Những người làm nên huyền thoại - Bài 3: Phá tàu mà xót lòng!

Câu chuyện về lần hủy tàu của người anh hùng Đoàn tàu Không Số Hồ Đức Thắng (xã Hiệp Thạnh, Duyên Hải, Trà Vinh) được ông kể lại cách đây bảy năm. Đó là chuyến chở vũ khí vào tháng 8-1966. Sau trận đó, ông Thắng được phong anh hùng.

Đảng trên hết!

Ông kể, sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, bến đỗ cho chuyến tàu năm đó là Láng Nước, huyện Duyên Hải, Trà Vinh. Vào khoảng 3 giờ sáng đêm ấy, tàu vào hải phận Côn Đảo thì chuyển hướng nhắm vào đất liền. Đi một lúc thì radar phát hiện có nhiều tàu địch đang tiến về tàu của ta từ nhiều phía. Một lúc sau radar phát hiện thêm hai chiếc nữa từ xa hướng tới. Chúng cho máy bay quần đảo. Chúng hỏi bằng tiếng Anh: “Tàu nước nào, đi đâu?”. Rồi chúng hình thành thế bao vây, áp sát. Hỏa lực hai bên dàn sẵn nhưng không bên nào khai hỏa. Địch không khai hỏa vì muốn bắt sống và còn vì các tàu áp sát gây sát thương cho nhau. Tàu của ta cố tìm một lối thoát an toàn. Bộ chỉ huy ra lệnh: Phải nhẫn nhịn, cùng lắm mới khai hỏa và đã đánh thì phải thắng.

“Chúng tôi có bốn người, tôi là chính trị viên, một thuyền trưởng Phan Văn Xã, một thuyền phó và một chính trị viên phó, họp khẩn cấp bàn phương án đối phó. Tàu quyết định mở hết tốc lực bất ngờ phóng vào bờ bắt chúng phải theo. Chạy được một lúc, bất ngờ dừng lại phóng tên lửa cầm tay. Càng lúc chúng càng vây sát hơn. Anh em trên tàu thực hiện kế hoạch định sẵn: Hai phát tên lửa đầu tiên diệt gọn hai tàu. Gần tới bờ thì tàu mình bị thương nặng, động cơ bị hỏng chìm dần. Bộ chỉ huy ra lệnh đưa anh em lên bờ, cho nổ tàu. Đồng chí Xã bắn đại liên 12 ly 7 yểm trợ cho anh em nhảy xuống biển.

Những người làm nên huyền thoại - Bài 3: Phá tàu mà xót lòng! ảnh 1

Nhận vũ khí từ tàu Không Số ở Cà Mau. Ảnh: TƯ LIỆU

Tôi nối dây cháy bộc phá cho ba hầm. Xong, thuyền trưởng Xã ra lệnh: “Nhân danh thuyền trưởng, tôi lệnh cho anh rời tàu!”, tôi đáp lại: “Nhân danh chính trị viên, tôi yêu cầu đồng chí rời tàu!”. Thế rồi hai anh em gầm vang không ai nhường ai. Cuối cùng tôi phải nói: “Kíp phát nổ nằm trong tay tôi, một lần nữa, lấy tư cách chính trị viên, tôi ra lệnh đồng chí rời tàu! Chần chờ hỏng việc, đồng chí chịu trách nhiệm trước Đảng!”” - lời kể của ông ngày ấy nghe đanh thét.

“Sơn Mỹ” của Nam bộ

Trận hủy tàu của anh hùng Hồ Đức Thắng là chẳng đặng đừng, song cũng có chuyến tàu không bị địch vây ráp mà vẫn phải hủy nó ngay vùng cửa biển quê hương mình (Thạnh Phú, Bến Tre) trong sự nuối tiếc, xót lòng.

“Lần đó tôi và Trung úy Tư Sơn hai lần mang thuốc nổ ra hủy tàu mà rơm rớm nước mắt. Tức cái là địch không hề phát hiện mà mình phải hủy!” - ông Sáu Ngôi (Dương Văn Ngôi) ở cồn Lớn, xã Thạnh Hải bồi hồi nhớ lại. Ngày đó ông và Tư Sơn phụ trách bến A101. Với Sáu Ngôi và người dân Thạnh Phú, Bến Tre, đó là trận hủy tàu khó quên.

Mùa gió chướng năm 1964, đêm 7-11, bến Thạnh Phong tiếp nhận ba con tàu chở vũ khí từ miền Bắc về. Hai chiếc đầu vào bến an toàn. Do gió chướng thổi mạnh, lại phải tránh đáy hàng khơi sông Cầu nên chiếc tàu thứ ba bị vướng cồn mắc cạn. Sóng đánh chỉ một đêm mà cát vùi sâu thân tàu. Cấp trên ra lệnh hủy tàu thứ ba nhưng đảng ủy xã và bến A101 không đồng ý. Cho tàu kia ra kéo cũng vô vọng trước cát và sóng biển. Ngày treo cờ ba sọc ngụy trang, đêm huy động cán bộ, đảng viên rồi nhân dân cả ngàn người tải đạn dược vào bờ. Vì công tác bí mật nên lúc đầu chỉ huy động đảng viên. Sau thiếu lực lượng nên huy động tiếp đoàn viên rồi dần dần tới nông dân. Làm ròng rã ba ngày đêm mới xong.

Những người làm nên huyền thoại - Bài 3: Phá tàu mà xót lòng! ảnh 2

Dự án “Công viên nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển” tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) đã được đặt viên đá đầu tiên. Ảnh: NGUYỄN LONG

“Tôi đang ở nhà bỗng dưng mấy anh bộ đội nói tiếng Bắc vác súng kìn kìn tới. Trời đất, lâu nay đi vác loa, giờ thấy súng mừng hết nói. Mấy anh dặn các mẹ nấu cơm cho bộ đội ăn. Còn phụ nữ thì lấy ghe xuồng đi chở vũ khí. Ngày ngủ, đêm đi liên tục ba đêm nhưng chẳng ai biết mệt, mong cho trời tối để chở tiếp. Trước khi về ngủ lúc hừng đông thì phải chặt cây ngụy trang, xóa dấu vết” - bà Tư Nổi, 84 tuổi, cán bộ phụ nữ xã thời ấy, hồ hởi nhớ lại thời thanh niên. Chuyển xong vũ khí, cấp trên ra lệnh hủy tàu. Sau hai lần hủy mới xóa hết phần tàu nằm trên khơi. Cán bộ, nhân dân Thạnh Phong vô cùng buồn tiếc sau mỗi tiếng nổ vang lên ở vùng biển ấy.

Phải đâu mọi chuyện đều suôn sẻ. Ông Sáu Ngôi kể: “Khoảng một tháng sau, bến A101, có người đào ngũ, vô bót dẫn địch xuống đánh. Chúng bắt dân từ Thạnh Phú xuống chặt cây đước để trực thăng đáp xuống lấy vũ khí. Nhưng súng ống đã chuyển đi muốn hết rồi”. Từ vũ khí này, có bốn trái thủy lôi được chuyển lên rừng Sác, sông Lòng Tàu đánh tàu Mỹ. Địch đánh hơi được nơi tiếp nhận vũ khí vào Nam tại Thạnh Phú, chúng tổ chức nhiều trận càn và giết hàng loạt người dân không thương tiếc.

Nơi con tàu bị hủy ngày ấy giờ đã nằm sâu 5-6 m dưới cát. Cồn đó giờ dân gọi cồn Cao, đã xum xuê cây trái đất vườn. Một lần trở lại vùng quê biển đầy chiến công ấy, trong tôi như vẫn còn hình ảnh những con tàu vượt đại dương đưa hàng ngàn tấn vũ khí tiến vào cửa biển Khâu Băng cách đây 50 năm. Khâu Băng - nơi toán biệt kích Mỹ do Bob Kery dẫn đầu đã thảm sát 21 mạng người - được xem là “Sơn Mỹ” của Nam Bộ. Chiều tháng 10, rừng ngập mặn quốc gia Khâu Băng hơi gió biển rạt rào. Đâu ai ngờ rằng vùng đất ven biển cuối trời này một thời bi tráng.

Huyền sử người anh hùng

Thật ra Hồ Đức Thắng có cái tên cha mẹ đặt cho là Hồ Bá Thọ. Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940, ông đã tham gia cướp chính quyền. Tháng 12-1946, Thọ tình nguyện gia nhập Đội vận tải 14 của Bộ Tư lệnh Nam Bộ, thay thế người bạn tên Nguyễn Văn Inh vì Inh vừa mới cưới vợ. Và rồi cái tên Nguyễn Văn Inh theo ông từ đó.

Khi thực dân Pháp quay trở lại miền Nam, năm 1947, đơn vị vận tải 14 rút về xây dựng căn cứ ở vùng rừng ven biển xã Hiệp Thạnh và Trung đội trưởng Nguyễn Văn Inh gặp duyên lành ở đây. Vợ ông là Nguyễn Thị Ba, nữ du kích trẻ, đẹp nhỏ hơn ông năm tuổi.

Những người làm nên huyền thoại - Bài 3: Phá tàu mà xót lòng! ảnh 3

Anh hùng Hồ Đức Thắng. Ảnh: TƯ LIỆU

Lập gia đình chưa bao lâu, Nguyễn Văn Inh được lệnh cùng 12 thủy thủ chở tài liệu, thuốc men, văn phòng phẩm từ Hiệp Thạnh ra miền Trung bằng đường biển. Lúc ấy là cuối năm 1948, tàu đến Nha Trang thì bị địch phát hiện, vây bắt. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Inh quyết định hủy tài liệu. Bị địch bắt về Nha Trang, 12 thủy thủ khai là người làm công “đi chở gạo mướn cho chủ Nguyễn Văn Inh”. Tất cả đều được thả. Riêng Nguyễn Văn Inh bị đưa về giam tại bót Catina ở Sài Gòn. Sau đó, chúng chuyển ông về nhà giam Cát Lái. Ở đây, nhân một lần đi lao công bên ngoài, Nguyễn Văn Inh và một người bạn tù đã lập mưu chém chết tên cai ngục, trốn về lại căn cứ.

Tháng 3-1950, Nguyễn Văn Inh giữ chức vụ đại đội phó Đại đội 198, đơn vị vận tải 14 Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Trong thời điểm địch khủng bố gắt gao, đơn vị phải hoạt động phân tán. Nguyễn Văn Inh được điều về làm xã đội trưởng xã Hiệp Thạnh và sau đó Inh bị địch bắt giam giữ tại nhà tù Phú Lợi cho đến tháng 12-1958. Ra tù, Nguyễn Văn Inh vẫn đi làm mướn nghề mộc nuôi gia đình, vừa âm thầm gầy dựng cơ sở.

Ngày 14-9-1960, Nguyễn Văn Inh chỉ huy đồng khởi giải phóng xã Hiệp Thạnh. Rồi sau đó ông biến mất theo những chuyến tàu Không Số mà chẳng ai hay biết. Theo những chuyến tàu ngược xuôi ấy, ông đã 16 lần chuyển vũ khí ra Bắc vào Nam (từ năm 1961 đến 1966) chở 100 tấn vũ khí với tư cách là chính trị viên tàu 55, Đoàn 125 hải quân.

Mãi đến sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông xuất hiện với cái tên Hồ Đức Thắng, người anh hùng huyền thoại của đường Hồ Chí Minh trên biển.

NGUYÊN VẸN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm