Hơn 3 ngày nay (từ ngày 12 đến ngày 15-3), vụ thanh niên 18 tuổi (xã Lương Hòa, Huyện Bến Lức, Long An) buồn chuyện tình cảm đã đến cầu Bến Lức nhảy xuống sông Vàm Cỏ Đông tự tử vẫn chưa hạ nhiệt. Đặc biệt, sự xuất hiện bất chấp hoàn cảnh của đội livestream đã khiến gia đình, người dân cực kỳ bức xúc.
Chỉ khoảng hơn 1 ngày, thông tin gia đình tìm kiếm thanh niên 18 tuổi nhảy cầu tự tử, có khoảng gần 10 người đã có mặt tại cầu Bến Lức bám theo gia đình của nạn nhân để livestream (phát trực tiếp).
Nhiều đoạn clip đã được các YouTuber, TikToker quay rồi đăng tải về hoàn cảnh gia đình, người mẹ của thanh niên 18 trước nổi đau mất con, rồi chuyện ngăn cản của người mẹ với mối tình của nạn nhân… thu hút vài trăm đến hàng nghìn lượt view (lượt xem).
Ngay sau khi phát hiện thi thể nạn nhân tại sông Vàm Cỏ Tây, công an tiến hành khám nghiệm tử thi thì những YouTuber, TikToker lại kéo đến nhà của gia đình nam thanh niên đứng chĩa máy ghi hình. Họ quay bất cứ ai nói chuyện liên quan đến chuyện tình cảm, những nỗi đau trong gia đình nạn nhân.
Nhiều YouTuber khác thì cầm điện thoại đi khắp khu vực gần nhà nạn nhân tìm người địa phương hỏi về đời tư và cái chết của nam thanh niên.
Chị B.N.Đ (người thân của nam thanh niên) cho biết, thời điểm đó có trên 10 YouTuber đến quay phim lúc đi tìm kiếm em K đến khi chờ đưa em từ cơ quan chức năng về nhà, rồi đến đám tang.
Noài việc phát sóng trực tiếp họ còn đăng nói nhiều về cuộc sống tình cảm và chuyện gia đình khi chưa được gia đình cho phép.
Bức xúc vụ việc, gia đình chị Đ. đã phải nhờ công an xã Lương Hòa (huyện Bến Lức, Long An) đến giải tán và mời một số người không liên quan rời khỏi khu vực. Tuy nhiên, những người này không từ bỏ mà lén lút ghi hình bằng cách vào quán cà phê, nhà dân bên cạnh để tiếp tục ghi hình, đăng clip kiếm tiền.
"K. đã dại dột như vậy, đã làm chuyện buồn mà những YouTuber đứng quay phim nói cười, trò chuyện xoáy vào nỗi đau của người ta để kiếm tiền, thật sự quá phản cảm. Tôi rất bức xúc nhưng không biết làm sao để họ không còn đăng những thông tin về em tôi lên mạng nữa", chị Đ. nói.
Càng bức xúc hơn vào sáng 15-3, khi gia đình tổ chức chôn cất cho em K., vẫn còn những Youtuber, Tiktoker trà trộn tiếp tục quay và livestream, khiến gia đình rất bất bình trước sự việc.
Những năm trở lại đây, Tiktoker, Youtuber đã trở thành nghề mang tính cạnh tranh đối với nhiều người ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp... Nguyên do chính là bởi việc kiếm tiền, tăng thu nhập quá dễ so với các nghề khác.
Bên cạnh những Tiktoker, Youtuber phát triển kênh theo cách bền vững, tạo giá trị, nội dung tích cực thì rất nhiều người bất chấp mọi thứ để được nổi tiếng. Điều này khiến Tiktoker, Youtuber trở thành vấn nạn, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người và ảnh hưởng sâu xa đến xã hội.
Livestream trong đám tang có bị xử phạt?
Hiện nay pháp luật không cấm việc cá nhân livestream. Tuy nhiên, việc livestream đám tang nếu không được gia đình người mất cho phép mà gây ảnh hưởng đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật hình ảnh của gia đình người mất thì đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật.
Căn cứ vào quy định của pháp luật, người xâm phạm quyền riêng tư của người khác, tuỳ vào từng tính chất, mức độ vi phạm cũng như hậu quả và đối tượng bị xâm phạm mà người vi phạm sẽ chịu các hình thức xử phạt khác nhau.
Nếu người nào sử dụng hình ảnh của người khác mà không được sự đồng ý hoặc sử dụng sai mục đích thì sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng theo điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020.
Trong trường hợp này, ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính nếu tiếp tục vi phạm có hành vi bôi nhọ, làm nhục, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác thì người vi phạm còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác tại Điều 155 BLHS, mức phạt tù tối đa là 5 năm.
Mặc dù pháp luật có quy định biện pháp chế tài đối với hành vi xâm phạm quyền riêng tư, bí mật đời tư, hình ảnh... Tuy nhiên, để ngăn chặn các hành vi độc hại, phản cảm trên mạng xã hội cần sự vào cuộc xử lý mạnh tay của các cơ quan quản lý. Như vậy, mới giải quyết triệt để xây dựng một xã hội an toàn an ninh lành mạnh.
Luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM