Băn khoăn luật hóa về lấy phiếu tín nhiệm

Thảo luận về dự án Luật Tổ chức QH ngày 14-1, các thành viên trong Ủy ban Thường vụ QH tỏ ra khá băn khoăn về việc có nên đưa quy định lấy phiếu tín nhiệm vào trong dự luật hay không. Bởi Hiến pháp 2013 không có quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn.

Hiến pháp không quy định

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, tại kỳ họp thứ 4, QH đã thông qua Nghị quyết số 35/2012/QH13 quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Tiếp đó, việc lấy phiếu tín nhiệm đã được thực hiện tại kỳ họp thứ 5 của QH (tháng 5-2013), được cử tri và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Tuy nhiên, ông Lý cho hay Hiến pháp mới không quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm (Hiến pháp chỉ quy định về bỏ phiếu tín nhiệm - PV). “Vậy trong lần sửa đổi này, Luật Tổ chức QH có nên quy định về vấn đề lấy phiếu tín nhiệm hay không? Theo tôi vẫn nên đưa quy định lấy phiếu tín nhiệm vào Luật Tổ chức QH vì kết quả rất tốt” - ông Lý nêu quan điểm.

Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 13. Ảnh: TTXVN

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng lấy phiếu tín nhiệm là quy trình để tiến tới bỏ phiếu tín nhiệm nên không trái Hiến pháp, cần tiếp tục thực hiện. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng cũng cho rằng chưa nên bỏ quy định lấy phiếu tín nhiệm ra khỏi dự luật.

Thống nhất tăng tỉ lệ chuyên trách

Một nội dung khác cũng tạo ra nhiều ý kiến khác nhau là đề xuất tăng tỉ lệ đại biểu (ĐB) QH hoạt động chuyên trách lên 35% tổng số ĐBQH. Theo Ủy ban Pháp luật, tổ chức và hoạt động của QH, các cơ quan của QH và ĐBQH thời gian qua tuy có nhiều đổi mới, chất lượng được nâng lên nhưng còn một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Số lượng, cơ cấu tổ chức của hội đồng, ủy ban hiện nay chưa đáp ứng được sự gia tăng về khối lượng công việc và yêu cầu về chất lượng ngày càng cao. ĐBQH hoạt động chuyên trách tuy đã được tăng lên nhưng cơ chế làm việc cũng như các điều kiện bảo đảm chưa rõ ràng và tương xứng nên vẫn chưa phát huy tối đa được hiệu quả đối với hoạt động của QH nói chung. Do đó việc tăng là cần thiết.

Tán thành với đề xuất trên nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng cho rằng tỉ lệ 35% là vẫn thấp, cần tăng lên ở mức 40%. “Vì ĐB chuyên trách là lực lượng chính, quyết định hoạt động của các ủy ban” - ông Hằng nói. Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng lưu ý việc tăng ĐB chuyên trách cần phải đi kèm với việc tăng số lượng và chất lượng của đội ngũ giúp việc chuyên trách. Nếu không sẽ chẳng giải quyết được những khó khăn đang đặt ra.

THÀNH VĂN

Giao việc cho các ủy ban phải hợp lý

Đề cập đến việc phân chia hoạt động giữa các ủy ban, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị ban soạn thảo cần xây dựng các quy định để các ủy ban hoạt động đúng với chức năng, nhiệm vụ và chuyên môn của mình. “Hiện nay khi quyết định các công trình quan trọng quốc gia thì không phải Ủy ban Kinh tế thẩm tra mà lại do Ủy ban Khoa học và Công nghệ thực hiện nên dẫn đến những khó khăn nhất định. Lẽ ra việc này nên giao cho Ủy ban Kinh tế làm thì mới đúng còn Ủy ban Khoa học và Công nghệ chỉ tham gia thẩm tra xem xét quy mô, kỹ thuật thôi” - ông Hiển dẫn chứng.

Tương tự, đối với việc giao cho Ủy ban Kinh tế thực hiện các công việc thẩm tra, giám sát, góp ý các vấn đề tín dụng, tiền tệ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng chưa hẳn đã hợp lý. Bởi tài chính là lĩnh vực rất rộng bao trùm cả các vấn đề liên quan đến tiền tệ. “Mỗi ủy ban có chuyên môn hóa sâu và không thể thấy ủy ban này ít việc thì giao việc cho họ được” - ông Hiển góp ý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm