Đến tối 13-2, tàu cứu nạn SAR 412 đã cập cảng Đà Nẵng, đưa thuyền viên Trần Văn Đạt (trú huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) bị thương khi đang đánh bắt ở khu vực quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) vào bờ cấp cứu an toàn.
“Xuất kích” trong đêm
Biển động mạnh, gió giật cấp 7 - cấp 8. Từng đợt gió mùa đông bắc tràn về khiến cái lạnh thấm vào tận xương. Từ 21 giờ đêm, ông Trần Văn Long - Giám đốc Danang MRCC cùng kíp trực đã ra tận cầu cảng để chờ đón tàu SAR 412 đi cứu nạn trở về.
Tối 12-2, trung tâm nhận được điện cầu cứu từ tàu QNg-92679 TS: “Một thuyền viên bị cá cắn mất nhiều máu, cần được hỗ trợ y tế khẩn cấp”. “Ngay khi nhận điện, chúng tôi đã kết nối với Trung tâm Y tế 115 để tư vấn y tế. Các bác sĩ ở đây hướng dẫn cho thuyền viên trên tàu băng bó, cầm máu cho thuyền viên Trần Văn Đạt” - anh Hồ Xuân Phong (nhân viên điện đài) cho biết. Tuy nhiên, qua gần bảy giờ sơ cứu, nạn nhân vẫn không cầm được máu, tình trạng sức khỏe nguy kịch, hơi thở yếu. Danang MRCC quyết định điều động tàu SAR 412 với 19 thủy thủ cùng BS Ngô Diên Anh Tuấn (Trung tâm Cấp cứu 115) “xuất kích”, ra khơi cứu nạn. 22 giờ đêm 12-2, giữa sóng to gió lớn, thuyền trưởng Nguyễn Xuân Sơn chỉ huy tàu nhổ neo hướng về phía Hoàng Sa. Đến trưa 13-2 thì tiếp cận được tàu cá QNg-92679 TS. Do thời tiết trên biển xấu nên việc chuyển nạn nhân sang tàu cứu nạn rất khó khăn. Các thủy thủ tàu SAR phải di chuyển qua tàu cá để cố định nạn nhân trên cáng, sau đó bác sĩ mới tiến hành cấp cứu.
Các thủy thủ đưa nạn nhân lên bờ đi bệnh viện cấp cứu trong đêm 13-2. Ảnh: TT
Thuyền trưởng Nguyễn Xuân Sơn kể lại chuyến hải trình bị tàu Trung Quốc ngăn cản. Ảnh: TT
Anh Hồ Xuân Phong (nhân viên điện đài) chỉ rõ địa điểm tàu Trung Quốc ngăn cản tàu SAR 412 trên bản đồ. Ảnh: TT
Đến 23 giờ 30 đêm 13-2 tàu SAR mới về đến mũi Nghệ (bán đảo Sơn Trà) chuẩn bị cập cảng. Nạn nhân lập tức được đưa vào BV Đa khoa TP Đà Nẵng cấp cứu. Anh Đạt đã hồi tỉnh, vết cắn ở chân không còn chảy máu. Nhưng vết thương đau buốt khiến khuôn mặt rắn rỏi của anh nhăn nhó, đau đớn. Gần mấy chục năm lăn lộn, ngang dọc trên vùng biển Hoàng Sa, anh Đạt không ngờ mình lại bị cá cắn suýt chút nữa thì mất mạng. “Hôm đó chúng tôi đánh được một mẻ cá thu lớn, mỗi con nặng đến vài chục kilôgam. Trong khi đưa một con cá thu còn sống vào hầm lạnh, anh Đạt sơ suất bị nó cắn vào chân. Vết cắn quá sâu khiến anh mất nhiều máu” - bạn thuyền của anh Đạt kể lại. Dù đã dùng hết bí quyết chữa thương của cánh ngư dân nhưng vẫn không cầm được máu. Các bạn thuyền chỉ còn trông chờ vào đội cứu nạn của Danang MRCC. “Biển động, sóng lớn nên tôi nghĩ họ sẽ không ra. Chúng tôi cho thuyền tăng hết ga để vào bờ, hy vọng còn cứu được. May mà các anh ấy ra kịp” - người bạn thuyền xúc động.
Bị đe dọa, uy hiếp
Trong đêm 13-2, đại diện Danang MRCC đã trao bằng khen cho BS Ngô Diên Anh Tuấn (Trung tâm Cấp cứu 115) vì đã dũng cảm ra khơi cứu người trong mùa biển động.
Tàu cập cảng, thuyền trưởng Sơn mới thở phào nhẹ nhõm, kết thúc một hành trình dài lênh đênh trên biển với những nguy hiểm đe dọa, cận kề. Ông kể: “Khi tàu SAR đi từ Đà Nẵng ra, ngang qua khu vực đảo Tri Tôn (quần đảo Hoàng Sa) thì có một tàu chạy cách 5-6 hải lý liên tục phát loa nói bằng tiếng Trung Quốc với giọng điệu đe dọa, trấn áp”. Thoáng chút lo lắng, ông Sơn phát loa trả lời: “Chúng tôi là tàu cứu nạn của Việt Nam đang trên đường đi làm nhiệm vụ, nếu có yêu cầu gì thì nói bằng tiếng Anh”. Một lúc sau, tàu này phát lại bằng tiếng Anh với nội dung: “Đề nghị rời khỏi khu vực này ngay lập tức”. Ông Sơn lặp lại lần nữa câu nói ở trên.
“Sau một quãng đường gằm ghè, theo dõi, tàu này mới phát thông báo hỏi chúng tôi có cần giúp đỡ gì không. Nhưng đồng thời họ cũng yêu cầu phải rời khỏi khu vực này và không được có hành động gì. Tôi trả lời không cần sự giúp đỡ, chúng tôi đang đi làm nhiệm vụ rồi tắt bộ đàm”. Ông cho tàu giữ nguyên lý trình, kệ tàu Trung Quốc theo dõi sát sao. Các thủy thủ được lệnh giữ bình tĩnh, sẵn sàng ứng phó với các trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Thông tin trên cũng được điện báo về cho trung tâm khiến kíp trực ở nhà cũng hồi hộp. Lúc này tàu SAR vẫn còn cách tàu bị nạn hơn 50-60 hải lý. “Khi chúng tôi vượt qua đảo Tri Tôn thì tàu kia quay đầu, không đuổi theo nữa. Do khoảng cách khá xa, thời tiết trên biển xấu nên chỉ nhìn thoáng con tàu có màu xám” - ông Sơn nói.
Đây không phải là lần đầu tàu SAR 412 bị vây hãm, đe dọa. Hơn 10 năm làm thuyền trưởng tàu cứu nạn ông Sơn cùng đồng đội đã từng nhiều lần chạm trán như thế. “Đầu năm 2013, chúng tôi ra Hoàng Sa cứu nạn thì bị tàu Trung Quốc đuổi theo. Suốt đêm hôm ấy, chiếc tàu ấy soi đèn, ngăn cản hải trình của tàu SAR. Tôi bảo anh em: “Cứ mặc kệ, việc mình mình làm, không có gì phải sợ”.
TẤN TÀI