Quy định cứng nhắc, hàng triệu người khốn khó!

Tất cả đều cho rằng chính quyền nên cân nhắc và tính toán đường đi nước bước cụ thể chứ không nên muốn cấm là cấm.

Ông Nguyễn Thanh Chín, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM:

Không nên vội vàng, máy móc

Quy định cứng nhắc, hàng triệu người khốn khó! ảnh 1Đây không chỉ là chuyện của Chỉ thị số 46 về quản lý xe công nông, Nghị quyết số 32 về đình chỉ xe tự chế ba, bốn bánh... nói riêng mà từ vấn đề này chúng ta cần rút ra nhiều kinh nghiệm về công tác lập pháp. Để có những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân, các cơ quan chức năng cần tính toán lộ trình hợp lý để nó được đi vào thực tế.

Theo tôi, chủ trương cấm xe ba gác, xe công nông cần được xem xét lại. Nếu cần cấm, chính quyền chỉ nên cấm ở một số khu vực nhất định. Có thể cấm ở một số tuyến đường chính để tránh bị kẹt xe nhưng đường phụ, hẻm nhỏ thì vẫn cho phép lưu hành. Nên nhớ TP.HCM có rất nhiều hẻm nhỏ mà chỉ có xe ba gác mới len lỏi vào lấy rác được mà thôi.

Ông Phạm Minh Trí, đại biểu HĐND TP.HCM:

Đừng “vứt bỏ” người dân nghèo

Quy định cứng nhắc, hàng triệu người khốn khó! ảnh 2Những giải pháp mà Chính phủ đưa ra nhằm cấm lưu hành xe công nông, xe ba gác... xuất phát từ những “vấn nạn” về giao thông. Tuy nhiên, về mặt điều hành, nhà nước cần lưu ý một số vấn đề sau đây: thứ nhất, nước ta đang phát triển, kinh tế còn nghèo, đời sống nhân dân còn thấp chứ không phải là một nước giàu. Thứ hai, có nhiều người dân đang mưu sinh bằng các phương tiện đó nên chính quyền phải xây dựng phương án chuyển đổi nghề cho họ.

Những nhà điều hành nên cân nhắc kỹ trước khi thực hiện những chính sách đụng chạm đến nồi cơm, manh áo của người dân. Tôi có nghe một số cử tri đánh giá những giải pháp đưa ra có phần vội vàng, thiếu tầm nhìn xa, thiếu cân nhắc đầy đủ nên dễ đưa đến nhiều hệ lụy. Theo tôi, chính quyền không nên máy móc. Nếu nạn kẹt xe xảy ra chủ yếu ở TP.HCM và Hà Nội, nhà nước không nhất thiết phải áp dụng lệnh cấm ở tất cả các địa phương trong cả nước.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng ban Tuyên truyền Hội Luật gia TP.HCM:

Phải có thời điểm áp dụng hợp lý

Quy định cứng nhắc, hàng triệu người khốn khó! ảnh 3Tôi nghĩ rằng khi làm luật, không nên lấy cá thể mà nhân lên điển hình. Phải tùy từng đặc điểm của mỗi địa phương mà có quyết sách cho thích hợp. Nếu cấm xe thì nên cấm vào một số giờ nhất định, chứ không nên “cấm tiệt”.

Tại sao việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm lại được nhân dân nghiêm túc chấp hành như vậy mà lệnh cấm xe ba gác, công nông lại bị nhiều địa phương phản ứng? Trước khi toàn dân phải đội mũ bảo hiểm trên tất cả các tuyến đường vào ngày 15-12-2007, cả nước đã có những đợt tuyên truyền và chuẩn bị rầm rộ, qua đó người dân nhận thức được lợi ích thiết thực của việc đội mũ bảo hiểm. Như vậy, vấn đề cần rút ra từ đây, các quyết sách cần có thời điểm áp dụng hợp lý.

Theo tôi, nếu cứ tiếp tục cho ra đời những quy định pháp luật không đi vào thực tế, rồi sau đó gia hạn hoặc đình hoãn, chính quyền sẽ tạo ra tình trạng lờn luật.

Ông Ngô Gia Hiệp, Phó chủ tịch UBMTTQ quận Thủ Đức:

Nhiều hậu quả khó lường

Quy định cứng nhắc, hàng triệu người khốn khó! ảnh 4Xét về lâu dài, các chính sách trên phù hợp với sự phát triển của đất nước và chắc chắn là ai cũng đồng tình. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều người dân nghèo kiếm cơm bằng xe xích lô, ba gác, gánh hàng rong... Không thể bắt họ phải đổi nghề chỉ trong một thời gian ngắn. Trước đây, quy định đội mũ bảo hiểm cũng phải mất mấy năm chuẩn bị mới giải quyết dứt điểm được.

Ở phường Linh Tây, có một người sau cai nghiện vừa được hỗ trợ mua xe ba gác để kiếm sống. Khi chủ trương cấm xe ba gác được ban ra, gia đình anh ấy vội chạy lên phường “kêu cứu” vì sợ nếu không có việc làm thì anh ấy sẽ nghiện lại. Nhất định chính quyền phải có lộ trình phù hợp để tạo thuận lợi cho những người dân liên quan chuyển đổi nghề và tìm được kế sinh nhai khác.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBMTTQ quận 9:

Ít nhất phải có hai năm chuẩn bị

Quy định cứng nhắc, hàng triệu người khốn khó! ảnh 5Tôi cũng nghĩ các chủ trương đó đúng nhưng phải có ít nhất là hai năm để chuẩn bị thực hiện. Vì những người chạy xe ba gác hay bán hàng rong thường có trình độ thấp, việc chuyển đổi nghề đối với họ không thể là chuyện một sớm một chiều.

Việc quy định thời gian chạy e cũng không ổn. Nếu chạy từ 22 giờ đêm cho tới sáng thì lấy đâu ra khách và nếu phải làm việc lâu dài ở khoảng thời gian không khoa học này, tiền kiếm được sợ không đủ để mua thuốc chữa bệnh.

Việc xử phạt người bán hàng rong cũng khó khăn không kém. Thử hỏi gánh bún riêu kiếm được bao nhiêu tiền trong một ngày mà chính quyền đòi phạt cả trăm, triệu đồng? Họ không bán ở một chỗ mà liên tục gánh đi thì lấy đâu ra người quản lý... Đề nghị nhà nước tính lại mọi chuyện sao cho hợp lý hơn.

Ông Nguyễn Sinh (trú tại phường 5, quận 8):

Nếu không chạy xe, chúng tôi lấy gì để ăn?

Tôi 52 tuổi, quê ở Quảng Ngãi, vào TP.HCM đã được bảy năm. Hàng ngày, vợ tôi đi bán vé số, tôi chạy xe xích lô, hai đứa con đi học. Nếu trước đây tôi còn đủ sức đi xa để kiếm khách thì mấy năm gần đây, tôi chỉ chạy gần nhà và chủ yếu là chở hàng cho các mối quen (vốn là các bà tiểu thương bán chè, cháo... ở các chợ nhỏ). Thu nhập của vợ chồng chỉ khoảng hai triệu đồng/tháng mà phải lo nào tiền điện, nước, học phí... Cứ đến kỳ đóng học phí là vợ chồng tôi phải vay mượn rồi ráng tra, rồi lại mượn... Thấy cha mẹ vất vả, hai con tôi đã nhiều lần đòi nghỉ học. Tất nhiên, tôi không đồng ý vì nếu nghỉ học thì chúng sẽ làm gì? Chẳng lẽ đi làm thuê, bán vé số hay chạy xe xích lô như tôi?

Những ngày qua, tôi cũng tiếp tục chở hàng nhưng bụng dạ luôn thắc tha thắc thỏm. Nghe nói “Chưa phạt đâu!” nhưng thú thiệt, tôi luôn tìm cách trốn cảnh sát giao thông.

Đồng ý là chính quyền phải khẩn trương kiềm chế tai nạn giao thông và việc cấm xe xích lô, ba gác là một trong những giải pháp để đạt được mục đích này. Nhưng rất tiếc, Nghị quyết 32 chỉ tập trung vào các mệnh lệnh hành chính (cấm, xử phạt...) và các địa phương lại không tính đến việc hỗ trợ đời sống của hàng triệu người dân đang mưu sinh bằng các loại xe này (trong đó có tôi).

Không ai muốn sống bằng cái nghề vất vả này và nếu đổi nghề được thì chúng tôi đã tự đổi từ lâu rồi. Ngặt nỗi, vốn liếng không có, trình độ văn hóa cũng không. Nếu không chạy xe, chúng tôi lấy gì để ăn? Phải sống thì mới tuân thủ quy định được chứ! Nếu trước khi thực hiện, chính quyền đồng cảm với chúng tôi về điều này và tìm cách giải quyết thì mọi chuyện đã không rắc rối.

Bà Trần Thị Hai (Quận 7):

Gánh hàng rong đã nuôi sống cả gia đình tôi

Đến nay, tôi đã có 10 năm làm nghề bán hàng rong. Tôi bán đủ thứ, lúc thì chè các loại, lúc đủ loại xôi, lúc nhiều loại bánh ngọt... Bao năm nay, gánh hàng rong đó đã giúp tôi nuôi cả gia đình gồm năm miệng ăn. Tuy hiện giờ không làm ông này, bà nọ nhưng các con tôi đều đang có công việc ổn định.

Theo quy định của Bộ Y tế, những người bán thực phẩm như tôi buộc phải có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Hồ sơ xin cấp giấy này ngoài các đơn từ thông thường còn phải có bản thuyết minh về cơ sở vật chất, bản mô tả quy trình chế biến, bản sao giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe... Sao mà rắc rối vậy! Chẳng lẽ người bán rong nay thứ này, mai thứ nọ như tôi cũng phải làm hồ sơ thay đổi mặt bằng và giấy chứng nhận mới? Bản thân tôi đã lớn tuổi, làm sao có giấy chứng nhận đủ sức khỏe?...

Những ngày gần đây, chúng tôi vẫn tiếp tục bán rong và chưa ai bị phạt cả. Nhưng thực sự chúng tôi rất hồi hộp vì chưa biết sẽ làm gì để sống nếu gánh hàng rong bị cấm? Dường như các quan chức chỉ biết cấm là cấm, mặc cho dân tình muốn xoay xở thế nào thì tùy. Thiệt khổ hết sức!

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm