Doanh nghiệp ‘tố’ mất 20.000 USD xin giấy xuất khẩu gạo

Nghị định 109/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo sau sáu năm triển khai trên thực tế đã bộc lộ nhiều bất cập, cần sửa đổi. Đặc biệt là các điều kiện về công suất kho, địa điểm đặt kho, giấy phép… trong nghị định này không còn phù hợp với tình hình kinh doanh xuất khẩu gạo hiện nay.

Đây là ý kiến của nhiều doanh nghiệp (DN), chuyên gia và nhà quản lý tại hội thảo góp ý sửa đổi Nghị định 109 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức ở TP.HCM.

Bài toán giấy phép

Ông Ngô Văn Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ADC, cho biết công ty có vùng nguyên liệu lúa gạo lên tới 35.000 ha tại ĐBSCL. Bên cạnh đó công ty còn có nhà máy lau bóng, kho chứa lớn, nhà máy xay xát… với công suất 30.000 tấn dư sức đáp ứng những quy định về các điều kiện xuất khẩu gạo của Nghị định 109.

Điều trớ trêu là dù có quy mô lớn như vậy nhưng ADC không trực tiếp xuất khẩu gạo mà phải thông qua một công ty đã có giấy phép bởi khi giấy phép hết hạn, xin gia hạn… tốn rất nhiều tiền và phải trải qua “đoạn trường” xin giấy phép rất nhiêu khê.

“Mỗi lần xin giấy phép xuất khẩu gạo mất 20.000 USD (tương đương khoảng 460 triệu đồng). Đó là chưa kể để đủ điều kiện xuất khẩu gạo, mỗi lần xuất khẩu công ty phải báo cáo số liệu cho cơ quan chức năng đã xuất khẩu được bao nhiêu, tồn kho bao nhiêu… Những việc này rất tốn thời gian, khiến công ty phải tuyển thêm người chỉ để làm báo cáo” - ông Nam nói.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR, nhận định sau sáu năm thực hiện, Nghị định 109 quy định những điều kiện xuất khẩu gạo đã bộc lộ một số điểm không hợp lý. Ví dụ, nghị định này đưa ra những quy định về điều kiện để trở thành một công ty xuất khẩu gạo phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và có ít nhất một cơ sở xay xát gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ.

“Điều này đồng nghĩa với việc các DN liên kết chặt chẽ với nông dân sản xuất ra các sản phẩm có thương hiệu nhưng không đáp ứng các tiêu chuẩn trên sẽ không được xuất khẩu gạo” - ông Thành phân tích.

Đơn cử như Công ty Viễn Phú Việt Nam với thương hiệu gạo đặc sản Hoa Sữa, không thể chủ động tiếp cận thị trường mà phải ủy thác qua các công ty lớn đủ điều kiện xuất khẩu gạo. Với bao công sức xây dựng thương hiệu, công ty này liên tục phải ngồi trên đống lửa, không phải do bài toán đầu ra, cũng không phải bài toán giá mà đó là bài toán “giấy phép”.

Ông Võ Hùng Dũng,  Giám đốc VCCI Cần Thơ: “Ngành gạo cần học ngành cá tra, không cần xin giấy phép xuất khẩu”. Ảnh: QH

Sân chơi của các “ông lớn”

Không chỉ vấn đề về giấy phép, chính sách xuất khẩu gạo của Việt Nam còn tạo ra nhiều bó buộc khác về đầu ra cho DN tư nhân. Chẳng hạn, nhiều DN tư nhân chỉ được phép xuất vào các thị trường nhỏ hoặc mới. Do những bó buộc này, TS Thành cho rằng xuất khẩu gạo dường như đang trở thành sân chơi của các “ông lớn” có ưu thế trên thị trường, đủ khả năng áp đặt các điều kiện bất lợi cho các chủ thể khác, đặc biệt là nông dân.

Để khắc phục tình trạng trên, tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, ông Thành đề nghị: “Bãi bỏ các điều kiện về việc DN xuất khẩu gạo phải có kho, cơ sở xay xát thóc, gạo. Các đơn hàng được ký kết theo hình thức tập trung, cần có cơ chế đấu thầu để các DN tư nhân có năng lực được tham gia vào xuất khẩu thay vì chỉ tập trung cho các DN nhà nước như hiện nay”.

PGS-TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, nhận định việc Nhà nước quản lý chặt ngành gạo nhằm mục tiêu an ninh lương thực. Tuy vậy, an ninh lương thực không có nghĩa là tự túc lương thực mà có thể dùng quỹ an ninh quốc gia.

Ông Khải nhấn mạnh: “Với Việt Nam, chỉ khoảng ba tháng là có gạo mới, trải vụ khắp từ Bắc tới Nam nên không lo thiếu lương thực. Thế nên cần sớm bỏ các điều kiện để xóa bỏ tình trạng muốn xin giấy phép xuất khẩu gạo phải tốn 20.000 USD như DN phản ánh”.

Tuy vậy, riêng về điều kiện vùng nguyên liệu, ông Lê Thanh Tùng, đại diện Cục Trồng trọt, cho rằng trong tình hình xuất khẩu gạo hiện nay, nếu không quy định DN xuất khẩu phải có vùng nguyên liệu thì sẽ dễ xảy ra tình trạng DN “ăn xổi ở thì”.

Ví dụ, các công ty “làm ăn hớt váng” nhảy vào những vùng nguyên liệu đã được xây dựng sẵn, tạo ra cạnh tranh không công bằng. Chỉ cần DN vào sau, không đầu tư gì cho nông dân nhưng mua cao giá hơn 100-200 đồng là nhiều nơi sẽ “phá kèo” hợp đồng với những công ty đã kỳ công xây dựng vùng nguyên liệu trước đó.

Đại diện ban soạn thảo sửa đổi Nghị định 109 cam kết sẽ lắng nghe các ý kiến của DN, chuyên gia, cơ quan quản lý để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo.

Không có bằng chứng doanh nghiệp nhỏ phá thị trường

Một số ý kiến lo ngại nếu “cởi trói”, bãi bỏ các điều kiện về xuất khẩu gạo như kho chứa, nhà máy, vùng nguyên liệu… sẽ dẫn đến tình trạng nhiều DN xuất khẩu tranh mua, tranh bán, phá giá.

Đó là cách nghĩ của những DN lớn vì chưa có khảo sát nào chứng minh DN nhỏ phá thị trường. Ngược lại, công ty lớn tác động thị trường mạnh, nếu họ phá giá thì chắc chắn giá toàn thị trường chao đảo, rớt giá theo.

Ngành gạo cần học ngành cá tra, không cần xin giấy phép xuất khẩu, ký hợp đồng không cần xin phép hiệp hội. Xây dựng các chế tài xử phạt những DN vi phạm về chất lượng, cạnh tranh khi xuất khẩu.

Ông VÕ HÙNG DŨNG, Giám đốc VCCI Cần Thơ

______________________________

Chiều 23-2, Bộ Công Thương cho biết bộ trưởng đã chỉ đạo Thanh tra Bộ thành lập đoàn xác minh; giao Thứ trưởng Trần Quốc Khánh trực tiếp chỉ đạo, làm việc cụ thể với các đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan để xác minh, làm rõ thông tin phản ánh của DN về việc mất 20.000 USD để có giấy phép xuất khẩu gạo.

TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm