Trong đó có chín bị cáo kháng cáo kêu oan, chỉ một bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt...
Thông tin từ phía TAND TP.HCM, ngày 3-4 hết thời hạn nhận đơn kháng cáo vụ cố ý làm trái xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt (NaviBank).
Bị cáo Lê Quang Trí (nguyên tổng giám đốc NaviBank, nay là Ngân hàng Quốc Dân) và chín bị cáo trong vụ án đều có đơn kháng cáo. Trong đó có chín bị cáo kháng cáo kêu oan, chỉ một bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt là Nguyễn Ngọc Oanh (nguyên trưởng phòng quản lý rủi ro NaviBank).
Các bị cáo tại phiên xử sơ thẩm
Đồng thời, nguyên đơn dân sự là Ngân hàng Quốc Dân cũng có đơn kháng cáo. Cụ thể, phía ngân hàng cho rằng quá trình xét xử tòa đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Ngân hàng không đồng ý với tất cả vấn đề tòa tuyên liên quan đến ngân hàng. Việc tòa tuyên trách nhiệm bồi thường hậu quả dân sự 200 tỉ đồng đã được giải quyết tại bản án phúc thẩm của TAND Tối cao trong giai đoạn một xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như. Bản án đã có hiệu lực nên không thuộc phạm vi giải quyết của vụ án này là không có cơ sở. Toàn bộ 200 tỉ đồng tiền gửi của bốn nhân viên NaviBank đã được ghi có vào tài khoản của họ mở tại Vietinbank và đã được VietinBank hạch toán trên hệ thống sổ sách.
Hành vi phạm tội và hành vi lợi dụng, chiếm đoạt của bị án Huyền Như xảy ra sau khi toàn bộ số tiền 200 tỉ đồng tiền gửi đã vào tài khoản. Vì vậy, những hành vi, kể cả những thiếu sót, sai phạm của các cán bộ, nhân viên NaviBank (nếu có) cũng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại, mất mát liên quan số tiền 200 tỉ đồng tiền gửi gốc tại VietinNank.
Ngoài ra, việc tòa tuyên buộc ngân hàng này phải nộp lại số tiền lãi ngoài hợp đồng 24,3 tỉ đồng sung công quỹ nhà nước là vi phạm quy định về giới hạn việc xét xử. Đối với số tiền gần 300 triệu còn trong tài khoản của các nhân viên của NaviBank gửi tại VietinBank, tòa kiến nghị giao cơ quan thi hành án xem xét kê biên để đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án là không có cơ sở bởi vì số tiền này có nguồn gốc xuất phát từ NaviBank nên phải hoàn trả lại cho NaviBank.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, NaviBank bị mất tiền là do các lãnh đạo, cán bộ NaviBank gửi tiền vào VietinBank vi phạm các quy định pháp luật, tạo điều kiện để Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt. Cụ thể, từ tháng 4-2011, Trí với tư cách tổng giám đốc đã họp thống nhất chủ trương để các nhân viên NaviBank đứng tên, gửi hơn 1.500 tỉ đồng vào VietinBank Chi nhánh Nhà Bè và TP.HCM. Hội đồng tín dụng của NaviBank đã ký biên bản đồng ý cấp tín dụng cho 14 nhân viên số tiền hơn 1.500 tỉ đồng để các nhân viên này gửi vào VietinBank Nhà Bè lấy lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng 2,5%-8,5%/năm, gần 76 tỉ đồng.
Sau đó VietinBank Nhà Bè quyết toán cho NaviBank hơn 1.000 tỉ đồng, còn 500 tỉ đồng chưa đến hạn quyết toán được gửi vào VietinBank TP.HCM bằng 18 hợp đồng. Ngày 7-9-2011, Huyền Như đã tất toán 12 hợp đồng với tổng số tiền 300 tỉ đồng. Số tiền 200 tỉ đồng còn lại, qua điều tra cho thấy Huyền Như đã chiếm đoạt. Và tổng số tiền lãi chênh lệch ngoài hợp đồng được Huyền Như trả là hơn 24,5 tỉ đồng.