Đại diện cho người dân, ông Đặng Duy Bửu (trưởng thôn Bến Váng 1, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) bức xúc: “Năm 1997 dự án thủy điện Tả Trạch được phê duyệt, người dân chấp hành không xây nhà kiên cố và trồng cây lâu năm trong khu vực. Đến năm 2003 thủy điện mới thống kê bồi thường nhưng theo giá năm 1997, 1 m2 đất chỉ được 50 đồng trong khi một cây kem đã là 500 đồng”. Ngoài ra, khi đến khu tái định cư, người dân không biết làm cái gì để sống. Đáng nói hơn, đến nay đã 10 năm trôi qua mà tỉnh vẫn còn nợ 50% đất chưa trả cho dân.
Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Công nghiệp và Tiết kiệm năng lượng (Sở Công Thương Thừa Thiên-Huế), lại cho rằng muốn phát triển thì phải có điện và phải chấp nhận đánh đổi. “Không chỉ Việt Nam vấp (thủy điện tác động đến môi trường, người dân - PV) mà các nước văn minh cũng vấp. Các nước ấy đã khắc phục được, tôi tin là chúng ta cũng sẽ khắc phục được” - ông nói.
Phản đối ý kiến này, TS Quách Thị Xuân, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng, nói: “Không thể đánh đổi bằng việc gây hậu quả cho người dân. Hiện việc đánh giá ĐTM của các thủy điện chưa đảm bảo khách quan và khoa học. Họ chỉ làm chủ quan và muốn kéo dự án về địa phương mình”.
Kỹ sư Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam, cho rằng Nhà nước đang thiếu một thể chế để buộc các thủy điện phải làm ĐTM một cách tổng thể. “Làm báo cáo ĐTM là phải làm cho toàn hệ thống con sông, toàn lưu vực chứ không thể mỗi thủy điện một bản ĐTM như hiện nay. Như thế chẳng có ích gì” - ông Tuấn nói.
Về vai trò của báo chí, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Dũng đánh giá đôi khi báo chí đứng về phía dân và chỉ đưa các thông tin về tiêu cực tại các dự án. Thế nhưng ông cũng thừa nhận: “Thực tế có dự án xây dựng trước rồi mới thẩm định ĐTM, họ giải thích là do địa phương có chủ trương kêu gọi đầu tư. Vấn đề đánh giá ĐTM còn rất bất cập”.
LÊ PHI