Dù bị ngáng đường, ngư dân vẫn tiến ra biển

Dù vậy, họ đã nắm tay nhau nhắc  rằng càng khó khăn càng phải quyết tâm bám biển.

Theo nhiều ngư dân Lý Sơn, giàn khoan HD-981 nằm chắn trên con đường nối giữa ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Hầu hết tàu cá của ngư dân các tỉnh như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… muốn ra đánh bắt, khai thác hải sản ở vùng biển nằm giữa hai quần đảo đều phải di chuyển qua khu vực này.

Ngáng đường ngư dân

Ngày 6-5, ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải (Lý Sơn, Quảng Ngãi), cho biết cách đây mười mấy ngày, ngư dân Lý Sơn phát hiện một giàn khoan lớn được kéo xuống vùng biển Hoàng Sa. “Giàn khoan này nằm cách đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa) khoảng 17 hải lý. Đi kèm với nó có nhiều tàu lớn bảo vệ, gắn cờ Trung Quốc. Chúng tôi phát hiện sớm nên báo lại cơ quan chức năng để có phương án đối phó” - ông Chinh nói.

Thuyền trưởng tàu ĐNa-90351TS Lê Văn Chiến (Đà Nẵng) cũng cho hay đây là tuyến đường độc đạo của nhiều ngư dân Đà Nẵng khi ra đánh bắt tại vùng biển Nam Hoàng Sa. “Giàn khoan này chỉ cách Đà Nẵng khoảng 120 hải lý nên tàu cá từ bờ đi ra là đụng phải. Nếu chạy vòng về Trường Sa rồi ngoặt ngược trở lên thì quá xa, chi phí phát sinh nhiều lắm! Nhiều tàu cá chạy ngang qua đây, cách khu vực có giàn khoan đến 10 hải lý vẫn bị tàu Trung Quốc rọi đèn xua đuổi” - ông Chiến nói.

 “Hiện các tàu cá của chúng tôi phải chạy đường vòng, cách giàn khoan của Trung Quốc 3-4 hải lý. Khi tàu ngư dân tiến sát thì họ điều tàu lớn có vũ trang ra ngăn cản, đẩy đuổi ra khỏi vùng biển này, không cho tiếp cận” - ông Nguyễn Quốc Chinh cho biết thêm.

 
Tàu cá của ngư dân vẫn từng ngày bám biển. Ảnh: TT

Biển của mình, không có gì phải sợ

Những ngày này, ngư dân miền biển đang bước vào mùa đánh bắt sôi động nhất trong năm. Tại cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), tàu cá của ngư dân các địa phương lân cận như Bình Định, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế… ra vào tấp nập. “Trung Quốc hết đặt lệnh cấm đánh bắt cá rồi kéo giàn khoan xuống xâm phạm vùng biển Hoàng Sa… nhưng các tàu cá, tàu mực vẫn hoạt động bình thường. Biển của mình, mình ra đánh bắt khai thác, không có gì phải sợ. Dù khó mấy chúng tôi cũng ra biển” - ông Phạm Hành (ngư dân Đà Nẵng) nói.

Vừa cập cảng vào đêm 4-5, tàu hậu cần nghề cá mang số hiệu ĐNa-90444TS của thuyền trưởng Lê Văn Sang lại tất bật sửa soạn, chuẩn bị cho chuyến ra biển mới. Ngoài việc cung cấp thực phẩm, đá lạnh cho các tàu cá kéo dài thời gian đánh bắt, tàu hậu cần của anh Sang còn đảm nhiệm thu mua, vận chuyển hải sản vào bờ. “Đang vào mùa vụ nên các tàu đều hoạt động hết công suất để vươn khơi. Biết là khó khăn nhưng mình phải đi” - anh Sang chia sẻ.

Cũng như anh Sang, thuyền trưởng tàu ĐNa-90351TS Lê Văn Chiến (Đà Nẵng) cũng sửa lại máy móc, trang bị thêm ngư cụ để khởi hành.

Tại huyện đảo Lý Sơn, ông Chinh cho hay Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải có 72 tàu công suất lớn (đánh biển xa) đều đã ra khơi. “Hiện nghiệp đoàn có 20 tổ, đội đang đánh bắt xa bờ, trong đó 12 tổ ở Hoàng Sa và tám tổ ở Trường Sa. Những tổ, đội này thường xuyên có mặt trên các ngư trường truyền thống, khi tàu nào về cảng thì có tàu khác ra thay thế. Chúng tôi luôn duy trì các đội tàu đánh bắt hiện diện ở những vùng biển chủ quyền” - ông Chinh nói. Tương tự, Nghiệp đoàn nghề cá xã An Vĩnh (Lý Sơn) có hơn 20 tàu đánh bắt xa bờ cũng đã vươn khơi.

Càng khó khăn càng quyết tâm

 “Mấy ngày này, tàu Trung Quốc làm căng để bảo vệ giàn khoan. Nhưng ngư dân mình quen rồi, không còn sợ hãi nữa. Khi tàu chúng đến gần thì mình rút đi, chúng đi thì mình quay lại thả lưới, làm tiếp” - thuyền trưởng Bùi Xuân Phải (Lý Sơn, Quảng Ngãi) tâm sự. Theo anh, nghề biển đã ngấm vào máu nên dù có bị tàu Trung Quốc đe dọa, quấy rối, thậm chí nổ súng thì ngư dân vẫn ra khơi. “Cuộc sống mưu sinh của cha ông bao đời nay gắn liền với biển nên làm sao bỏ được. Sống cũng với biển mà chết cũng giữa biển thôi” - anh Phải giãi bày.

Tàu vừa cập âu thuyền Thọ Quang, ông Huỳnh Thiền (ngư dân Quảng Nam) vội lên bờ bổ sung thực phẩm, đá lạnh… Ngoài 50 tuổi nhưng ông đã có gần 30 năm ngang dọc trên khắp các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Mấy lần ông định bỏ nghề, lên bờ nhưng rồi cũng không bỏ nghề được. Với ông, nghề đi biển đâu chỉ phải đối mặt với giông bão mà còn thường xuyên chạm trán với tàu Trung Quốc. “Họ rượt đuổi, đánh đập, phá ngư cụ để trói chân ta ở các vùng biển ven bờ, không dám ra xa. Nhưng chúng càng hung hãn thì ngư dân ta càng quyết tâm phải đi. Giờ các vùng biển xa, ở đâu cũng có tàu của ngư dân mình. Chỉ cần liên lạc qua bộ đàm là các tàu tập hợp, cùng bảo vệ nhau” - ông Thiền cho hay.

TẤN TÀI

 

Giữ nguyên vẹn lá cờ Tổ quốc

Những ngày cuối tháng 3-2013, hàng trăm ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) bàng hoàng khi hay tin tàu QNg-96382 của thuyền trưởng Bùi Xuân Phải bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, bắn cháy cabin, hư hỏng nặng. Giữa những vết đạn loang lổ, đâm thủng thân tàu, anh Phải cùng chín bạn thuyền khác vẫn giữ cho lá cờ Tổ quốc được nguyên vẹn.

Hình ảnh ngư dân trẻ quấn quanh mình lá cờ Tổ quốc giữa biển khơi đã trở thành biểu tượng cho tinh thần, quyết tâm “vươn khơi - bám biển” của ngư dân miền Trung. Anh Phải chia sẻ sau chuyến đi ấy, tàu bị hư hỏng nặng, không có kinh phí để sửa chữa, đóng mới anh trở thành người trắng tay. Ngày ngày nhìn bạn thuyền hối hả ra khơi, lòng anh như lửa đốt. Sau đó, anh đã thuê lại tàu của nghiệp đoàn nghề cá để tiếp tục nghiệp biển của mình. Giờ đây, nguyện vọng lớn nhất của chàng thuyền trưởng trẻ là gom đủ vốn để đóng một con tàu lớn đủ sức tung hoành trên những vùng biển xa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm