Xử lý nạn vẽ bậy: Luật có nhưng khó xử lý

(PLO)- Pháp luật hiện nay đã có những chế tài xử lý nghiêm những đối tượng vẽ bậy, tuy nhiên để xử lý thì cần sự chung tay và giám sát của người dân.

Hiện nay, nạn vẽ bậy bằng sơn lên các công trình công cộng hay còn được giới nghệ thuật gọi là graffiti (vẽ tranh đường phố) có thể nhìn thấy ở bất cứ đâu trên đường phố ở khu vực TP.HCM.

Mặc dù quy định của pháp luật hiện nay liên quan đến những hành vi này đã có chế tài để xử lý, từ xử phạt hành chính đến xử lý hình sự. Tuy nhiên, việc xử lý các đối tượng vẽ bậy lại đang gặp rất nhiều khó khăn, vậy nguyên nhân do đâu và giải pháp đặt ra là gì?

P14_Ve-bay-tren-tuong_3-10.jpg
Nhiều công trình giao thông công cộng hiện đang bị vẽ bậy. Ảnh: HUỲNH THƠ

Có thể bị truy cứu hình sự

Luật sư Huỳnh Trọng Nghĩa, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết vị trí mà những người vẽ graffiti thường sử dụng là các công trình giao thông công cộng, các tài sản thuộc sự quản lý của cơ quan nhà nước. Từ đó, hành vi vẽ bậy lên những tài sản này là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan đô thị và tài sản của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân bị xâm phạm.

Ở mức độ nhẹ, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 7, Điều 15 hoặc Điều 21 Nghị định 144/2021.

Cụ thể, phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với người nào phun sơn, viết, vẽ, dán, gắn hình ảnh, nội dung lên tường, cột điện hoặc các vị trí khác tại khu vực dân cư, nơi công cộng, khu chung cư nơi ở của công dân hoặc các công trình khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền.

Nếu hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức có thể bị phạt tiền 3-5 triệu đồng. Trường hợp vẽ bậy làm hư hỏng, gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ thì sẽ bị phạt tiền 6-8 triệu đồng.

Ở mức độ nghiêm trọng hơn, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Khung hình phạt có thể lên đến 20 năm tù (gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên). Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng.

Có thể thấy hiện nay đã có đầy đủ chế tài xử lý các đối tượng vẽ bậy. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý lại không hề dễ dàng vì các đối tượng thường thực hiện hành vi vào lúc vắng người, thời gian thực hiện diễn ra nhanh chóng nên rất khó để lực lượng chức năng bắt quả tang để xử lý.

Cạnh đó, những đối tượng này thường lựa chọn nơi không có camera giám sát để vẽ bậy nên cơ quan chức năng cũng gặp khó khăn trong việc truy xuất đối tượng.

Graffiti là một loại vẽ tranh đường phố được giới trẻ thể hiện niềm đam mê. Tuy nhiên, ranh giới giữa nghệ thuật vào vi phạm pháp luật sẽ phụ thuộc và niềm đam mê của người vẽ đặt đúng chỗ hay không. Do vậy, tự mỗi người, đặc biệt là những người đã và đang có niềm đam mê với graffiti cần nâng cao ý thức, thể hiện niềm đam mê của mình đúng chỗ để tránh hậu quả pháp lý đến với mình.

Địa phương cũng đã tuyên truyền, vận động người dân có nhà mặt tiền đường thực hiện việc giám sát, khi phát hiện người vẽ bậy thì báo cho địa phương để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Cần sự chung tay của người dân để giám sát

Ông Vũ Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho biết tình trạng vẽ bậy, bôi bẩn lên tường, cửa cuốn của nhà dân, lên các tủ điện hay dán quảng cáo trên cột điện… xảy ra ở nhiều địa phương chứ không riêng ở địa bàn quận 1. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay khiến nhiều người dân không khỏi bức xúc và chính quyền địa phương cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để xử lý, ngăn chặn.

Ba giải pháp chính mà quận 1 đưa ra là: Thứ nhất, tăng cường việc tuần tra, kiểm tra để phát hiện vi phạm. Đặc biệt vào ban đêm sẽ có lực lượng công an phường, lực lượng dân phố kiểm tra tại các khu vực có nguy cơ bị vẽ bậy, dán quảng cáo.

Thứ hai, các phường thuộc địa bàn quận cũng thường xuyên tổ chức dọn vệ sinh khu vực như đi tháo tờ rơi dán trên cột điện, tường… Đối với những bức tường bị vẽ bậy thì sẽ được cạo ra, sơn lại.

Thứ ba, đối với những bức tường bị vẽ bậy hoặc có nguy cơ bị vẽ bậy, địa phương đã vận động người dân vẽ tranh có nội dung tuyên truyền liên quan đến vệ sinh môi trường, bảo vệ trẻ em, tranh minh họa...

Đồng thời, địa phương cũng đã tuyên truyền, vận động người dân có nhà mặt tiền đường thực hiện việc giám sát, khi phát hiện người vẽ bậy thì báo cho địa phương để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho biết quận Gò Vấp vẫn chưa xử lý trường hợp vẽ bậy nào tại các công trình công cộng. Tuy nhiên, tình trạng dán tờ rơi quảng cáo trên cột điện, tường có xảy ra trên địa bàn.

Để hạn chế tình trạng vẽ bậy lên tường, quận sẽ giao những công trình công cộng về các đơn vị quản lý. Đối với những trường hợp đã vẽ, quận tổ chức khắc phục bằng cách sơn lại. Đối với dạng xịt sơn số điện thoại hoặc dán quảng cáo trên tường, cột điện thì nhiều năm nay quận vẫn kiểm tra và xử lý quyết liệt.

“Về biện pháp lâu dài, quận cũng có đề xuất nên bổ sung quy định về việc nếu chủ thuê bao nào vi phạm dán tờ rơi quảng cáo sai quy định thì nhà mạng sẽ khóa thuê bao. Sau khi những thuê bao nào vi phạm liên hệ địa phương khắc phục hậu quả thì mới được mở lại… Với cách này, tình trạng xịt sơn, dán quảng cáo trên cột điện ở địa bàn đã được hạn chế” - ông Khang chia sẻ.•

Công an vào cuộc xử lý nghiêm các trường hợp vẽ bậy

Khoảng cuối tháng 4-2023, tại toa số 2, đoàn tàu số 3 tuyến metro số 1 tại depot Long Bình, TP Thủ Đức đã bị một số đối tượng vẽ bậy bằng sơn màu dạng graffiti khiến người dân rất bức xúc. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, các toa tàu của tuyến metro này đã bị vẽ bậy hai lần.

Tương tự, tại một công trình mang tính biểu tượng khác của TP là cầu Ba Son nối quận 1 với TP Thủ Đức, ngay sau khi khánh thành được ít lâu cũng đã bị các đối tượng vẽ bậy.

Ngay sau khi diễn ra các hành vi vẽ bậy trên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi giao cho Công an TP, UBND quận 1, UBND TP Thủ Đức xử lý nghiêm để tăng tính răn đe đối với hành vi cố tình hoặc tái phạm sơn, vẽ bậy trên cầu.

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trong tháng 5 vừa qua, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cũng cho biết Ban Giám đốc Công an TP đã có chỉ đạo phối hợp với Công an TP Thủ Đức để điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp vẽ bậy lên các toa tàu thuộc tuyến metro.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm