Lẽ thường tình những gì người dân, dư luận xã hội bức xúc không phải là không có lý do.
Trước hết, một dự án lớn như thế, có sự tác động trực tiếp đến môi trường như thế thì phải được làm hết sức chặt chẽ, nhất là không được làm trái luật định, ngụy tạo hồ sơ, mạo danh các nhà khoa học.
Thế nhưng cho đến lúc này đã có ba nhà khoa học lên tiếng, ngỡ ngàng không hiểu vì sao mình có tên trong danh sách thành viên tham gia phản biện. Trong đó có TS hải dương học Nguyễn Tác An ở Viện Hải dương học Nha Trang. Sao có thể ngang nhiên mạo danh một nhà hoa học có tên tuổi, uy tín và là thành viên Hội đồng Phản biện Nhà nước một cách dễ dàng đến như vậy?
Công ty tư vấn không thể lấy lý do sử dụng bản kế thừa nên không biết, đó là sự ngụy biện. Những gì TS Nguyễn Tác An phát biểu trên báo chí tôi xin không nhắc lại nhưng đủ để chúng ta lưu tâm, thấy được quan điểm rõ ràng của ông về dự án này.
Hội nghề cá cũng đã lên tiếng thể hiện sự phản đối, họ nêu rõ quan điểm khoa học đề nghị Chính phủ cho dừng ngay việc thực hiện giấy phép và làm rõ sáu vấn đề còn lo ngại trong giấy phép của Bộ.
Như vậy, trách nhiệm thẩm định của cơ quan cấp Bộ đến đâu? Một giấy phép dự án sao lại nhận nhiều ý kiến trái chiều đến vậy? Tính pháp lý, chính danh của dự án hồ sơ này như thế nào khi mà danh sách thành viên phản biện cho tới nay đã có 3/14 người lên tiếng không tham gia, điều này cũng đồng nghĩa với những luận cứ khoa học đang thể hiện trong hồ sơ kia không phải là sự thật?
Tôi nghĩ rằng dư luận xã hội đã có sự nhìn nhận, đánh giá rõ ràng qua những diễn biến phức tạp của dự án này.Cùng với đó là họ có quyền hồ nghi về những khuất tất có thể xảy ra, trong đó không loại trừ việc qua mặt người dân, địa phương và các cơ quan chức năng khác.
Vấn đề người dân quan tâm lúc này là động thái tiếp theo của Bộ TN&MT, cách giải quyết như thế nào của Bộ và Chính phủ trước những sự thật của vụ việc đang dần hiện rõ. Vẫn tiếp tục triển khai hay thu hồi giấy phép?
Động thái này cũng cần phải công khai minh bạch. Bởi rõ ràng ai cũng hiểu việc này không thể làm ngược quy trình, làm ngược khoa học được. Không thể cấp phép trước rồi mới chờ ý kiến phản biện của các nhà khoa học, không thể tiếp tục triển khai dự án khi không đủ căn cứ khoa học. Đó không còn đơn giản chỉ là một sự sai sót và nghiêm túc rút kinh nghiệm là xong.
Tôi cũng như người dân vùng biển miền Trung thấy được sự cần thiết, ý nghĩa của môi trường biển như thế nào trong cuộc sống của mình. Tôi nghĩ lãnh đạo các tỉnh vùng khu vực miền Trung cũng có suy nghĩ như vậy thôi, trước những dự án có dấu hiệu nguy hại môi trường, không ai không xót xa cho địa phương mình, cho người dân mình. Vì vậy, tôi rất mong Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan nhanh chóng vào cuộc. Người dân miền Trung không dễ gì đánh đổi và hy sinh vùng biển của mình trước những dự án có tác động tiêu cực đến biển.