Xung quanh vụ trường ĐH Hoa Sen: Đại hội cổ đông bất thường có đúng luật?

Chiều 4-8, đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) và ban kiểm soát (BKS) Trường ĐH Hoa Sen gồm ông Trần Văn Tạo (Chủ tịch HĐQT), bà Bùi Trân Phượng (Hiệu trưởng- Phó Chủ tịch HĐQT), ông Đỗ Sỹ Cường (thành viên HĐQT) và ông Hoàng Đức Bình (Trưởng phòng Truyền thông) đã tổ chức buổi gặp mặt báo chí nhằm cung cấp thông tin chung quanh vụ đại hội cổ đông bất thường (ĐHCĐBT).

Chưa đủ điều kiện tiến hành

Ngày 2-8, ĐHCĐBT Trường ĐH Hoa Sen diễn ra do ông Nguyễn Trung Đức - thành viên HĐQT - tổ chức với 84 cổ đông tham gia.

Nhấn mạnh thủ tục triệu tập của ĐHCĐBT là bất hợp pháp, đại diện HĐQT ĐH Hoa Sen giải thích: Ngày 20-6, nhóm cổ đông tự cho rằng mình chiếm giữ 30,76% (gọi là nhóm 30%) cổ phần Trường ĐH Hoa Sen gửi thư yêu cầu BKS triệu tập ĐHCĐBT.

Ngày 24-6, BKS có thư gửi nhóm 30% về việc đã tiếp nhận thư yêu cầu cũng như thông báo xác lập quyền tổ chức ĐHCĐBT là của BKS. Trong khi BKS đang lên kế hoạch và làm các thủ tục để triệu tập họp ĐHCĐBT theo thư yêu cầu của nhóm 30% thì ngày 30-6, nhóm cổ đông đã đề nghị ông Nguyễn Trung Đức triệu tập ĐHCĐBT. Do đó việc tổ chức ĐHCĐBT này là sự vi phạm pháp luật và quy chế ĐH Hoa Sen.

Bà Bùi Trân Phượng, ông Đỗ Sỹ Cường ông Trần Văn Tạo chủ trì buổi gặp mặt báo chí. Ảnh: H.VI

Đại diện HĐQT ĐH Hoa Sen cũng khẳng định ĐHCĐBT chưa đủ điều kiện để tiến hành. Theo nhận định của HĐQT, cổ đông tham dự ĐHCĐBT chỉ sở hữu cổ phần tương ứng 59% vốn điều lệ, ít hơn điều kiện được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của ĐH Hoa Sen là 65%.

Ngoài ra, đại diện HĐQT nhà trường cũng cho rằng đã có những thông tin và cáo buộc không trung thực, thiếu minh chứng, không giải thích được đưa ra tại ĐHCĐBT, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín nhà trường cũng như một số cá nhân lãnh đạo trường.

Bà Bùi Trân Phượng cho biết ngày 3-8, HĐQT và BKS đã họp và đề nghị lên UBND TP.HCM cùng các cấp lãnh đạo không công nhận HĐQT và BKS được bầu từ ĐHCĐBT. Việc này vừa nhằm duy trì ổn định hoạt động đào tạo của trường vừa bảo vệ lợi ích của sinh viên, giảng viên, nhân viên và cổ đông Trường ĐH Hoa Sen.

Vì sao có đại hội bất thường?

Bà Phượng giải thích ông Nguyễn Trung Đức và bà Phạm Thị Thủy (hai thành viên HĐQT) trong ĐHCĐ thường niên năm 2013 tổ chức vào tháng 1-2014 đã đề nghị mức cổ tức là 30%. Việc phát biểu này thể hiện rõ quan điểm tối đa hóa lợi nhuận của ông Nguyễn Trung Đức - người đứng ra triệu tập ĐHCĐBT. Đại hội chỉ nhằm lật đổ HĐQT và BKS.

Cũng theo bà Phượng, một lý do khác là do ĐH Hoa Sen hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận (đã được xác định trong đề án thành lập Trường ĐH Hoa Sen và quy chế tổ chức và hoạt động ĐH Hoa Sen). Do khác biệt về hướng hoạt động của nhà trường giữa nhóm lợi ích và nhóm bền vững, từ đó đã dẫn đến ĐHCĐBT này.

Theo bà Phượng, những diễn biến trước và sau ĐHCĐBT đã và đang tác động tiêu cực đến giảng viên, nhân viên và sinh viên nhà trường. Qua các kênh truyền thông, sinh viên hoang mang, lo lắng.

“Trả lời cho sinh viên lúc này là vấn đề quan trọng. Chúng tôi ra thông điệp hiệu trưởng giải thích về ĐHCĐBT cho sinh viên hiểu. Hiện thông điệp đã có tác dụng tích cực làm sinh viên an tâm” - bà Phượng nói.

Đại diện HĐQT và BKS cũng cho biết trong thời gian tới sẽ làm hết sức mình nhằm tiếp tục khẳng định chất lượng đào tạo của nhà trường.

Trước đó, vào ngày 2-8, ĐHCĐBT do nhóm 30% cổ phần đã được triệu tập. Đại hội đã tiến hành
bầu sáu thành viên HĐQT và các thành viên BKS mới.

QUANG ÂN

Nhóm triệu tập ĐH cổ đông bất thường nói gì?

Ngày 2-8, nhóm cổ đông chiếm trên 30% cổ phần Trường ĐH Hoa Sen đã triệu tập đại hội CĐ bất thường tại TP.HCM. Tại đại hội, ông Nguyễn Trung Đức, thành viên HĐQT ĐH Hoa Sen, người đại diện nhóm cổ đông triệu tập đại hội được bầu làm chủ tọa với hơn 98% cổ đông đồng ý.

Trong phần báo cáo những sai phạm của HĐQT và hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, ông Đức cho rằng Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng đã gây thiệt hại nhiều chục tỉ đồng cho ĐH Hoa Sen, cho các cổ đông, làm giảm uy tín của ĐH Hoa Sen với phụ huynh, sinh viên.

Theo báo cáo của ông Đức, ngày 22-11-2011,  bà Phượng đã thành lập Công ty TNHH Nhà hàng Khách sạn và Du lịch Vĩnh An, vốn điều lệ 1,2 tỉ đồng, trong đó phần vốn góp của bà Phượng là 25%.

Sau đó Công ty Vĩnh An do bà Phượng làm giám đốc mở lớp đào tạo và thuê giảng viên không đúng tiêu chuẩn, thu học phí quá mức cho phép với chương trình Vatel (chương trình cử nhân quản lý khách sạn nhà hàng quốc tế) khiến ĐH Hoa Sen bị thanh tra Bộ GD&ĐT ban hành quyết định xử phạt ngày 18-5-2012 vì tuyển sinh và mở lớp đào tạo khi chưa được Bộ cấp phép.

Tiếp đến, ngày 21-4-2014 thanh tra Bộ GD& ĐT tiếp tục phạt Công ty Vĩnh An vì đã tiến hành giảng dạy chương trình Vatel trái với quy định pháp luật, hợp đồng với giảng viên không có chuyên môn. Về sai phạm học phí, Bộ GD&ĐT cho phép ĐH Hoa Sen liên kết đào tạo chương trình Vatel với mức học phí là 65 triệu đồng/năm/sinh viên nhưng Công ty Vĩnh An thu học phí và xuất hóa đơn cho người học là 78 triệu đồng/năm/sinh viên. Số tiền vượt quy định trong năm 2013 đến đầu năm 2014 là 1,56 tỉ đồng.

Cũng theo ông Đức, Công ty Vĩnh An còn nhiều sai phạm về kế toán, tài chính, thuế và phát hành hóa đơn. Bản thân bà Phượng đã giấu doanh thu 119 tỉ đồng và nhiều sai phạm khác…

Riêng chủ tịch HĐQT ĐH Hoa Sen, ông Trần Văn Tạo, bị tố thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, thiếu trách nhiệm trong báo cáo tài chính, từ chối triệu tập đại hội cổ đông…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới