Giáo viên nước ngoài bị lừa tại Trung Quốc

Theo đà mở cửa, làn sóng dạy và học tiếng Anh ở Trung Quốc bắt đầu phát triển nhanh trong 10 năm nay, số lượng giáo viên người nước ngoài đổ về Trung Quốc ngày càng nhiều. Bên cạnh phần lớn giáo viên người nước ngoài được đối xử đúng mực, tình trạng giáo viên nước ngoài bị lừa đảo ở Trung Quốc ngày càng nhiều và đa dạng: Lừa đảo từ các trung tâm môi giới việc làm và cả nơi sử dụng lao động.

Theo Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc - TQ), hiện nay có thể thấy giáo viên nước ngoài (GVNN) xuất hiện ở khắp các cấp giáo dục: Đại học, trung học, tiểu học, thậm chí mầm non và vô số trung tâm ngoại ngữ.

Ở TQ hiện có gần 41.400 GVNN, 72% tập trung ở các đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu.

79% hối tiếc vì đến dạy ở TQ

Một trong những lý do khiến số GVNN đến TQ giảm đi là vì mức thu nhập của GVNN ở TQ thuộc hàng thấp nhất thế giới (khoảng 1.750 USD/tháng hoặc 21.000 USD/năm, các GVNN có bằng cấp, chuyên môn cao lương có thể gấp đôi), trung bình thấp hơn các nước (Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Hàn Quốc, Nhật…) đến 40%. Thời báo Hoàn cầu cũng thừa nhận thu nhập của GVNN ở TQ thấp hơn rất nhiều so với thu nhập họ có thể kiếm tại quê hương.

Yêu cầu về bằng cấp và kinh nghiệm của TQ với GVNN ngày càng cao, trong khi thực tế GVNN tại TQ thuộc dạng ít chuyên nghiệp và ít bằng cấp nhất so với GVNN ở các nước. Một khảo sát năm 2012 cho thấy tới 47% GVNN ở TQ thừa nhận họ chưa hề đứng trên bục giảng ngày nào trước khi đến TQ. Trong khi đó, ngày càng có nhiều trường trung học ở TQ dạy chương trình nâng cao AP (học một phần kiến thức đại học từ khi còn trung học), muốn vào dạy các trường này, GVNN buộc phải có bằng cấp chuyên môn.

Giáo viên nước ngoài bị lừa tại Trung Quốc ảnh 1

Giáo viên nước ngoài trong một giờ lên lớp ở TQ. Ảnh: ecnu.cn

Mỗi năm lượng sinh viên TQ sau du học chọn về dạy tại quê hương đã thay thế 2% lượng GVNN không bằng cấp.

Một lý do nữa khiến lượng người nước ngoài đến TQ dạy tiếng Anh giảm đi là vì tình trạng GVNN bị lừa đảo. Một khảo sát công bố trong báo cáo năm 2012 cho thấy có đến 52% GVNN ở TQ từng là nạn nhân của các trung tâm môi giới việc làm lừa đảo, có đến 79% GVNN cho biết cảm thấy hối tiếc vì đã đến dạy tại TQ và sẽ không dạy tiếp khi hết hợp đồng.

Thông tin từ báo Bangkok Post, Đại sứ quán Mỹ cho biết chỉ trong hai năm 2004 đến 2006, số khiếu nại của công dân Mỹ làm giáo viên ở TQ bị lừa đảo tăng tới tám lần, trung bình mỗi tuần có hai vụ khiếu nại. Tình trạng GVNN bị lừa đảo cũng xảy ra ở nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật… nhưng số lượng GVNN bị lừa đảo ở TQ cao hơn rất nhiều.

Đại sứ quán Anh tại TQ từng cảnh báo trên trang web của mình về tình trạng GVNN bị vi phạm hợp đồng, bị quỵt lương, bị thất hứa.

Từ bỏ việc đến chết bí ẩn

Thời báo Hoàn cầu dẫn lời một công dân Mỹ tên Stephen cho biết anh tới TQ vào năm 2004 để dạy tiếng Anh tại một trường học ở Bắc Kinh rồi biết mình bị lừa. Anh được hứa là sẽ được ở trong một biệt thự nhưng thực tế là phải sống chung với hai người đàn ông nữa và một con chó trong một căn hộ rất nhỏ.

Hay như sinh viên tốt nghiệp ĐH Mỹ John Shaff từng bị đe dọa khi phản ứng việc mình phải dạy thêm giờ và phải bỏ trường để được yên thân.

Tháng 3-2006, cô giáo Tanya Davis, người Anh và bạn trai phải chịu mất tháng lương cuối, trốn chạy trong đêm tối sau chín tháng dạy ở một trường trung học tại một vùng nông thôn tỉnh Hà Bắc không được trả lương dù liên tục dạy thêm giờ, điều kiện sống thì thiếu điện, không có máy sưởi dù thời tiết lạnh giá, Bangkok Post cho biết.

Công dân Mỹ Darren Russell bị buộc phải dạy 14 giờ mỗi ngày dù hợp đồng trước đó ghi anh chỉ phải dạy 20 giờ mỗi tuần tại một trường ở tỉnh Quảng Châu. Sau một thời gian phát bệnh vì làm việc quá nhiều, tháng 4-2005, Darren Russell đề nghị trường giảm giờ dạy, tranh cãi xảy ra và Darren Russell đe dọa sẽ báo cảnh sát vì trường này hoạt động không giấy phép. Darren Russell sau đó bị chuyển tới một khách sạn rẻ tiền và được thông báo chết vì tai nạn giao thông một tuần sau.

Tuy nhiên, cha mẹ anh nghi ngờ nguyên nhân thật sự khi thi thể anh chỉ bị tổn thương ở đầu còn lại không hề bầm dập hay trầy trụa gì, phía TQ lại không cung cấp được nhân chứng và thời điểm chính xác xảy ra cái chết.

Trước anh Darren Russell đã có hai giáo viên khác bỏ trường này vì bị vi phạm hợp đồng. Một cựu nhân viên giấu tên trường này cho biết bà quyết định bỏ việc sau khi trường đưa ra các điều kiện hấp dẫn không có thực để tuyển dụng GVNN.

Một cổ hai tròng

Tình trạng GVNN bị lừa như trên khá dễ hiểu khi số trung tâm môi giới việc làm nhiều gấp đôi số GVNN tại TQ và 92% hoạt động không giấy phép. Hầu hết các trung tâm không làm ăn đàng hoàng.

Một trong các chiêu mà các trung tâm môi giới việc làm lừa đảo hay dùng là nêu khống thông tin bằng cấp cùng hình ảnh người nước ngoài lên mạng mà không cần sự đồng ý của người này để thu hút sự chú ý từ các trường học. Từ thông tin bằng cấp giả mạo, nạn nhân sẽ được một trường phỏng vấn, tuyển dụng và sẽ bị sa thải khi sự thật được phơi bày chỉ một tháng sau. Tệ hơn, danh tính nạn nhân sẽ bị đưa vào danh sách đen của các trường. Còn trung tâm môi giới việc làm lừa đảo thì bình chân như vại với khoản phí môi giới trị giá từ 30% đến 60% tháng lương của nạn nhân. Chẳng những không biết cầu cứu vào ai để kiện tụng trung tâm môi giới việc làm lừa đảo, nạn nhân lại phải năn nỉ thậm chí hối lộ một nhân viên nào đó của trung tâm môi giới việc làm để nhân viên này xóa hình ảnh mình cùng thông tin bằng cấp giả mạo khỏi internet, vì chỉ có các nhân viên trung tâm này mới có mật khẩu.

Một chiêu nữa, trung tâm môi giới việc làm thu thập thông tin cá nhân của người nước ngoài từ các bản lý lịch, hộ chiếu, thị thực… và bán chúng cho giới chuyên ăn cắp thông tin cá nhân với giá 1.000 nhân dân tệ/thông tin một người. Khoảng 10% GVNN vướng chuyện bị ăn cắp thông tin cá nhân.

Hơn 40% các trường tư thục, các trung tâm Anh ngữ tư nhân, các trung tâm đào tạo tư nhân ở TQ hoạt động không giấy phép hoặc không đăng ký dù thường rêu rao mình hợp tác với các trường đại học danh tiếng này nọ của thế giới. Các trường thu hút GVNN bằng mọi cách, hứa hẹn mức lương 300 nhân dân tệ/giờ và lo phần gia hạn thị thực cho họ sau một thời gian thử việc. Thực tế là các nạn nhân bị thải đi ngay sau khi thời gian thử việc kết thúc, dành chỗ cho con mồi mới. Các nạn nhân thường không báo lên Bộ Lao động vì nếu báo thì tên tuổi của họ sẽ bị đưa vào danh sách đen và sẽ không được gia hạn thị thực. Còn các trường này một khi bị phơi trần chiêu trò thì sẽ tạm đóng cửa rồi lại hoạt động dưới một cái tên mới. Tại sao các trường làm vậy? Đơn giản, các trường dụ GVNN vào chỉ để thu thập các khung sườn bài giảng của họ trong thời gian họ thử việc để sau khi họ đi thì chuyển giao lại cho giáo viên trong nước (mức lương chỉ 100 nhân dân tệ/giờ) làm theo.

Các GVNN làm việc ở các trường tư thường phải làm cả sáu ngày trong tuần chứ không phải năm ngày, với 10 giờ làm việc mỗi ngày chứ không phải tám giờ mà không được trả thêm tiền ngoài giờ. Cuối cùng, GVNN phải bỏ việc vì chịu không nổi và họ phải xuống nước xin xỏ trường này cung cấp một thư giới thiệu tốt để họ tìm việc chỗ khác.

Liên minh Giáo viên nước ngoài tại TQ (CFTU) - một liên đoàn lao động tư nhân hoạt động dưới sự đồng ý và hỗ trợ của chính phủ TQ đang vận động Bộ Lao động TQ xây dựng mức lương tối thiểu cho GVNN và lời khuyên CFTU dành cho các GVNN là tránh xa các trung tâm môi giới, nên tìm việc từ các trang web việc làm của Trung Quốc, nơi các chủ lao động trực tiếp đăng tuyển dụng. Có thể nhận dạng bên tuyển dụng có phải là trung tâm môi giới không bằng cách yêu cầu bên tuyển dụng cung cấp địa chỉ trang web công ty hoặc địa chỉ email, nếu bên tuyển dụng không cung cấp được trang web hoặc cung cấp địa chỉ email liên quan đến tuyển dụng, dạng HR@Berlitz.com chẳng hạn thì đó là trung tâm môi giới.

Trước khi nhận lời phỏng vấn một trường nào đó nên lên mạng kiểm tra thông tin về trường đó với các từ khóa “khiếu nại”, “có vấn đề”, “lừa đảo” xem thế nào, đồng thời dò xem trường đó có nằm trong danh sách đen của CFTU hay không. Tính đến nay, danh sách này đã có 65 trung tâm môi giới lừa đảo và hơn 300 trường học.

ĐĂNG KHOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm