Khi hạt gạo Việt bị chối từ

Thông tin tại hội thảo gần đây cũng cho biết trong số 26 doanh nghiệp gửi mẫu gạo sang Mỹ thì có tới 25 doanh nghiệp bị từ chối.

Thực tế chua chát này đã được nói đến từ lâu khi Việt Nam dù là nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới nhưng chất lượng gạo vẫn có vấn đề và chỉ chiếm lĩnh được phân khúc thấp, giá rẻ chứ chưa thể chinh phục được những thị trường khó tính, đòi hỏi cao như Âu, Mỹ.

Đây là kết quả của tư duy tiểu nông, manh mún đã được các vị lãnh đạo, các chuyên gia nói đến rất nhiều. Trước làn sóng của hội nhập, lối làm ăn tiểu nông không còn phù hợp, không thể đưa nông sản của Việt Nam vươn cao, vươn xa như những dự tính.

Dẫu biết rằng nông nghiệp, nông dân và nông thôn sẽ bị tổn thương nhiều nhất trong quá trình hội nhập. Nhưng những tổn thương ấy là điều tất yếu khi mỗi mảnh ruộng chưa bao giờ là động lực cho một nền sản xuất lớn, đủ sức hòa nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, đáp ứng được yêu cầu chất lượng rất cao của thế giới phát triển.

11 triệu hộ nông dân, với hàng chục triệu mảnh ruộng, sẽ không thể có được những cánh đồng mẫu lớn. Tăng canh trong nông nghiệp, với phương thức sản xuất và thói quen dùng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu vô tội vạ chẳng những làm cho đất đai nhiễm độc theo đúng nghĩa đen, mà cuộc sống nông dân cũng ngày càng hạ thấp chất lượng. Trồng lúa, trồng rau cho mình ăn thì không phun thuốc, trồng để bán thì ngược lại.

Trong quá trình hội nhập với thế giới phát triển, khi mà những chuẩn mực văn minh thấm vào cả cung cách sản xuất thì cách thức mà nông nghiệp Việt Nam đang làm ra nông sản sẽ không thể được các thị trường phân khúc cao chấp nhận. Những doanh nghiệp làm ăn tử tế sẽ khó có chỗ đứng nếu phương thức sản xuất không thay đổi. Số lượng nhiều mà chất lượng thấp sẽ không bao giờ mang đến thịnh vượng.

Chưa bao giờ yêu cầu về chất lượng lại đặt ra cấp thiết như lúc này đối với nông nghiệp. Để có nông sản chất lượng cao, ngoài những yêu cầu về quy chuẩn sạch, xanh, bền vững thì tư duy sản xuất của người nông dân, của các doanh nghiệp nông nghiệp cũng phải thay đổi để không bị thế giới ngoảnh mặt. Bởi nếu vẫn tồn tại những nông sản kém chất lượng, tồn dư thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật quá cao thì Việt Nam chẳng những không thể xuất khẩu được nông sản mà còn đánh mất luôn cả vị thế là một cường quốc xuất khẩu gạo.

Nếu ngay từ bây giờ, tư duy nông nghiệp kiểu như vầy không gấp rút thay đổi thì mệnh đề “tiểu nông không thể hội nhập” sẽ mãi đúng. Hình ảnh Việt Nam sẽ hoen ố nếu những hạt gạo, dù thấm đẫm mồ hôi, công sức của hàng chục triệu nông dân, vẫn còn bị thế giới văn minh chối từ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm