Phía sau những bản án - Kỳ 6: Bị trả thù

Nhưng đó chưa phải là tất cả những gì các thẩm phán phải đón nhận, bởi một nữ thẩm phán từng nhận nguyên một ca axit vào mặt vì bị trả thù sau một vụ xử án dân sự.

Gương mặt chị Loan đã phục hồi 90% sau 41 lần phẫu thuật - Ảnh: H.Đ.

Tròn chín năm trôi qua từ cái ngày khủng khiếp ấy, khi thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan (tòa dân sự, Tòa án nhân dân quận Đống Đa, Hà Nội) đi từ nhà đến chỗ học nghiệp vụ thì bị tạt cả một ca axit vào mặt.

“Tôi tưởng mình có thể chết vì đau đớn và những biến dạng của gương mặt do axit gây ra. Nhưng cuối cùng tôi đã vượt qua, vượt lên. Chín năm qua tôi đã trải qua 41 lần phẫu thuật để tìm lại gương mặt mình” - chị Loan nói.

Vẫn sống trong căn nhà ở Đội Cấn, nơi xảy ra cơn ác mộng cách đây chín năm, nữ thẩm phán đã từng bị tạt axit biến dạng gương mặt và trải qua 41 lần phẫu thuật niềm nở đón khách vào nhà.

Mái tóc ngắn uốn xoăn, gương mặt trang điểm nhẹ, chị cười tươi giải thích về khoảnh sân nhỏ trước nhà được làm mái che chắn ánh nắng mặt trời: “Vì tôi không được tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, nó sẽ làm cho gương mặt tôi thâm đen bởi nhì nhằng sẹo”.

Chị Loan kể rằng khi mới bị tạt axit chị đã không thể lý giải được tại sao mình lại bị đối xử như vậy. “Tôi nhớ trong vụ án mà tôi xử đó, người đại diện cho nguyên đơn đã tiếp xúc với tôi giống như rất nhiều những vụ việc khác” - chị Loan nói. Sau khi kiểm tra CMND và những giấy tờ liên quan đến vụ việc thì tiến hành các thủ tục tố tụng như bình thường.

“Nó không có dấu hiệu gì của một vụ trả thù bởi ngay trong phiên xét xử, hai luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn cũng không yêu cầu thay đổi những người trong HĐXX, họ thậm chí còn cảm ơn HĐXX đã để họ trình bày các ý kiến của mình” - chị Loan kể.

Tuy nhiên sau này chị Loan nhớ lại trước khi bị tạt axit chừng một tuần, có người đã ném vào sân nhà chị một bọc vôi nhỏ nhưng lúc ấy chị đã nghĩ chắc ai nghịch ngợm nên ném vào thôi. “Trong thâm tâm tôi không hiểu tại sao người ta lại làm thế với tôi, trong sự việc xảy ra với mình tôi đã nghĩ ông trời thật không có mắt”.

Những ngày điều trị tại viện bỏng để xử lý những vết bỏng do axit mang lại, chị Loan kể rằng chưa bao giờ mình khóc bởi những đau đớn do các vết thương đem lại, dù bác sĩ điều trị nói sẹo sẽ co kéo rất nhiều khiến gương mặt biến dạng: “Tôi có một niềm tin rằng kẻ  gây ra tội ác đối với tôi nhất định sẽ bị trừng trị”.

Còn khi đang rất đau đớn trong phòng bệnh, chị Loan cũng cho biết chị có niềm tin rằng sẽ chữa khỏi, sẽ vượt qua.

Dù đau đớn và không bao giờ khóc nhưng chị Loan lại bật khóc khi con gái bé bỏng không nhận ra mình: “Lúc tôi bị nạn, con gái nhỏ của tôi mới 2 tuổi. Tôi nhớ được gặp lại cháu sau nhiều ngày điều trị ở viện bỏng, nhưng lúc ấy cháu không nhận ra mẹ, đó là điều tôi cảm thấy vô cùng đau đớn”.

Chị Loan đã khóc thật nhiều vì điều này.

50 tuổi, tập cười, tập nói

Để có gương mặt phục hồi đến 90% như hiện nay, đó không chỉ là tiền bạc hay việc chịu đau đớn khi phẫu thuật mà suốt chín năm qua chưa một ngày nào chị Loan ngừng nghỉ luyện tập: “Mỗi ngày tôi tập từ 5g sáng cho đến 12g đêm. Khi toàn bộ gương mặt bị biến dạng và trở thành những vết sẹo khủng khiếp thì nó cũng kéo gương mặt tôi méo mó”.

Lật những tấm ảnh chụp gương mặt mình sau khi điều trị bỏng và trước khi phẫu thuật thẩm mỹ, chị Loan nói rằng đây là toàn bộ những gì sau lần tạt axit đó. Để có được gương mặt mới, gần như toàn bộ da thịt trên gương mặt chị đã được thay mới.

Một vết sẹo rất to trên vai chị Loan lõm hẳn xuống, chị cho biết đây là phần da và cơ mà bác sĩ phẫu thuật đã lấy để ghép lên mặt: “Lúc đầu gương mặt rất lớn và lệch hẳn về một bên, và lúc ấy phần da thịt này cũng không tạo được sự chuyển động của cơ cũng như những biểu lộ cảm xúc thông thường như cơ mặt mỗi người vốn có. Để gương mặt không lệch, bác sĩ đã rạch rất nhiều lần các khoảng da nạo bớt mỡ và tạo cơ để có được gương mặt như hiện nay. Và để tạo lại những nếp nhăn, những chuyển động cơ mặt tôi đã phải tập không ngừng nghỉ”.

Chị Loan nói một ngày chị bắt đầu tập từ lúc 5g sáng: tập cười, tập nhăn, còn đôi tay thì không ngừng làm các động tác mátxa các cơ trên mặt để những vết sẹo do phẫu thuật, do vết bỏng axit tạo nên không thể kéo các cơ lại. Chị đã tính đi làm cách đây một năm bởi nhớ nghề, nhớ cơ quan. Nhưng cứ ngừng tập vài ngày là các sẹo cũ lại co kéo có thể khiến gương mặt bị biến dạng.

“Đó không chỉ là chuyện tiền bạc hay đau đớn sau phẫu thuật, mà còn là sự kiên trì của người bệnh nữa” - chị Loan nói.

Vẫn muốn làm thẩm phán

Dù biết chắc chắn đó là một công việc nguy hiểm nhưng chị Loan nói rằng mình đã lựa chọn công việc này và không thể làm khác đi được: “Tôi thèm cảm giác được trở lại tòa đi làm, được ngồi vào ghế thẩm phán của một phiên xét xử”.

Trong thời gian điều trị bệnh và phẫu thuật thẩm mỹ tạo hình cho gương mặt, chị Loan đã kịp đi học thạc sĩ. Cho rằng đây là nghề, và đây là lựa chọn không thể khác đi được nên chị không ngần ngại khó khăn và vất vả để tiếp tục đến trường học nâng cao nghiệp vụ.

Điều mà chị trăn trở nhiều năm nay không phải cho bản thân mà còn cho những người đang làm thẩm phán: “Rõ ràng đây là một công việc nguy hiểm, khi ở tòa còn được lực lượng cảnh sát hoặc bảo vệ của tòa bảo vệ, nhưng khi bước chân ra khỏi tòa thì các thẩm phán đều là những người hết sức bình thường. Bởi vậy cần phải có chế tài bảo vệ các thẩm phán”.

Chị Loan cũng nói đây là điều mà chị trăn trở nhiều năm qua và luận văn thạc sĩ của chị đã dành hẳn một phần để nói về việc này thông qua việc tham khảo các quy định bảo vệ thẩm phán tại các quốc gia khác. “Tôi nhớ sau vụ việc xảy ra với mình đã có nhiều ý kiến nói rằng cần có chế tài để bảo vệ, chứ hiện nay các thẩm phán đang rất đơn độc” - chị Loan nói.

“Mỗi lần có dịp ra ngoài tôi phải mặc “trang phục Ả Rập” che kín từ đầu đến chân” - chị Loan khoe như thế khi kể về chuyện vừa đưa con đi tắm biển nhân dịp con gái út thi đỗ vào Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Nhắc đến con, đến gia đình hạnh phúc của mình, chị nói rằng: “Tôi thật may mắn vì đã có một gia đình nhỏ luôn bên tôi, một gia đình lớn luôn bao bọc và che chở cho tôi”.

Chị cũng khoe chị tốt phước nên có được một người chồng nhất mực thương yêu chị, dù cả chín năm qua anh là người vừa kiếm tiền, vừa chăm sóc cho những ca phẫu thuật của chị. “Mọi người nói người như chồng tôi hiếm đến mức có thể được ghi trong... sách đỏ” - chị Loan nói.

Theo hồ sơ vụ án, mọi việc bắt đầu từ năm 2005 khi Nguyễn Tiến Dũng được ủy quyền trong vụ kiện tranh chấp đất đai với lời hứa nếu thắng kiện Dũng sẽ được cho một phần đất.

Tuy nhiên, tại phiên xử tranh chấp này, thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan đã không tuyên bản án như mong muốn của Dũng. Bởi vậy Dũng liên hệ với Phạm Ngọc Hải (từng là nhân viên đưa hàng của công ty Dũng) để nhờ “giải quyết” giúp.

Sáng 25-7-2005, khi thẩm phán Loan dắt xe ra khỏi cổng nhà, Hải đã tiếp cận và hắt thẳng ca axit vào mặt chị gây bỏng nặng. Năm 2006, Nguyễn Tiến Dũng và Phạm Ngọc Hải bị tuyên mỗi người 14 năm tù cho hành vi cố ý gây thương tích.

Theo HOÀNG ĐIỆP (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm