Vị quan chức tình báo trên cho hay kháng thể bệnh than “đã được phát hiện trong máu của một binh sĩ Triều Tiên đào tẩu trong năm nay”. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ người lính này bị phơi nhiễm với bệnh than hay đã được tiêm chủng ngừa bệnh. Ông cũng không tiết lộ danh tính người lính này. Trong năm nay, Hàn Quốc đã công bố bốn trường hợp binh sĩ Triều Tiên đào tẩu sang nước mình vào các ngày 12-6, 18-6, 13-11 và 20-12.
Theo hãng tin UPI, dư luận Hàn Quốc khá lo ngại trước thông tin vừa được hé lộ vì xác suất người tử vong khi tiếp xúc với vi khuẩn bệnh than lên đến 80%. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun-soo cho hay Seoul vẫn chưa tự sản xuất vaccine ngừa bệnh than, chỉ mới dự kiến chế tạo vào cuối năm 2019.
Binh sĩ Triều Tiên ở khu vực làng đình chiến Bàn Môn Điếm, nơi một người lính Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc bị bắn trọng thương hôm 13-11. Ảnh: WSJ
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong Chiến lược An ninh Quốc gia công bố hôm 19-12 cũng cáo buộc Triều Tiên đang chi hàng trăm triệu USD cho chương trình vũ khí hóa học và sinh học có khả năng đe dọa Mỹ. Trong khi đó, tờAsahi Shimbun của Nhật Bản tuần trước có đặt nghi vấn Triều Tiên đang tiến hành thử nghiệm đưa vi khuẩn bệnh than vào tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Theo đó, Triều Tiên đang nghiên cứu khả năng sống sót của vi khuẩn bệnh than ở điều kiện áp suất và nhiệt độ cao khoảng 7.000 độ C. Đây cũng là lượng nhiệt được sản sinh khi ICBM tái xâm nhập bầu khí quyển Trái đất.
Phản ứng trước những thông tin thời gian qua, Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định nước này luôn tuân thủ Công ước Vũ khí sinh học năm 1972, duy trì lập trường kiên định phản đối phát triển, sản xuất, dự trữ và sở hữu vũ khí sinh học.