Ngày 27-7, phiên tòa sơ thẩm vụ Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng - VNCB) và đồng phạm gây thiệt hại 9.000 tỉ đồng tiếp tục phần xét hỏi. Tại tòa, bà Trần Ngọc Bích, Giám đốc Tân Hiệp Phát, đề nghị HĐXX xem xét được tất toán khoản vay 5.190 tỉ đồng đã vay của VNCB và rút toàn bộ sổ tiết kiệm đang cầm cố tại đây.
Theo bà Bích, bà và một số người (gọi tắt là nhóm bà Bích) có nhu cầu đầu tư dự án nhà máy nên cầm cố các sổ tiết kiệm để vay tiền tại VNCB. Ngày 21-6-2013, nhóm bà vay 3.100 tỉ đồng với mục đích kinh doanh hộ gia đình. Sau đó, bà Bích cho Phạm Thị Trang (Trang “phố núi”, hiện không có ở Việt Nam) vay số tiền trên với lãi suất 1,5%/tháng. Trang vay tới ngày 21-8-2013 thì trả lại gốc 3.100 tỉ đồng và lãi 60 tỉ đồng. Bà Bích dùng số tiền này tất toán khoản nợ tại VNCB giải chấp sổ tiết kiệm.
Bị cáo Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng - VNCB tại tòa. Ảnh: HY
Sau đó, bà Bích tiếp tục vay 3.100 tỉ đồng và rút 2.000 tỉ đồng cũng nhằm mục đích phục vụ kinh tế gia đình. Số còn lại chưa sử dụng, bà đã ký hợp đồng gửi ngắn hạn với nguyên tắc nếu không gửi thì chỉ được lãi suất 1%, còn gửi thì được 11%. Đến tháng 7-2014, khi CQĐT mời đến làm việc, bà mới biết tiền không còn trong tài khoản.
Ngược lại, bị cáo Hoàng Đình Quyết, nguyên giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn, khẳng định bà Bích trình bày sai sự thật. Quyết cho rằng khoản vay ngày 21-6 bà Bích vay để cho bị cáo Danh vay lại. Lần vay 3.100 tỉ đồng sau là để tất toán khoản vay ngày 21-6. Việc vay-trả là có thỏa thuận với Danh. Như vậy, việc vay tiền là để trả nợ cũ chứ không phải là trả nợ xong mới vay số tiền mới.
Đáp lại, bà Bích cho rằng sổ tiết kiệm đã được cầm cố để vay vào ngày 21-6. Nếu không trả nợ cũ sẽ không giải chấp được tài sản. Hơn nữa, bà Bích cho rằng số tiền gửi hơn 6.000 tỉ đồng nên không cần vay mới để trả.
Liên quan đến việc thế chấp sáu sổ tiết kiệm của nhóm bà Bích vào VNCB để vay 300 tỉ đồng, bà Bích cho rằng bà không hề yêu cầu vay số tiền này. Tuy nhiên, tại tòa VKS trưng ra bằng chứng hồ sơ đề nghị vay vốn được fax từ Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho VNCB mà bị cáo Mai Hữu Khương (phó tổng giám đốc của VNCB) nhận được. Với chứng cứ này, bà Bích cho rằng do bản phôtô mờ nên không thể xác nhận gì và không nhớ số fax của công ty.
Cạnh đó, VKS cũng công bố một số tài liệu, chứng cứ thể hiện hai nhân viên của bà Bích có ký, nhận tiền lãi của một số khoản tiền, trong đó có tiền lãi của số 300 tỉ đồng.
Mấy ngày trước, hai nhân viên mà VKS đề cập từng khai trước tòa là chỉ nhận một số phong thư rồi đem về cho bà Bích, không biết trong có gì. Ngày 27-7, sau khi VKS công bố tài liệu, chứng cứ vừa nói, hai người này nói rằng “không nhớ, chỉ biết đi nhận tiền về và giao cho bà Bích”.
Đáng chú ý, tại tòa, nhóm bà Bích khai toàn bộ tiền trong 124 sổ tiết kiệm đều mượn không tính lãi từ ông Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát, cha của bà Bích). Khi gửi tiền vào ngân hàng, họ thỏa thuận với ngân hàng về việc chuyển lãi cho ông Thanh. Và tất cả phủ nhận việc thế chấp sổ tiết kiệm để vay lại tiền của VNCB. Nhưng nhóm bà Bích không trả lời được tại sao các sổ tiết kiệm này lại nằm trong VNCB.
Cũng cần nhắc lại, quá trình điều tra Danh khai nhận mình phải trả lãi vượt trần ngoài hợp đồng khoảng 2.500 tỉ đồng cho nhóm bà Bích. Tuy nhiên, CQĐT chỉ thu thập được chứng từ trả tiền gần 740 tỉ đồng. Chứng từ trên không thể hiện rõ ràng việc chi lãi ngoài mà chỉ là chứng từ chuyển tiền hoặc giấy viết tay nhận tiền. Do đó không có cơ sở kết luận việc chi lãi ngoài như lời bị cáo Danh khai. Còn bà Bích không thừa nhận việc cho Danh vay tiền...
Hôm nay phiên tòa vẫn tiếp tục phần xét hỏi.