GS Phan Xuân Sơn, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, là chủ biên công trình nghiên cứu về “lý thuyết xung đột xã hội và quản lý, giải tỏa xung đột xã hội Việt Nam”. Ngày 23-4, trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM ngay sau khi căng thẳng tám ngày ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội được giải tỏa, ông nói: “Xung đột xã hội được bắt đầu từ mâu thuẫn, không được giải quyết thì cứ ngấm ngầm, chính quyền và người dân không giải quyết được thì xung đột ấy ra công khai. Đến mức độ căng thẳng lên thì bùng phát thành va chạm, mà ở mức cao là điểm nóng”.
Ưu tiên hóa giải nguyên nhân gốc rễ trước
. Phóng viên: Thưa ông, Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng, rồi bắt một số người thôn Hoành có phải là bước ngoặt của sự bùng phát đấy?
+ GS Phan Xuân Sơn: Tất cả vụ việc xung đột thì mất trật tự bao giờ cũng chỉ là ngọn. Đấy là mâu thuẫn, xung đột đã lên mức cao, đến mức các bên có ứng xử vượt qua chuẩn mực pháp lý, đạo đức chung.
Trong xử lý xung đột, có một giải pháp thường nhắc tới là “giải tán đám đông, bắt kẻ cầm đầu”. Giảng bài cho lực lượng công an, tôi thường nhấn mạnh cần thận trọng. Bởi nhiều khi nóng vội, sai lầm về phương pháp, bước đi sẽ khiến tình hình căng thẳng hơn, phức tạp hơn.
Tôi cho rằng cần ưu tiên hóa giải nguyên nhân gốc rễ trước. Cách thức hóa giải không nên khăng khăng kiểu chính quyền chỉ có đúng, dân chỉ có sai. 37 năm (từ khi Chính phủ triển khai dự án sân bay Miếu Môn năm 1980 - PV), bao nhiêu vấn đề chưa giải quyết chồng lấp lên thì nhận thức giữa hai bên là khác xa nhau lắm. Vậy phải kiên trì trao đổi, thuyết phục, thu hẹp khoảng cách, đi đến giải pháp hợp lý.
Ngoài ra, không phải cứ người cầm đầu chống đối là xấu. Công thức chung thường là: Người tốt nhưng bức xúc thì nên hợp tác với họ để giải quyết; người có thái độ định kiến, thiếu tinh thần hợp tác thì phải phân hóa, lôi kéo, thuyết phục… và chỉ nên áp dụng biện pháp mạnh với đối tượng mà ta hay gọi là thế lực thù địch, cài cắm để lợi dụng mà chống phá, lật đổ chính quyền. Ngay cả bắt người thì cũng phải hợp lý, hợp pháp, thậm chí hợp tình.
Chiều 22-4, điểm nóng Đồng Tâm được giải tỏa với việc 19 cán bộ, chiến sĩ được thả và cam kết “không truy cứu trách nhiệm hình sự toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm”. Ảnh: TP
Dân mình “nói phải củ cải cũng nghe”
. Nếu áp các công thức ấy vào Đồng Tâm thì nên thế nào, thưa ông?
+ Qua thông tin báo chí thì tôi thấy những người như ông Lê Đình Kình không phải là “kẻ cầm đầu”. Ông ấy thực sự là người đại diện cho tâm tư, nguyện vọng, lợi ích của cả một cộng đồng dân cư lớn, có truyền thống văn hóa làng xã.
Cho dù căn cứ pháp lý thế nào thì có vẻ như áp dụng biện pháp mạnh với những người như ông Kình là sai lầm. Sai lầm ấy trực tiếp dẫn tới việc người dân Đồng Tâm phản ứng bột phát, bắt giữ một loạt nhân viên công quyền.
Những biểu hiện thôn Hoành đoàn kết, quyết liệt giữ người, yêu cầu đối thoại với người đứng đầu thủ đô mới thả… càng cho thấy chính quyền đã không đánh giá đúng bản chất điểm nóng Đồng Tâm.
Kể ra thay vì áp dụng biện pháp mạnh mà thông báo thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất đai khu vực Miếu Môn như Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung quyết định sau đó thì có lẽ đã không nên cơ sự này.
Dân mình “nói phải củ cải cũng nghe”. Nếu giải thích, giải pháp hợp tình, hợp lý thì không thể có việc như thế.
Bước đệm hợp lý
. Phải ngót tám ngày Hà Nội mới giải quyết được điểm nóng này, vậy có lâu quá không?
+ Tôi cho là ban đầu có lúng túng. Thông tin là ngay sau hôm đôi bên bắt người của nhau thì hôm Chủ nhật, dân thôn Hoành đã nêu nguyện vọng đối thoại với Chủ tịch Chung rồi.
Nhưng quả thật rất khó. Thực tế đã có những việc mà lãnh đạo địa phương xuống, mong muốn đối thoại với dân mà rồi bị dân vây đánh.
Những xung đột mang tính đỉnh điểm thế này, tâm lý đám đông lúc ban đầu nguy hiểm lắm, cần thời gian để tự bà con bình tâm lại. Ngoài ra, chính quyền cũng cần chuẩn bị nội dung, thủ tục đối thoại, trao đổi trước với đại diện bà con, chín muồi rồi mới gặp nhau chính thức. Tôi nghĩ việc ông Chung lựa chọn trụ sở Huyện ủy Mỹ Đức để mời bà con lên đối thoại là bước đệm hợp lý trước khi quyết định xuống xã. Việc này không thể vội. Chậm một vài ngày còn hơn vội vàng mà đổ vỡ.
Vẫn phải làm rõ cái đúng, cái sai
. Nhưng cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự việc người dân thôn Hoành giữ người trái pháp luật đang gây tranh cãi, bởi hài lòng người dân nhưng lại có thể là tiền lệ không tốt cho những việc tương tự?
+ Đúng là cũng có ý kiến khác nhau. Nhưng đặc thù ở ta là trọng tình. Sự việc này lỗi lại bắt nguồn từ yếu kém của Nhà nước nên nếu cam kết ấy là giải pháp tình thế, lựa chọn cuối cùng để giải thoát cho số cán bộ, chiến sĩ công an bị dân bắt giữ thì cũng chấp nhận được.
Tôi cho rằng bên cạnh việc thanh tra toàn diện về đất đai, thanh tra việc Công an TP Hà Nội khởi tố, bắt giữ người dân thôn Hoành thì cũng nên có cách nào đó để làm rõ sự việc nghiêm trọng này. Chẳng hạn Quốc hội mở cuộc điều tra đặc biệt với đại diện các bộ, ngành liên quan, hoặc lập đoàn giám sát để mổ xẻ thấu đáo toàn cảnh sự việc, qua đó yêu cầu Chính phủ chỉ đạo khắc phục các vấn đề tồn tại.
Giải quyết hậu quả điểm nóng Đồng Tâm sẽ là một núi công việc mà ở đó sẽ có cả xử lý trách nhiệm hành chính, thậm chí hình sự với những người liên quan, trong đó chắc chắn có phía cán bộ công quyền.
. Xin cám ơn ông.