Đà Nẵng mở lối xuống biển, mở rộng công viên

Sáng 15-5, HĐND TP Đà Nẵng tổ chức chương trình “HĐND TP với cử tri” lần thứ ba. Trả lời ý kiến cử tri về tiến độ mở lối xuống biển cho dân chạy dọc theo tuyến đường Trường Sa (quận Ngũ Hành Sơn), ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho hay TP đang triển khai trước hai lối xuống biển ở đường Hồ Xuân Hương và lối xuống biển ở Trung tâm hội nghị Ariyana (cùng thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn).

Mở hai lối xuống biển

Theo ông Hùng, lối xuống biển ở Trung tâm hội nghị Ariyana (dự án Ariyana do Công ty CP Khách sạn và du lịch Thiên Thai làm chủ đầu tư) đã phê duyệt quy hoạch và sẽ phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 6, khởi công trong tháng 7. Nếu thi công đúng tiến độ thì sẽ hoàn thành trong tháng 9.

“Còn lối xuống biển ở đường Hồ Xuân Hương hiện chờ báo cáo lên lãnh đạo TP để đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người dân. Nguyên tắc là phải đảm bảo tạo lại lối xuống biển như cũ và thậm chí tốt hơn” - ông Hùng nói.

Ông Hùng cho hay sau khi lối xuống biển ở đường Hồ Xuân Hương được phê duyệt, Sở Xây dựng sẽ công bố kế hoạch, phương thức triển khai và nguồn vốn. Ngoài ra, ba lối xuống biển còn lại (trong tổng số năm lối xuống biển chạy dọc theo tuyến đường Trường Sa), Sở Xây dựng cũng đã có phương án ban đầu.

Phát biểu tại buổi gặp cử tri, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho hay trước đó UBND TP đã mời các ban của HĐND TP và các cơ quan chuyên môn rà soát lần cuối. “Sau rà soát thì chốt lại phương án đề xuất điều chỉnh quy hoạch gồm các lối xuống biển” - ông Thơ nói.

Khu vực cuối đường Hồ Xuân Hương tới đây sẽ làm lối xuống biển cho người dân Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Mở rộng Công viên APEC

Trả lời câu hỏi về việc mở rộng Công viên APEC tại vệt đất vàng ven bờ Tây sông Hàn (từ cầu Rồng đến cầu Trần Thị Lý, quận Hải Châu), ông Vũ Quang Hùng nhận định đây là nhu cầu chính đáng của bà con cử tri.

Theo ông Hùng, Công viên APEC nằm ở giao lộ đường 2 Tháng 9 - Bạch Đằng, bên hông cầu Rồng và trước Bảo tàng Điêu khắc Chăm, hiện tại rộng 3.000 m2. Ở khu dân cư nằm đoạn cuối vệt đất vàng này (tiếp giáp chân cầu Trần Thị Lý do Công ty 319 làm chủ đầu tư), Sở Xây dựng đã làm việc với chủ đầu tư và thống nhất hoán đổi đất tương đương ở góc Võ Nguyên Giáp - Võ Văn Kiệt (ven biển Mỹ Khê, quận Sơn Trà), diện tích khoảng 5.600 m2. Sau khi hoán đổi, TP sẽ có thêm 6.000 m2 liền kề để mở rộng công viên và nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý.

 “TP đã cơ bản thống nhất và giao các đơn vị liên quan xem xét giá trị hoán đổi sao cho phù hợp với pháp luật” - ông Hùng nói.

Nhiều sai phạm tại hai dự án Hòa Liên

Cũng tại chương trình “HĐND TP với cử tri” lần thứ ba, ông Trần Huy Đức, Chánh Thanh tra TP Đà Nẵng, cho hay ngày 18-5 tới Thanh tra TP Đà Nẵng sẽ công bố kết luận thanh tra hai dự án kênh thoát lũ Hòa Liên và khu tái định cư Hòa Liên, huyện Hòa Vang. Hai dự án này chậm tiến độ, gây ngập lụt cục bộ và sụt lún, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. “Qua thanh tra toàn diện hai dự án, Thanh tra TP nhận định bước đầu gần như tất cả khâu từ khảo sát, thi công, thiết kế, giám sát đều xảy ra vi phạm. Có những cái sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các cá nhân có liên quan, có những cái vi phạm mang tính cố ý” - ông Đức nói.

Dự án kênh thoát lũ Hòa Liên được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) do Công ty CP Trung Nam làm chủ đầu tư, Công ty TNHH MTV BT KTL điều hành dự án. Tổng mức đầu tư hơn 114 tỉ đồng.

Chủ tịch UBND TP Đà nẵng cho hay TP đã nghiên cứu một số khu đất mà trước đây TP giao cho doanh nghiệp hiện có vấn đề về pháp lý. “Có hai dự án ở ven biển mà chúng tôi phát hiện và đã trao đổi với Thanh tra Chính phủ, có thể không chờ kết quả thanh tra mà tiến hành thu hồi sớm. Bởi vì việc giao đất như vậy là không đúng đối tượng. Giao cho những cái tên không có thật, chủ đó không có thật. Tức là đã có những quyết định giao đất ma” - ông Thơ nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm