Nóng bỏng chủ quyền biển tại hội nghị thượng đỉnh G7

Sau hội nghị kéo dài hai ngày (26 và 27-5) tại Ise-Shima (tỉnh Mie của Nhật), nhà lãnh đạo các nước G7 sẽ ra tuyên bố phản đối mọi hành động đơn phương hòng làm thay đổi nguyên trạng tại biển Đông.

Kyodo ghi nhận với ngôn phong nhắm đến Trung Quốc, tuyên bố sẽ bày tỏ thái độ phản đối các hành vi dọa nạt, ép buộc hoặc sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ, đồng thời kêu gọi giải quyết tranh chấp hàng hải theo cách hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.

Trong khi Nhật và Mỹ lo ngại Trung Quốc sử dụng vũ lực trong tranh chấp ở biển Hoa Đông và biển Đông, các nước châu Âu tập trung thúc đẩy quan hệ kinh tế với Bắc Kinh. Do đó họ gặp khó khăn khi chỉ trích công khai Trung Quốc. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe mong muốn các nhà lãnh đạo G7 sẽ thống nhất bày tỏ thái độ đáp trả với hành động thay đổi nguyên trạng ở biển Đông của Trung Quốc.

Theo báo Inquirer (Philippines), phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Masato Otaka cho biết việc đưa vấn đề tranh chấp ở biển Hoa Đông và biển Đông vào chương trình nghị sự hội nghị G7 không phải là sáng kiến của nước chủ nhà. Ông nhấn mạnh: “Không phải Nhật chọn chủ đề này. Các quốc gia khác muốn nói về vấn đề này, vì thế mà chúng tôi cần bàn luận”.

Ông tiếp tục khẳng định Nhật ủng hộ quyết định của Philippines kiện “đường chín đoạn” của Trung Quốc tại Tòa Trọng tài thường trực. Ông khẳng định hội nghị G7 không đối đầu với Trung Quốc. Ông nói: “Chúng tôi không kết án ai cả. Mọi chuyện ở đây là luật pháp, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển”.

Ngoài biển Đông, các nước G7 cũng bày tỏ lo ngại về căng thẳng trên biển Hoa Đông với hành động xâm nhập lặp đi lặp lại của các tàu Trung Quốc vào lãnh hải Nhật quanh quần đảo Senkaku.

Ngoài vấn đề chủ quyền trên biển, chương trình nghị sự sẽ bàn thảo nhiều chủ đề quan trọng về kinh tế toàn cầu, bao gồm khả năng Anh sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu, thương mại, chính sách đối ngoại và biến đổi khí hậu.

Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ kêu gọi không công nhận Nga sáp nhập Crimea hồi tháng 3-2014 và khẳng định sẽ tiếp tục trừng phạt Moscow. Hội nghị cũng sẽ kêu gọi thực hiện hoàn toàn lệnh trừng phạt của LHQ đối với CHDCND Triều Tiên. Ngoài ra, hội nghị sẽ kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm