Nêu ý kiến, ông Phạm Phú Quốc, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính TP.HCM, cho rằng chỉ cần cấp phép casino là có hàng ngàn nhà đầu tư đăng ký nên ngành nghề này không cần được ưu tiên. “Thuế tiêu thụ đặc biệt giảm xuống 10% cũng là vô lý, ngược lại phải tận thu cho bằng được để tăng ngân sách đầu tư cho hạ tầng” - ông Quốc nói.
Theo ông Quốc, không phải ở đặc khu kinh tế thì ngành nghề nào cũng được ưu tiên, miễn giảm thuế dẫn đến không có nguồn thu cho ngân sách. Ông đề nghị cần vạch chiến lược ngành nào cần ưu tiên thì ưu tiên đến cùng, như những ngành nghề công nghệ cao, công nghệ hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường. Còn những ngành không cần ưu tiên phải tranh thủ thu thuế.
Phú Quốc (Kiên Giang) là một trong ba đơn vị sẽ trở thành đặc khu. Trong ảnh: Một góc Phú Quốc nhìn từ phi cơ. Ảnh: HTD
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho rằng nên thận trọng cấp phép casino ở các đặc khu kinh tế. “Không nên nghĩ những đặc khu này là cho mở casino thoải mái, cũng không nên khuyến khích thu hút đầu tư lĩnh vực này. Các nước cũng quy định chặt chẽ, giới hạn số lượng. Hiện nay nước ta đã có sáu casino đang hoạt động, không thu được nhiều tiền cho ngân sách, mỗi năm chỉ vài trăm tỉ đồng” - bà Thảo nói.
Còn TS Trần Du Lịch đặt vấn đề về mô hình chính quyền đặc khu. Theo ông Lịch, mô hình tốt nhất là Thủ tướng bổ nhiệm đặc khu trưởng, có cán bộ chuyên trách HĐND tỉnh giám sát. Đặc khu trưởng được xem như cánh tay nối dài theo cơ chế phân quyền của Thủ tướng và chủ tịch UBND tỉnh, được quy định trong luật. “Không nên đặt vấn đề đặc khu trực thuộc tỉnh hay trực thuộc trung ương, mà nên đặt vấn đề như trên để tránh cơ chế xin-cho và khi đó đặc khu sẽ tự chủ được” - ông Lịch nói.
Liên quan đến vấn đề an ninh, quốc phòng, các đại biểu cũng cho rằng quá trình phát triển ở đặc khu cần bám sát chính sách quốc phòng, an ninh.
Theo Đại tá Lê Anh Đức, phòng Tác chiến Bộ Tư lệnh Quân khu 7, luật nêu trưởng đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt quyết định biện pháp thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng và an ninh nhưng chưa đề cập đến cơ chế lãnh đạo lực lượng quân đội tại đặc khu.
Ông Đức lý giải mọi địa phương không thể trông chờ lực lượng vũ trang ở nơi khác. Vì vậy xây dựng lực lượng tại chỗ luôn là vấn đề sống còn. Ở vị trí chiến lược, ba đặc khu cần chú trọng vấn đề này nhiều hơn những nơi khác. Do đó luật phải nêu rõ trách nhiệm của đặc khu về xây dựng, nuôi dưỡng lực lượng quân đội tại chỗ. Công tác phối hợp xây dựng lực lượng, diễn tập, tác chiến cũng cần có hướng dẫn rõ ràng.
Đại tá Đức cũng cho rằng hạ tầng kinh tế không được gây ảnh hưởng đến chiến lược quốc phòng. “Thông qua luật, cơ quan chức năng phải ràng buộc nhà đầu tư, khống chế độ cao xây dựng để công trình quốc phòng phát huy lợi thế. Đồng thời đưa ra cơ chế giám sát chéo trong quá trình nhà đầu tư thiết kế, xây dựng. “Xung quanh trận địa pháo mà có nhà cao mấy chục tầng thì tầm nhìn sẽ bị hạn chế, khiến phương án phòng thủ khó triển khai” - ông Đức nói.
Liên quan đến dự án luật này, hiện nay Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập ba khu kinh tế-hành chính đặc biệt là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.