Một giá bồi thường cho các dự án

Rõ ràng đây là một nghịch lý phải cố gắng giải quyết dứt điểm càng sớm càng tốt để hạn chế các vướng víu phát sinh.

Trước đây, dự án nào (bất kể công ích hay có “hơi hám” kinh doanh) cũng đều được nhà nước đảm nhận khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Giá bồi thường là giá đất được nhà nước quy định nhân với hệ số k. Chừng dân “kêu trời” vì giá bồi thường thấp quá, không ai chấp nhận nổi thì nhà nước mới thay đổi quy định để bồi thường sát giá thị trường. Nhưng thế nào là giá thị trường? Nếu tôi nhớ không lầm thì đã có rất nhiều cuộc hội thảo, ý kiến khác nhau để bàn về khái niệm này nhưng đến nay vẫn chưa có sự thống nhất. Thế là để đỡ đối đầu với dân, nhà nước đã để doanh nghiệp đứng ra thương lượng trong một số loại dự án làm nhà ở, mở rộng sản xuất...

Từ chỗ muốn có đất nhanh để triển khai dự án, các doanh nghiệp chấp nhận đền giá cao hơn giá nhà nước đã đền. Vậy mới có sự khập khiễng khi cùng một khu đất mà bên này giá cao, bên kia giá thấp; người được đền thấp không hài lòng đã đành mà người được đền cao chưa hẳn đã ưng ý... Báo hại, nhiều dự án bị “da beo”, người có đất không vui, chủ đầu tư cũng... mếu.

Sau nhiều năm thi hành Luật Đất đai năm 2003, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nghiêng về phương án sẽ không để doanh nghiệp tự thỏa thuận thu hồi đất. Cùng với việc hoàn thiện các trung tâm phát triển quỹ đất, nhà nước đã đấu giá quyền sử dụng đất “sạch” để doanh nghiệp làm dự án. Phần chênh lệch từ đất do phát triển đô thị sẽ được nhà nước dùng để đầu tư, chăm lo cho người dân tái định cư. Có lẽ đây là phương án tối ưu tại thời điểm này do việc bồi thường nhiều giá đã và đang gây ra nhiều bất ổn, không có lợi cho cả ba phía là người dân, nhà nước và nhà đầu tư.

NGUYỄN MINH HẰNG (Quận 9)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm