Tối 26-7, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cầu truyền hình đặc biệt “Dáng đứng Việt Nam” kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, liệt sĩ tại bốn điểm cầu gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, TP.HCM và Quảng Trị.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cùng nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh và đông đảo người dân đã đến dự.
Lãnh đạo ngồi dưới mưa dự chương trình. Ảnh: TÁ LÂM
Tại đầu cầu Đền tưởng niệm Bến Dược (huyện Củ Chi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đến tham dự chương trình.
Một điều đáng chú ý là ngay từ lúc bắt đầu chương trình (20 giờ), cơn mưa xuất hiện nhưng các lãnh đạo và đông đảo người dân mặc áo mưa và vẫn giữ nguyên vị trí. Các tiết mục ca nhạc và những câu chuyện xúc động cứ thế diễn ra, mặc cho cơn mưa mỗi lúc một dày hạt.
Lãnh đạo đứng lên làm lễ dưới mưa. Ảnh: TÁ LÂM
Trong chương trình, những người tham dự đã kể lại những câu chuyện xúc động. Đó là hành trình gần 40 năm tìm mộ con - liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn, hy sinh trong trận chiến ác liệt kéo dài 81 ngày đêm tại thành cổ Quảng Trị, của gia đình ông Nguyễn Kỳ Ngộ (Quảng Bình).
Năm 1971, như bao thanh niên khác tình nguyện xếp bút nghiên lên đường chiến đấu, Nguyễn Kỳ Sơn viết đơn xin đi bộ đội khi đang là sinh viên năm thứ hai Học viện Thủy lợi. Ra đi giữa mùa hè đỏ lửa Quảng Trị (1972) với giấc mơ giảng đường dang dở nhưng những kỷ vật để lại của người lính trẻ thực sự làm những con người của hôm nay phải rúng động.
Giữa lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết nơi chiến trường, Nguyễn Kỳ Sơn vẫn tranh thủ những giây phút ngớt tiếng đạn bom giữa hai trận đánh mà viết nên những dòng nhật ký thấm đẫm tình yêu và trách nhiệm: “Ta yêu hòa bình, yêu màu xanh. Trong bom đạn tưởng chừng như không bao giờ dứt, một phút như thế này có ý nghĩa biết bao nhiêu. Ta càng quý cuộc sống biết bao nhiêu…” (15-8-1972).
Những dòng nhật ký được ghi trước khi Nguyễn Kỳ Sơn nằm lại làng An Tiêm, xã An Thạnh, phía Đông Nam thành cổ Quảng Trị.
Hay câu chuyện của mẹ Dương Thị Tạo và mẹ Nguyễn Thị Tròn (đều ở Quảng Bình) đã 30 năm chờ con là liệt sĩ Phan Văn Thiềng và liệt sĩ Hoàng Văn Túy, những người đã mãi nằm giữa lòng biển sâu trong trận hải chiến Trường Sa 1988 (trận chiến CQ88).
Bao năm qua mẹ Tạo vẫn ở một mình trong căn nhà cũ bên bãi biển để “chờ thằng Thiềng về” mà không chịu về, sống với người con trai út chỉ ở cách đó vài chục mét vì sợ: “Đi chỗ khác, lỡ nó về không ai đón…”. Thương thân xác con lạnh lẽo giữa biển khơi, mẹ Tròn lập cây dâu làm hài cốt cho con và đưa vào an táng trong nghĩa trang liệt sĩ xã. Mọi người vẫn thường bắt gặp người mẹ đã ngoài 80 tuổi lang thang trên các động cát trắng ngóng ra biển chờ anh Túy trở về…
Chương trình còn mang đến câu chuyện tuyệt đẹp mà day dứt về tình yêu thời chiến. Cô y tá Đỗ Ngọc Cẩm (quê Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) và chiến sĩ Đỗ Ngọc Lâm (quê Hải Dương, đơn vị Đại đội 506B, tiểu đoàn 704 đặc công Quảng Ngãi) yêu nhau từ năm 1972 và hẹn nên đôi khi nước nhà thống nhất.
Thế nhưng anh đã ngã xuống tại chiến trường Mộ Đức vào ngày 17-10-1974, để lại cho người yêu vỏn vẹn bốn bức thư trong hai năm quen nhau. Chừng ấy năm qua, cô Ngọc Cẩm vẫn ở vậy, vẫn không ngừng tìm kiếm mộ phần người yêu cũng như mong muốn tìm đến gia đình anh chỉ với vài manh mối thông tin còn lại: cái tên Đỗ Ngọc Lâm, tên đơn vị và quê hương Hải Dương…
Vẫn còn rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện xúc động, những nỗi đau nghẹn lòng về sự hy sinh, mất mát của một thế hệ “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Cầu truyền hình đêm 26-7 và nhiều chương trình kỷ niệm được tổ chức khắp mọi miền đất nước dịp này là lời nhắc nhở mỗi người được hưởng hòa bình, hạnh phúc hôm nay không được quyền quên “cái ơn, cái nợ” đối với bao lớp người đã đem máu xương mình tạc nên “Dáng đứng Việt Nam”.