“Sát thủ” không người lái

Trong một dãy hành lang được lát gỗ sẫm màu của Lầu Năm Góc, những nhân vật chịu trách nhiệm cho những chiến dịch oanh kích từ các máy bay không người lái đang làm việc.

Một cuộc chiến bí ẩn từ xa

Bên cạnh những bức ảnh của các vị chỉ huy quân đội, người ta còn trông thấy một bức tranh vẽ một chiếc Predator. Nếu như chúng ta tin vào lời nói của quân đội là đúng thì từ nhiều năm trở lại đây, chưa có một cuộc can thiệp quân sự nào có hiệu quả hơn là sử dụng máy bay không người lái trong các chiến dịch chống khủng bố của Mỹ.

Quân đội Mỹ điều khiển từ xa các “cuộc không kích từ máy bay không người lái” từ bảy căn cứ quân sự trên lãnh thổ Hoa Kỳ và cả một vài căn cứ tại nước ngoài, đặc biệt là tại Djibouti, châu Phi. Từ trung tâm chỉ huy Langley, bang Virginia, CIA đã tiến hành các đợt không kích từ xa xuống lãnh thổ Pakistan, Somalia, Yemen…

William Tart từng là chỉ huy căn cứ không quân Creech tại Nevada, gần Las Vegas, nay được đề cử vào vị trí chỉ huy lực lượng can thiệp bằng máy bay không người lái thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, đã gọi đây là “những can thiệp mang tính nhân đạo”. Ông nhấn mạnh rằng các đơn vị mặt đất của Mỹ được triển khai tại Afghanistan luôn hết lời tán dương sự “hỗ trợ từ trên không”. Vị chỉ huy William Tart khẳng định: “Chúng tôi đã giúp cứu sống nhiều mạng người”.

Khi được hỏi về cách tiến hành triệt hạ mục tiêu, đại tá William chỉ cho xem một tài liệu dày 275 trang, trong đó quy định các cuộc không kích từ máy bay không người lái cũng phải tuân thủ theo cùng các điều lệnh nghiêm ngặt như các hình thức oanh kích khác của không quân Mỹ. Theo đó, phải có một sĩ quan đang đồn trú tại nước sở tại ra lệnh khai hỏa thì máy bay mới được bắn.

“Sát thủ” không người lái ảnh 1

Máy bay không người lái MQ-1 Predator cất cánh trong một đợt bay huấn luyện tại căn cứ không quân Creech, bang Nevada, Hoa Kỳ.

Thế nhưng đại tá William đã trở nên nóng nảy khi phải nghe về những lời phê phán mang tính “soi mói nghề nghiệp” nhắm vào ông, bởi điều này khiến ngài đại tá nhớ đến những cựu binh từ chiến trường Việt Nam đã có lần đánh giá thấp ông và tỏ ra xem thường một vị chỉ huy chiến tranh mà chưa từng bao giờ lội bùn, chưa một lần ngửi thấy mùi máu và nhất là chưa hề có khái niệm đúng về thế nào là một cuộc chiến tranh.

“Buồng lái” trên mặt đất

Trong vòng hơn năm năm, chàng trai Brandon Bryant đã ngồi làm việc trong một “căn phòng hộp” trong container có kích thước cỡ gần bằng một chiếc xe tải nhỏ. Không cửa sổ, nhiệt độ bên trong luôn được giữ ổn định là 17oC và cánh cửa ra vào luôn được chốt chặt “vì lý do an toàn”. Trước mắt Brandon và các đồng nghiệp là 14 chiếc màn hình và bốn bàn phím. Chỉ cần Brandon ấn tay vào một nút bấm thì từ bang New Mexico này, anh đã có thể giết chết một kẻ nào đó tại một nơi nào đó cách rất xa trên thế giới.

Bên trong chiếc container này (được gọi là “buồng lái”), âm thanh từ máy vi tính chạy ro ro suốt ngày. Các máy vi tính chính là “bộ não” của những chiếc máy bay không người lái.

Brandon vẫn nhớ rất rõ trong tâm trí những hình ảnh mà những chiếc Predator (tên của một loại máy bay không người lái) ghi hình và truyền về từ bầu trời Afghanistan, cách đó hơn 10.000 km. Đó có thể là một ngôi nhà xây bằng đất với chuồng nuôi dê ở chung quanh. Bất cứ lúc nào hễ nhận được lệnh khai hỏa, Brandon chỉ cần bấm vào một phím trên bàn phím để “khoanh vùng” mục tiêu và người “phi công” bên cạnh anh sẽ sử dụng một bộ điều khiển như trong các trò chơi video (joystick) để tiêu diệt mục tiêu: chiếc máy bay không người lái sẽ phóng đi một tên lửa loại Hellfire. 16 giây để chờ đợi! Brandon Bryant nhớ lại: “Những giây phút đó cứ chầm chậm trôi qua”. Những hình ảnh trên thực địa sẽ được thu vào một máy quay hồng ngoại lắp đặt trên máy bay và được gửi về trung tâm chỉ huy của Brandon Bryant qua sóng vệ tinh với độ chênh lệch thời gian là 2-5 giây.

7 giây đã trôi qua, không có động tĩnh gì cả kể từ khi họ khai hỏa. Brandon vẫn tiếp tục theo dõi từng chấm nhỏ trên màn hình. Bởi từ thời điểm này, thế giới ảo của Brandon đã được “nhập chung” vào thế giới thật từ một ngôi làng nhỏ tại Afghanistan. Rồi thêm 3 giây nữa, có một đứa trẻ chạy ra từ góc nhà. Brandon nhìn thấy một vệt sáng nhỏ xuất hiện trên màn hình: ngôi nhà đó đã nổ tung! Những vạt tường bằng đất đổ sụp xuống, thằng bé kia biến mất. Ruột gan Brandon như quặn thắt. Bỗng, một ai đó cũng đang có mặt tại phòng điều khiển và đã theo dõi đợt tấn công của Brandon từ đầu đến cuối, cất tiếng: “Đó chỉ là một con chó thôi!”. Thế là nhóm của Brandon lại kiểm tra thông tin một lần nữa. Một con chó à? Một con chó biết chạy trên hai chân?…

Tiếp tay cho “sát thủ”

Brandon Bryant ưa thích những ca trực đêm, bởi vì khi đó bên Afghanistan đang là ban ngày. Vào mùa xuân, khung cảnh tại đất nước Afghanistan gợi anh nhớ đến bang Montana quê hương anh, với những chỏm núi tuyết trắng xóa và những vạt thung lũng xanh rì. Anh thấy được những bóng người đang bận rộn việc đồng áng, những đứa trẻ đang chơi bóng đá và những người đàn ông đang ôm hôn vợ con.

Khi màn đêm buông xuống tại vùng Trung Đông, Brandon sẽ bật camera hồng ngoại lên. Brandon quan sát một vài người suốt nhiều tuần lễ liền, đặc biệt là những tay súng Taliban đang cất giấu vũ khí hoặc là những đối tượng đang có mặt trong “danh sách đen”. Anh kể: “Tôi phải học cách nhận biết họ, để bất cứ lúc nào cấp trên phát lệnh khai hỏa thì tôi ra tay hành động ngay”.

Khi một đợt oanh kích nào đó kết thúc, Brandon Bryant bước ra khỏi chiếc container, hít thật sâu một ngụm khí trời. Trước mắt anh hiện ra một khung cảnh hoàn toàn khác, thật yên bình: một dải thảo nguyên xanh rì chạy đến hút tầm mắt, những cánh đồng và cái mùi ngai ngái của cây cối đang lên xanh tươi tốt. Nhưng cũng tại đây, cứ chốc chốc mỗi vài giây, đài radar của căn cứ Cannon của không quân Mỹ đặt tại bang New Mexico lại “ném” vào ánh hoàng hôn đang buông xuống một luồng sáng mảnh mai. Cuộc chiến tranh vẫn đang tiếp diễn tại Afghanistan xa xôi…

“Bồ câu robot”

Hiện nay các chuyên gia về sinh học và robot học đang ra sức “dạy” cho các “chú chim sắt” đó biết tránh các vật cản khi bay. Được cấp một khoản kinh phí lên đến 7,5 triệu USD từ Cơ quan nghiên cứu hàng hải của hải quân Mỹ (ONR - Office of Naval Research), các chuyên gia đang ráo riết nghiên cứu thiết kế một “thiết bị bay tự hành” có thể đạt đến vận tốc 55 km/giờ.

Các chuyên gia đã lấy ý tưởng từ chim bồ câu: Khi bay loài chim này có khả năng ước lượng được chính xác khoảng cách giữa chúng đến các vật thể đang hiện diện, do não của chim bồ câu có thể xử lý nhanh các hình ảnh lờ mờ thoáng qua trước mắt. Chim bồ câu còn có khả năng “ra quyết định” một cách rất nhanh chóng và chính xác vào thời điểm cuối cùng để lượn tránh vật cản một cách thuần thục.

“Sát thủ” không người lái ảnh 2

Các thiết bị bay sẽ được “dạy” cho cách phân biệt các loại vật cản khác nhau trong thành phố.

Để làm được điều này, giai đoạn đầu sẽ là việc “tập” cho chim-robot biết phân biệt được các vật cản khi chúng đang di chuyển trong một khoảng không gian trống. Giáo sư Yann LeCun, chuyên về trí thông minh nhân tạo và thị giác nhân tạo tại Đại học New York, sẽ chịu trách nhiệm về khâu xử lý “thị giác cho máy bay không người lái”. Kế tiếp, các nhà khoa học sẽ phải “dạy” cho chim-robot biết cách ra quyết định kịp thời trong mọi tình huống khi gặp chướng ngại vật; nói cách khác đây là cách làm thế nào để thiết bị bay có thể nhận diện được từ một nhóm điểm ảnh (pixel) đâu là hình của một nhánh cây và đâu chỉ là một cái bóng của nhánh cây. Drew Bagnell và Martial Hebert, hai chuyên gia về robot tại Đại học Carnegie Mellon, bang Pennsylvania, sẽ dựa trên các thuật toán để “huấn luyện” các chú chim sắt biết xử lý các “hình ảnh mơ hồ” mà chúng nhận được. Và bước cuối cùng là “dạy” cho chim-robot bay. Chuyên gia về robot Russ Tedrake thuộc Viện Đại học kỹ thuật Massachusetts (MIT) tại Boston là người chịu trách nhiệm về khâu này. Ông sử dụng các camera để thu lại các động tác phức tạp rồi “lên kế hoạch” cho các chuyển động của chim-robot để chúng có thể chao lượn trên không trung y hệt một chú chim thật.

(Theo Popular Science tháng 1-2013)

TƯỜNG NGUYỄN

Kỳ tới: Máy bay không người lái và hội chứng tâm bệnh lý

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm