Đến thời điểm này, công tác chấm thi tự luận của các Sở GD&ĐT cũng như quét chấm trắc nghiệm của các trường ĐH trên cả nước đã hoàn tất và đi vào các bước cuối cùng như nhập điểm, thẩm tra, soi dò....để chuẩn bị công bố điểm vào ngày 14-7 tới.
Những ngày qua, thông tin về việc hàng ngàn bài thi trắc nghiệm bị phát hiện lỗi khi máy quét chấm đã khiến không ít phụ huynh, thí sinh lo lắng, quan tâm từ dư luận.
Như tại tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh có gần 20.600 thí sinh dự thi với 60.400 bài thi trắc nghiệm. Khi Ban chấm trắc nghiệm qua phần mềm thì máy báo lỗi hơn 1.450 bài thi.
Hay như tại Đồng Nai cũng phát hiện có hơn 400 bài thi có lỗi khi chấm bằng phần mềm trong tổng số hơn 78.000 bài thi.
Tại tỉnh Khánh Hòa cũng có hơn 200 bài thi không nhận diện được vì có lỗi.
Tại nhiều địa phương khác cũng gặp tình trạng tương tự với hàng trăm bài thi trong quá trình quét chấm bài trắc nghiệm.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo các địa phương và ban chấm thi của các trường ĐH được giao chấm trắc nghiệm cho rằng, đó là hiện tượng bình thường khi chấm bằng phần mềm cho bài trắc nghiệm. Lỗi này do các thí sinh trong quá trình tô trắc nghiệm hoặc tô thông tin bài thi chứ không phải do máy móc. Cụ thể như tô sai mã đề, tô hai đáp án, tô mờ, nhầm số báo danh...
PGS, TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thừa nhận, trong số 60.401 bài thi trắc nghiệm thì số bài thi phải sửa lỗi đến hơn 1.400 bài thi. Tuy nhiên, theo ông Dũng, đây là số ít bị lỗi do máy báo về trong quá trình chấm và là hiện tượng bình thường. Khi phát hiện, các cán bộ thực hiện sửa lỗi theo quy định trình tự của Bộ GD&ĐT về việc chấm thi.
“Năm nay phần mềm báo lỗi nhanh nên cán bộ chấm thi xử lý kịp thời, không ảnh hưởng tới bài thi của TS” – ông Dũng nói.
Cán bộ phổ biến quy chế thi cho thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua. Ảnh: P. ANH
Về việc sửa lỗi, ông Phạm Thái Sơn, thành viên ban chấm thi trắc nghiệm ở Bình Thuận cho biết, trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM được giao chấm thi trắc nghiệm tại Bình Thuận. Việc chấm thi trắc nghiệm năm nay được thực hiện nghiêm ngặt nên mọi công tác đều khá tốt. Và Ban cũng có phát hiện nhiều bài thi bị lỗi vì những lí do bình thường như chất liệu giấy thi, giấy bị gấp, tô mờ đáp án, tô nhiều đáp án trong một câu....
Theo ông Sơn, trong quá trình chấm, Ban sẽ quét và lưu dữ liệu bài thi để báo cáo Bộ GD&ĐT. Với những bài bị máy báo lỗi sẽ được Ban chấm thi sàng lọc và tiến hành sửa lỗi dưới sự giám sát của thanh tra, an ninh.
“Toàn bộ kết quả sửa, biên bản sửa và bản sao cơ sở dữ liệu tại thời điểm sửa được mã hóa để tiếp tục gửi về Bộ theo đúng các bước trong quy chế hướng dẫn về chấm thi nhằm kiểm tra tính chính xác của kết quả chấm chứ không ảnh hưởng tới bài thi của TS” - ông Sơn nói.