Cá chết, lộ điểm yếu dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Sắp tới, cá ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (NL-TN) có còn tiếp tục chết? Nhiều bạn đọc thắc mắc sau khi Pháp Luật TP.HCMngày 1-8 thông tin về hiện tượng trên.

Mưa lớn là ô nhiễm

Trung tâm Chống ngập TP.HCM cho biết dự án Vệ sinh môi trường lưu vực NL-TN chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8-2012. Để làm sạch nước kênh, trung tâm đã áp dụng các biện pháp thau rửa thông qua hệ thống tách dòng và các giếng thu nước chết (S0 và S15) kết hợp với vận hành trạm bơm nước thải công suất 64.000 m3/giờ. Sau hai năm vận hành đồng bộ hệ thống, chất lượng nước kênh NL-TN đã cải thiện đáng kể.

“Riêng trong tháng 7-2014, do ảnh hưởng của thời tiết nên công tác vận hành trạm bơm chưa thật hợp lý, vì thế chất lượng nước kênh một số thời điểm đã có diễn biến bất thường. Tại thượng lưu kênh có xuất hiện tình trạng cá chết” - Trung tâm Chống ngập TP.HCM lý giải.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân sống dọc tuyến kênh NL-TN, nhất là những người thường câu cá ở dòng kênh này, tình trạng nước kênh ô nhiễm làm cá chết đã xảy ra nhiều lần, nhất là ở khu vực thượng nguồn. Hai lần cá chết nhiều nhất là dịp cuối tháng 7 vừa qua và trong tháng 5-2013 sau khi xảy ra hiện tượng trào bọt trắng xóa ở đoạn cuối dòng kênh.

Nước thải tràn trực tiếp vào tuyến kênh NL-TN làm ô nhiễm nguồn nước ở thượng nguồn. Ảnh: MINH PHONG

Một cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) thông tin thêm, sau khi xảy ra hiện tượng trào bọt trắng xóa trong tháng 5-2013, chi cục đã tiến hành khảo sát và nhận định nguyên nhân là do hằng ngày có một lượng lớn nước thải từ tuyến cống trên đường Út Tịch, Lê Bình (quận Tân Bình) đổ về kênh NL-TN. Vào những thời điểm có mưa lớn, lượng nước thải vượt quá khả năng thu gom của giếng thu nên chảy trực tiếp vào kênh, gây ô nhiễm.

Một dòng kênh hai màu nước

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Long Giao, Giám đốc Xí nghiệp Trạm bơm nước thải NL-TN (đơn vị vận hành hệ thống kênh NL-TN, thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị TP), nhìn nhận có tình trạng nước thải tràn qua giếng thu gom, chảy thẳng vào kênh. Song theo ông Giao, điều này là bất khả kháng bởi “nước mưa và nước thải sinh hoạt của TP không được tách riêng nên khi xảy ra mưa lớn, hai nguồn nước này cùng dồn về dẫn tới quá tải”.

Về lý do cá trong kênh chết nhiều, ông Giao giải thích: “Nguyên nhân là do mưa lớn, có một lượng lớn chất thải theo cửa xả tràn chảy thẳng vào kênh. Lượng nước này làm xáo trộn lượng bùn đáy ô nhiễm ở kênh (chưa được nạo vét triệt để), làm tăng mức độ ô nhiễm nước. Bên cạnh đó, do mực nước triều thấp và do ảnh hưởng từ việc thi công ba cây cầu bắc qua kênh nên dòng chảy từ thượng nguồn về hạ lưu cũng yếu, dẫn đến nước kênh không được thau rửa, làm sạch tốt…”.

Chúng tôi tiếp tục đề cập đến tình trạng nước kênh NL-TN đoạn ở thượng nguồn hay xuất hiện tình trạng phú dưỡng hóa (nguồn dinh dưỡng lớn từ chất thải hữu cơ) làm cho nước kênh thỉnh thoảng có màu xanh rất lạ, sau đó chuyển sang màu đen và bốc mùi hôi thối. Ông Giao trả lời: “Do bị ảnh hưởng bởi chế độ bán nhật triều nên có những thời điểm nước kênh ở thượng nguồn chảy ra đến khu vực cầu Lê Văn Sỹ thì gặp nước triều từ sông vào. Việc thau rửa, làm sạch đoạn kênh ở khu vực thượng lưu từ cầu Lê Văn Sỹ về cuối kênh cũng bị ảnh hưởng theo. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phú dưỡng hóa”.

Vậy cách nào để khắc phục tình trạng tù đọng nước ở thượng nguồn? Ông Giao nói: “Vấn đề này đã tồn tại từ khi dự án đi vào hoạt động và hiện chúng tôi phải chấp nhận vận hành trong tình trạng như thế”.

Đóng cống ngăn triều, ô nhiễm sẽ tăng

Kỹ sư Nguyễn Thị Bích Lộc, người có nhiều công trình nghiên cứu về tảo ở Việt Nam, cho rằng nếu tình trạng thau rửa - làm sạch nước ở đoạn thượng nguồn kênh NL-NT không được cải thiện thì tình trạng phú dưỡng hóa sẽ còn tái diễn. Khi đó tảo sẽ phát triển dày đặc trên mặt nước tạo thành màu xanh lạ. Lúc tảo chết đi sẽ làm cho nước chuyển sang màu đen và bốc mùi hôi thối. “Để hạn chế tình trạng phú dưỡng hóa làm ô nhiễm nguồn nước, cần phải hạn chế tình trạng xả nước thải ô nhiễm vào kênh. Bên cạnh đó, cũng phải làm cho dòng nước kênh được lưu thông tốt” - kỹ sư Lộc nói.

ThS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhận định tình trạng nước kênh NL-NT có khả năng ô nhiễm gia tăng trong thời gian tới khi lượng mưa và đỉnh triều ở TP tăng lên. “Khi mưa và triều tăng cao, để chống ngập cho lưu vực NL-TN thì bắt buộc phải thường xuyên đóng cống ngăn triều ở cửa sông Sài Gòn. Lúc đó nước kênh NL-TN không được thau rửa thường xuyên và lượng nước ô nhiễm, nhất là ở thượng nguồn sẽ tích tụ ngày càng nhiều. Để khắc phục tình trạng này cần phải có giải pháp bổ sung, ví dụ như có thể tính toán đưa một lượng nước mưa vào súc rửa kênh hoặc dùng các giải pháp xử lý về môi trường…”.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thủy lợi, lĩnh vực môi trường cũng cho rằng hiện nay chất lượng nước kênh NL-NT hoàn toàn phụ thuộc vào việc thau rửa bằng dòng nước triều từ sông Sài Gòn. Song cách thau rửa này lại bị động, phụ thuộc vào chế độ triều và tình hình mưa. “Theo tôi, đây là khiếm khuyết của dự án NL-TN. Đáng lẽ khi thực hiện dự án, các đơn vị liên quan phải có những phương án ứng phó các tình huống xấu để đảm bảo chất lượng nước kênh không bị ô nhiễm. Cứ để xảy ra ô nhiễm rồi nói lý do này, lý do kia là không thuyết phục” - một chuyên gia về môi trường nhận xét.

TRUNG THANH

 Trung tâm Chống ngập cho biết sau khi xảy ra tình trạng cá chết nhiều, trung tâm đã yêu cầu đơn vị vận hành hệ thống phải xây dựng và hoàn chỉnh quy trình phòng ngừa, ứng phó và khắc phục trong những thời điểm bất lợi như xảy ra mưa lớn để hạn chế tối đa ô nhiễm trên kênh NL-TN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm