Bộ GTVT: Uber, Grab được quản chặt, taxi phải thay đổi

Đại diện Bộ GTVT cho biết Quyết định 24/2016 của Bộ GTVT về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng là thí điểm hợp đồng điện tử thay cho giấy.

Theo đó, các đơn vị cung cấp hợp đồng điện tử như loại hình Uber, Grab phải ký hợp đồng với người có nhu cầu vận tải và đơn vị kinh doanh vận tải. Trong đó, các đơn vị kinh doanh vận tải phải là các doanh nghiệp, hợp tác xã chứ không phải xe cá nhân.

Như vậy, trước đây khi chưa sử dụng thiết bị phần mềm, những xe này đã là xe hợp đồng và được Sở GTVT cấp phù hiệu. Sau đó, khi Uber, Grab ra đời thì họ cung cấp hợp đồng điện tử này giúp các bên ký kết hợp đồng thuận tiện hơn (không phải gặp nhau).

Bộ GTVT đã có nhiều cuộc trao đổi về loại hình Uber, Grab với các hãng taxi truyền thống. Ảnh: VIẾT LONG

Bên cạnh đó, các xe tham gia thí điểm phải thực hiện dán logo với diện tích bằng nhãn đăng kiểm. Ngoài ra, theo Luật giao thông Đường bộ các xe kinh doanh đều phải lắp thiết bị giám sát hành trình, nếu chạy quá tốc độ sẽ bị xử phạt theo quy định.

 "Trường hợp các xe không thực hiện các quy định trên thì cơ quan chức năng cần kiểm tra xử phạt nghiêm và hiện TP.HCM đã xử phạt nhiều trường hợp tài xế không có phù hiệu, logo. Như vậy các quy định đều rất rõ ràng và không có bất cập cả... Còn về giá thì xe taxi có gắn đồng hồ, nhưng xe hợp đồng điện tử có thỏa thuận giá từ trước nên việc áp dụng đồng hồ tính tiền với xe hợp đồng là không cần thiết", đại diện Bộ GTVT nhấn mạnh.

Đối với số lượng xe, đại diện Bộ GTVT khẳng định các con số xe tham gia thí điểm đều được báo cáo hàng tháng về Bộ GTVT và Sở GTVT các địa phương. Theo đó, Điều 6 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, quy định rõ UBND các tỉnh phải quy hoạch phương tiện vận tải trên địa bàn địa phương mình phù hợp với thực tiễn. Như vậy, địa phương phải xem xét số lượng xe phù hợp với khả năng kết cấu hạ tầng và nhu cầu của người dân để đưa ra phương án dừng hay không.

Các hãng taxi truyền thống phản ứng bằng những khẩu hiệu dán sau đuôi xe taxi. Ảnh: VIẾT LONG

"Số lượng xe các doanh nghiệp có thể giấu nhau, nhưng đối với cơ quan quản lý Nhà nước thì không thể nào giấu được. Hàng tháng họ phải báo cáo về Bộ GTVT và các Sở GTVT số lượng xe, đã ký hợp đồng với bao nhiêu đơn vị kinh doanh vận tải, tình hình hoạt động... Bên cạnh đó, đơn vị kinh doanh vận tải phải đăng ký giấy phép kinh doanh, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, Sở GTVT dán phù hiệu.... Đặc biệt vừa qua TP.HCM đã phát hiện và từ chối cấp phù hiệu cho 5 xe tham gia loại hình Uber, Grab có thời hạn sử dụng trên tám năm, như vậy địa phương hoàn toàn biết chứ không phải không biết... ", đại diện Bộ GTVT khẳng định.

Đại diện Bộ GTVT cũng tỏ ra lo lắng cho taxi truyền thống nếu không thay đổi: "Loại hình Uber, Grab hiện được người dân đón nhận bởi nhanh, giá minh bạch, tăng khả năng tìm lại hành lý, tài sản, sử dụng dịch vụ tốt thông qua chất lượng của phương tiện, giám sát đánh giá thái độ phục vụ khách hàng của đơn vị với lái xe. Đặc biệt, chia sẻ giám sát chuyển đi khi khách hàng muốn sử dụng nhằm nâng cao an toàn cho hành khách. Trong khi đó, taxi truyền thống vẫn giữ một công nghệ cũ là bộ đàm, km chạy rỗng cao, thái độ phục vụ... thì khó cạnh tranh nổi", đại diện Bộ GTVT khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm