”.
Và tôi đã khóc
Cứng rắn đến mấy, chai lì đến mấy thì thẩm phán cũng có lúc mềm lòng. Có những thẩm phán từng tuyên rất nhiều bản án tử hình cho rằng “đã quen” với các tình tiết gây tội ác, thế nhưng trong vụ án vẫn có những lời khai khiến thẩm phán rơi nước mắt. Và cho đến giờ, không còn lạ lẫm với những tình tiết trong các bản án, nhưng ông Phạm Công Hùng - thẩm phán tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM - không ít lần bật khóc khi đọc hồ sơ vụ án, nghe lời khai của bị cáo trước vành móng ngựa.
Đó là một vụ án ở Sóc Trăng, một thiếu nữ hơn 18 tuổi đã dụ một em bé hơn 3 tuổi rồi dìm em bé xuống mương đến chết để lấy đôi bông tai trị giá chỉ 500.000 đồng, sau đó cô này giúi em bé xuống vũng nước rồi bỏ đi bán đôi bông tai. Buổi chiều gia đình phát hiện được em bé, hôm sau cơ quan điều tra bắt được thủ phạm. Bản án sơ thẩm tuyên cô gái mức án chung thân về tội giết người và cướp tài sản.
“Khi đọc hồ sơ vụ án này tôi chỉ muốn khóc với hình ảnh em bé vô tội ngây thơ và hình ảnh em bé tím ngắt dưới nước. Gia đình không kháng cáo tăng hình phạt, viện kiểm sát cũng không kháng nghị tăng. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo nhận tội một cách tỉnh bơ, không có gì ăn năn hối hận, không thiếu một chi tiết nào so với bản án sơ thẩm và hồ sơ vụ án. Lúc ấy tôi đã khóc” - thẩm phán Phạm Công Hùng kể.
Ông nói rằng đó không phải là tâm trạng bồi hồi lo lắng căng thẳng của một người xử án lần đầu mà là nỗi đau, thương xót cho em bé và sự tàn bạo của một thiếu nữ vừa bước qua tuổi 18: “Cho đến tận bây giờ tôi vẫn ám ảnh về đứa bé. Điều đó cho thấy tình trạng trẻ em bị xâm hại quá mức, vậy nên trong dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi, tôi đã đề nghị quan tâm đến việc bảo vệ trẻ em hơn”.
Là thẩm phán chuyên xử án hình sự, ông Vũ Phi Long - phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM - cũng đã tiếp xúc với không biết bao nhiêu hồ sơ vụ án hình sự. Là một thẩm phán rất điềm tĩnh và hết sức nhẹ nhàng trong khi xét hỏi, nhưng ông Long cho biết cũng không ít lần phải rơi nước mắt khi ngồi ở vị trí chủ tọa.
Đó là vụ một người dân chỉ học hết lớp 4 lên thành phố làm nghề lái xe ôm rồi được người ta thuê làm giám đốc. Bởi được trả thêm mỗi tháng vài triệu đồng để gửi về quê cho con nên người ta đưa gì cũng ký, thậm chí đưa cả chứng minh nhân dân cho người khác đi đăng ký doanh nghiệp. Khi công ty này buôn bán hóa đơn và bị phát hiện, vị giám đốc kia bị bắt. Trước tòa, người đàn ông đáng thương khai mình ít học, không am hiểu pháp luật nên khi được thuê với mức tiền vài triệu đồng ổn định để gửi về quê nuôi vợ nuôi con thì không ngần ngại nhận lời.
“Về tình thì người đàn ông rất đáng thương và thật ra ông không được hưởng lợi trực tiếp từ việc mua bán này, nhưng về trách nhiệm pháp lý thì không thể khác được. Mức án thấp nhất trong khung hình phạt cho tội danh ấy là 7 năm tù”.
Thẩm phán Long thở dài khi nhắc đến những bản án khiến ông day dứt khi tuyên như vậy. Đây cũng không phải là nỗi trăn trở của riêng thẩm phán Long mà của nhiều thẩm phán khác.
“Dù thâm tâm biết rõ mỗi bản án được đưa ra đều dựa trên những chứng cớ, tình tiết pháp lý, nhưng mỗi câu chuyện, mỗi hoàn cảnh thường mang lại nhiều xúc cảm, trăn trở khác nhau đối những người làm thẩm phán” - ông Long kết luận.
"Khi tuyên một bản án, theo đúng pháp luật, đúng người đúng tội, không oan sai, nhưng vẫn có những bản án khiến các thẩm phán day dứt, không chỉ là án dân sự mà cả án hình sự, ám ảnh các thẩm phán mãi không thôi" Một nữ thẩm phán |
______________
Làm thẩm phán không chỉ chứng kiến những phản ứng từ các bị cáo, mà còn phải thường chứng kiến những tình huống náo loạn ngay tại phiên tòa. Thẩm phán sẽ phải làm gì?
Theo HOÀNG ĐIỆP (Tuổi Trẻ)
Kỳ tới: Khi phòng xử bị náo loạn