Úc lên án Bắc Kinh thay đổi nguyên trạng

Úc lấy làm tiếc về mọi hành động đơn phương có thể thay đổi nguyên trạng trên biển Đông. Thủ tướng Úc Tony Abbott đã cảnh báo Trung Quốc như trên trong chuyến thăm Singapore ngày 29-6.

Báo Sydney Morning Herald (Úc) ghi nhận với ngôn ngữ mạnh mẽ chưa từng có khi nói về vấn đề biển Đông, ông Tony Abbott khẳng định: “Chúng tôi nghĩ rằng phải giải quyết hòa bình và cũng như Singapore, chúng tôi khẳng định quyền tự do đi qua trên biển và trên không”.

Thủ tướng nước chủ nhà Lý Hiển Long đóng góp: “Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều có lợi khi quản lý và giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Đây là cơ sở để Singapore và Úc trao đổi về vấn đề này”.

Trang web news.com.au của Úc cùng ngày đã đăng bài viết với đầu đề “Ảnh vệ tinh về xưởng quân giới Trung Quốc đã chụp được tàu ngầm nhỏ”.

Bài viết cho biết tuần báo quốc phòng HIS Janes’s và trang web Bellingcat ở Anh đã công bố ảnh vệ tinh chụp xưởng đóng tàu ở Vũ Xương (Trung Quốc) năm 2014.

Thủ tướng Úc Tony Abbott và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chụp ảnh “tự sướng” ngày 28-6 tại Singapore. Ảnh: AAP

Ảnh vệ tinh cho thấy có nhiều tàu ngầm diesel-điện đang được chế tạo, trong đó có tàu ngầm lớn 032 lớp Thanh. Đặc biệt có một tàu ngầm nhỏ cập cảng neo tại cảng dùng cho tàu ngầm mới đóng xong.

Các chuyên gia ước tính tàu ngầm bỏ túi này dài 35 m, rộng 4 m và đây là loại tàu ngầm chưa từng nghe nói đến của Trung Quốc.

Các chuyên gia nhận xét loại tàu ngầm bỏ túi này hoàn toàn thích ứng để triển khai ở vùng biển ít sâu tại biển Hoa Đông và biển Đông và rất dễ lẩn tránh dưới biển.

Hiện nay ít có quân đội hiện đại nào sử dụng tàu ngầm bỏ túi ngoài phục vụ công tác tìm kiếm và cứu nạn ngoài biển khơi.

Tàu ngầm bỏ túi có thể chở theo ngư lôi, do đó các nhà quân sự cho rằng mục đích đầu tiên của loại tàu ngầm bỏ túi Trung Quốc là hoạt động gián điệp và triển khai lực lượng đặc công.

Trong khi đó, báo South China Morning Post (Hong Kong) đưa tin ngày 28-6, tại hội thảo về quan hệ đối ngoại ở Bắc Kinh, tướng Trần Hiểu Công, nguyên phó tư lệnh quân đội, ủy viên Ủy ban Đối ngoại Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc), đã phát biểu trong năm 2014, Mỹ đã thực hiện 1.200 phi vụ trinh sát trên biển Hoa Đông và biển Đông gần Trung Quốc trong khi năm 2009 chỉ 260 phi vụ.

Ông cho rằng quá trình do thám của Mỹ hiện nay đối với Trung Quốc còn dày đặc hơn đối với Liên Xô vào thời chiến tranh lạnh.

Ông nói năm ngoái Mỹ đã thực hiện đến hơn 300 phi vụ cách lãnh hải Trung Quốc 50 km và chuyến bay gần nhất chỉ cách lãnh thổ Trung Quốc 8 km.

Đô đốc Gary Roughead, nguyên chỉ huy các chiến dịch hải quân Mỹ, nhận xét bên lề hội thảo rằng số liệu do ông Trần Hiểu Công nêu ra quá cao.

Ông nói: “Giả như tham gia quá trình này trước kia, tôi rất muốn đủ tàu và máy bay để đạt được con số đó… Vấn đề tôi muốn đặt ra là họ đếm (các chuyến bay) bằng cách nào và ở đâu. Phải chăng họ đã đếm các chuyến bay trong khu vực được xem là không phận quốc tế nhưng Trung Quốc đưa vào yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc?”.

HOÀNG DUY

Báo Inquirer (Philippines) đưa tin ngày 28-6, người phát ngôn tổng thống Philippines thông báo Philippines dừng sửa chữa đường băng trên các đảo để bảo vệ nguyên tắc duy trì nguyên trạng trong vùng biển tranh chấp. Người phát ngôn nói: “Điều này thuộc chiến lược của chúng tôi ủng hộ tiến trình luật pháp và ngoại giao nên chúng tôi đã đưa vụ án trọng tài lên tòa án Liên Hiệp Quốc”. Philippines đã chiếm giữ đảo Thị Tứ (Philippines gọi là Pagasa) từ đầu những năm 1970 và đã đưa dân ra đây sinh sống.

______________________________________

Trung Quốc nói rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc là minh bạch và không gì tranh cãi… Nếu Trung Quốc có thể chứng minh Trung Quốc là chủ các đảo, đá, rạn san hô đang bị Philippines và các nước láng giềng tranh chấp, Mỹ sẽ ủng hộ Trung Quốc 100%.

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ ANTONY BLINKEN
phát biểu hôm 26-6 tại Trung tâm An ninh
Mỹ mới ở Washington

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm