Ngư dân đang bị đe dọa khi mưu sinh trên biển

Ngày 3-6, vấn đề phát triển kinh tế biển và chính sách hỗ trợ ngư dân miền Trung trước sự đe dọa của Trung Quốc (TQ) đã làm nóng Diễn đàn Phát triển bền vững khu vực duyên hải miền Trung diễn ra tại TP Hội An (Quảng Nam). Diễn đàn do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì với sự tham dự của hàng trăm đại biểu trong nước và quốc tế.

̉a ngõ hướng Đông chưa được đánh thức

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 14 tỉnh miền Trung đều gặp rất nhiều khó khăn. Trong số đó, khổ sở nhất vẫn là vùng duyên hải gồm chín tỉnh từ tỉnh Hà Tĩnh tới Phú Yên. Tỉ lệ hộ nghèo của các tỉnh chiếm 10%-17% so với cả nước là 7,8%. Do thiên tai quanh năm nên có khi tài sản người dân dành dụm cả đời chỉ vì một cơn lũ mà trắng tay, nghèo đói ngay. Vì vậy người miền Trung làm cái gì cũng phải tính đến thiên tai. Đây là bài toán nan giải trong việc phát triển kinh tế của miền Trung.

“Duyên hải miền Trung trong lịch sử còn là nơi chịu nhiều đau thương, mất mát lớn nhất. Miền Trung là cửa ngõ để chúng ta hướng ra biển Đông, phát triển giao thương với các nước trong khu vực, là nơi có nhiều tiềm năng to lớn, nguồn lao động dồi dào, cần cù nhưng vẫn chưa được đánh thức” - phó thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng phải đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển kinh tế biển cho khu vực miền Trung. Trong ảnh: Phó thủ tướng trao đổi với đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: LÊ PHI

Về việc phát triển kinh tế biển, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Trong thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến TQ hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển của Việt Nam. Tàu cá ngư dân miền Trung đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa-Trường Sa đã bị tàu TQ xua đuổi, thậm chí bị đâm chìm. Chúng ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng mọi biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ lẽ phải và chính nghĩa. Ngư dân của chúng ta đang bị đe dọa khi mưu sinh, bám biển. Điều này càng chứng tỏ việc phát triển kinh tế biển của miền Trung đóng vai trò quan trọng”.

Cũng theo phó thủ tướng, trước những hành động ngang ngược của TQ thì các bộ, ngành trung ương, các tỉnh miền Trung phải bàn các giải pháp để phát triển kinh tế biển. “Nó không chỉ là phát triển kinh tế đơn thuần mà còn gắn với an ninh quốc phòng, chủ quyền Tổ quốc. Cả vùng phải liên kết mạnh về du lịch, hạ tầng dùng chung, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Phải xem kinh tế biển là một mũi nhọn” - phó thủ tướng nhấn mạnh.

Hỗ trợ mạnh hơn cho ngư dân

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho hay: “Chính phủ thành lập lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển là rất kịp thời để sát cánh cùng ngư dân. Tuy nhiên, việc hỗ trợ của chúng ta vẫn còn hạn chế, thiếu sự phối kết giữa các địa phương để đảm bảo quyền lợi cho ngư dân ở các ngư trường truyền thống. Hiện chúng ta đã có quy hoạch để thành lập các trung tâm nghề cá. Nhưng thiết nghĩ chúng ta cần phải đưa một vài trung tâm nghề cá ra hoạt động thí điểm trước, sau đó sẽ rút kinh nghiệm và tiếp tục đầu tư. Hiện ngư dân có tàu thuyền nhiều nhưng tàu nhỏ, tải trọng thấp, không đảm bảo, tàu phần lớn bằng vỏ gỗ nên không thể vươn khơi xa. Chúng ta cần phải quan tâm đầu tư cho ngư dân chuyển đổi tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ sắt để vươn khơi đánh bắt xa trên 200 hải lý. Đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư cho ngư dân để ngư dân yên tâm vươn khơi bảo vệ chủ quyền Tổ quốc”.

Cùng quan điểm, ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, chia sẻ: “Ngư nghiệp đang chiếm tỉ trọng thấp, chưa được quan tâm nhiều trong khi đây lại là ngành giải quyết cho rất nhiều lao động ven biển. Đầu tư vào kinh tế biển sẽ quyết định được sự phát triển cho cả khu vực miền Trung. Một tháng qua, TQ đã hạ đặt giàn khoan, xâm lấn biển của chúng ta làm tình hình trở nên phức tạp. Do đó chúng ta cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho ngư dân. Ngoài các chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ đưa ra thì các tổ chức tài chính, các bộ, ngành cũng cần có chính sách cho ngư dân vay vốn với lãi suất ưu đãi để giúp ngư dân đánh bắt xa bờ và bảo vệ biển, đảo. Đây là nhiệm vụ hết sức cần thiết”.

Ông Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cũng cho rằng Chính phủ nên có phương hướng để các tỉnh miền Trung phát triển kinh tế biển mạnh mẽ hơn nữa. Phải đầu tư một hệ thống giao thông kết nối ven biển từ tỉnh Hà Tĩnh vào tới Phú Yên để các tỉnh tạo thành một khối liên kết. “Chúng ta phải tập trung đầu tư cho ngư dân miền Trung, vì đây là những ngư dân tích cực vươn khơi bám biển bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa. Cùng với hỗ trợ đóng mới tàu thuyền thì phải đầu tư cả khu neo đậu để ngư dân miền Trung yên tâm khi bước vào mùa mưa bão. Bởi ngư dân miền Trung là lực lượng chủ lực đánh bắt, khai thác trên biển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc” - ông Chính nói.

LÊ PHI

 

Nhiều cơ hội lẫn thách thức

Vùng duyên hải miền Trung có tổng diện tích 52.000 km2, điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng tổng doanh thu trong năm qua rất ấn tượng với hơn 300.000 tỉ đồng, tỉ lệ tăng trưởng hằng năm của vùng đạt trên 10%, cao hơn mức trung bình của cả nước. Khu vực duyên hải miền Trung đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Ông NGUYỄN CHÍ DŨNG, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT thì hiện có đến 50%-60% các cảng biển vẫn chưa được sử dụng hết. Con số này cho thấy việc đầu tư vẫn chưa phát huy hết hiệu quả. Do đó cần phải tính toán chuyển đổi một số cảng chưa hiệu quả sang mục đích khác.

VICTORIA KWAKWA, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm