Ký sự Mông Cổ - Bài 1: Thành Cát Tư Hãn - Thánh Mông Cổ

Có khi nào bạn vác ba lô lên đường đến một nơi xa lạ chỉ vì một phút giây ngẫu hứng kết nối với những ký ức tuổi thơ rồi bỗng nhiên một niềm thôi thúc mãnh liệt không thể nào dừng đến khi bạn biến nó thành sự thật không? Tôi thì có đấy. Tôi đến Mông Cổ trong hoàn cảnh như vậy để rồi nhận ra mình may mắn biết bao nhiêu khi đã có những ngày lang thang ở đất nước này.

Từ một vở cải lương

Mông Cổ, cái tên quốc gia thứ hai tôi biết sau tên nước mình khi còn nhỏ xíu. Gia đình gốc miền Tây nên suốt ngày mở cải lương. Lúc mới biết chữ bập bẹ, tôi đã gần thuộc lòng tuồng Mắt em là bể oan cừu do nghệ sĩ Minh Vương và Lệ Thủy đóng vai chính, nói về một mối tình oan trái bị chia ly bởi một nhân vật mà chỉ mới nghe cái tên thôi đã chấn động bao người: Thành Cát Tư Hãn. Một cô tì nữ phải thốt lên về hình ảnh những người dân và binh lính của đất nước mình là “ngã rạp trước vó ngựa người Mông Cổ” khi báo tin trận chiến này.

Tôi lớn lên, quên nhiều lời hát, nhiều vở cải lương. Vậy mà nhân vật Thành Cát Tư Hãn và hình ảnh những chiến binh rạp người trên lưng ngựa, phi như bay trên đồng cỏ cứ như một dấu chấm than, chấm hỏi trong lòng. Nhất là khi tôi biết đây không phải là một nhân vật hư cấu như anh Quách Tĩnh đẹp trai, hiền lành trong phim chưởng của Kim Dung. Nhưng Mông Cổ ở đâu, Mông Cổ có gì và ngày nay ra sao? - tôi không biết, ngoài kiến thức lờ mờ về một nơi toàn thảo nguyên và rét buốt quanh năm. Tôi chỉ biết đó là nơi mà ngày xưa người ta “sinh ra trên lưng ngựa, chết trên lưng ngựa” và đã từng là một quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới.

 
Lễ hội Nadaam.

Nổi tiếng và đình đám thuở xa lắc xa lơ, dường như nhiều năm dài Mông Cổ đã ngủ quên nên mọi người gần như quên mất họ. Tìm nhiều tour du lịch trong nước chỉ thấy có Nội Mông, một phần đất của Mông Cổ nay thuộc về Trung Quốc. Nó đâu phải là nơi tôi muốn đến. Còn Mông Cổ, Mông Cổ là bao xa?

Đến một ngày. Một ngày bỗng dưng trong tôi trào dâng khao khát cảm giác vượt qua những sợ hãi nội tâm, những trở ngại khó khăn tinh thần, mạnh mẽ mà an nhiên đi giữa chân trời bất tận. Chẳng cần gì hết, sống một cuộc đời phóng khoáng và tự do. Tôi bỗng nhớ đến những người trên lưng ngựa lang bạt kỳ hồ trên thảo nguyên bao la. Không nơi nào phù hợp hơn là Mông Cổ. Tôi phải đi Mông Cổ! Và rồi tôi lên đường.

Đất nước trong lòng đồi núi

Từ Việt Nam đến Mông Cổ có hai đường bay. Một là đến Hàn Quốc, hai là qua Bắc Kinh rồi từ đó bay tiếp qua thủ đô Ulaan Bataar của Mông Cổ. Thủ đô của Mông Cổ sau này tôi phát hiện là mọi thành phố của nước này đều như vậy, nằm giữa những ngọn núi - hay chính xác là đồi, mùa này xanh rì cỏ. Ulaan Bataar nửa hiện đại nửa thiên nhiên. Những tòa nhà cũ mới xen nhau, phong cách khá đơn giản và ảnh hưởng đậm phong cách kiến trúc thời kỳ Liên Xô (cũ). Đường sá không xe máy mà đầy xe hơi. Nhưng cái ngột ngạt và chật chội của một thành phố dường như được giảm đi một nửa khi mà rất gần thôi, dường như chỉ cách một bước chân là những dãy đồi núi trùng điệp. Các thành phố khác của Mông Cổ cũng vậy - nằm giữa thung lũng cỏ xanh. Có những lúc ngang qua một thị trấn, tôi cứ thấy như gặp lại hình ảnh miền viễn Tây hoang dã ngày nào của anh chàng cao bồi Lucky Luke. Cũng những căn nhà gỗ lưa thưa và những con đường cát bụi, cũng những bầy gia súc lang thang, cũng mấy cái quán ăn nhỏ nơi tụ tập những người sống cuộc đời rày đây mai đó dù hiện đại hơn với vài chiếc xe máy và tôi vẫn nhớ đây là Mông Cổ bây giờ.

Tôi đến Mông Cổ đúng dịp lễ hội lớn nhất của quốc gia này - lễ hội Nadaam mà nghe nói đây là “vòng chung kết” của cuộc thi cưỡi ngựa, bắn cung và đấu vật tầm quốc gia sẽ diễn ra ngay thủ đô. Mai phục từ sáng sớm, lội bộ rã chân đi tìm sân vận động quốc gia thì được báo hết vé từ lâu. Đã đến thì phải cố xem cho được mặt mũi lễ hội này nên chúng tôi cắn răng mua vé chợ đen với giá đắt gấp năm lần (giá chính thức khoảng 100.000 đồng). Sân vận động giữa trưa nắng chói chang không còn một chỗ trống. Khác xa với hình dung về một lễ hội ly kỳ hoành tráng, lễ hội Nadaam của Mông Cổ khá đơn giản và cũng khá nhỏ về quy mô. Điều này cũng dễ hiểu bởi dân số cả nước Mông Cổ chỉ có 2,8 triệu người, còn thủ đô Ulaan Bataar chưa được một nửa số dân trên. Nhưng cũng khác xa với những lễ hội xô bồ náo nhiệt, ồn ào tiếng nói cười, ăn uống mà tôi đã từng xem, không khí ở đây rất yên tĩnh dù khán đài đầy người. Khán giả chỉ ồ lên khi đoàn người cưỡi ngựa diễu hành vòng quanh sân chào. Mọi người đứng dậy nghiêm trang hát quốc ca rồi ngồi lặng im chăm chú theo dõi từng tiết mục. Sau này khi đi dọc từ Nam đến Bắc, tôi cũng ghé ngang một lễ hội Nadaam tại một vùng quê mới thấy sự ít ỏi của dân số đất nước này như thế nào khi cả một thành phố chỉ có 75.000 dân.

Bức tượng Thành Cát Tư Hãn cưỡi ngựa, tay cầm roi vàng tại khu phức hợp cách thủ đô gần 100 km.

Một thị trấn nhỏ bên đường. Ảnh: CẨM TÚ

“Vị thánh” của người Mông Cổ

Ấn tượng đầu tiên khi tôi vừa đặt chân đến đất nước này là sân bay quốc tế được đặt tên Chingis Khaan - tức Thành Cát Tư Hãn. Đến giờ này, người Mông Cổ vĩ đại nhất vẫn không ai khác hơn là Thành Cát Tư Hãn, “vua của các vị vua” trong lịch sử thế giới xét về diện tích lãnh thổ khi trị vì thiên hạ. Mặc cho người ta nói gì về Thành Cát Tư Hãn thì người Mông Cổ mãi mãi tự hào và tôn thờ ông như một vị thánh thần.

Hình ảnh Thành Cát Tư Hãn xuất hiện khắp nơi ở đất nước Mông Cổ với những vị trí trang trọng nhất. Tiền in hình Thành Cát Tư Hãn. Tòa Thị chính ở thủ đô Ulaan Batoar, ngoài mặt tiền có một bức tượng duy nhất và rất lớn là hình ảnh Thành Cát Tư Hãn. Bảo tàng lịch sử ở thủ đô Ulaan Bataar phân chia lịch sử Mông Cổ qua 10 phần từ sơ khai đến ngày nay, thời kỳ đất nước này dưới thời Thành Cát Tư Hãn chiếm một phần quan trọng. Tại đó, bên cạnh bức tranh ông và hai người con trai, cũng là những người kế tục thành công sự nghiệp bành trướng lãnh thổ của vị vua này là bản đồ Mông Cổ thế kỷ 13, thời kỳ lừng lẫy nhất của đất nước này. Nhìn vào đó mới thấy đất nước Mông Cổ đã từng rộng lớn như thế nào khi “nuốt” gần trọn châu Âu, hơn một nửa châu Á ngày nay. Ngay cầu thang dẫn lên các tầng là một bức tranh vẽ Thành Cát Tư Hãn. Bởi thế từ tầng nào thể hiện những thời kỳ lịch sử Mông Cổ khi nhìn ra ngoài cửa sổ đều thấy chân dung này. Tranh vẽ và sách về ông treo khắp nơi, từ các shop lưu niệm hay nhà hàng, quán ăn, khách sạn. Thậm chí nhãn rượu Vodka nổi tiếng ở Mông Cổ cũng được đặt tên vị vua này.

Một trong những điểm phải đến tại Mông Cổ là khu phức hợp mang tên Thành Cát Tư Hãn, nằm cách thủ đô khoảng 100 km. Tại đó có một tháp mà trên cao là bức tượng bằng thép cực lớn về vị hoàng đế oai dũng cưỡi trên lưng ngựa, tay cầm roi vàng nổi tiếng trong thiên hạ. Dưới chân tháp là bảo tàng vẽ lại những trận đánh của Thành Cát Tư Hãn. Người dân Mông Cổ thường đến đây để chiêm ngưỡng và hiểu thêm về một thời kỳ, về một hoàng đế vĩ đại của đất nước mình.

Thế giới vẫn nói rằng không có Thành Cát Tư Hãn thì có lẽ không có Mông Cổ, bởi đế chế này đã co lại từ những cái mà ông đã dựng nên. Còn riêng với tôi, mặc dù có nhiều biểu tượng để nhớ về đất nước này sau một chuyến đi khá dài nhưng nếu phải chọn một thì chỉ có thể là Thành Cát Tư Hãn.

CẨM TÚ

Bài 2: Ăn và sống ở Mông Cổ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm