Trốn thuế, chuyển giá đang nhức nhối

Đó là ý kiến của Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc khi trình bày tờ trình đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của Quốc hội vào ngày 10-12.

Nhiều khoảng trống chưa cơ quan nào kiểm tra

Theo ông Phớc, Luật KTNN hiện hành quy định một số chủ thể như cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước (NSNN); các đơn vị, tổ chức, chủ đầu tư sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên khoáng sản... không phải là đơn vị được kiểm toán. Do vậy, khi quyết định kiểm toán, KTNN không đưa vào danh mục các đơn vị được kiểm toán nên không thể áp dụng các quyền và nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán đối với các cơ quan, tổ chức này.

Trong khi đó, thực tiễn cho thấy qua hoạt động kiểm toán ngân sách, KTNN đối chiếu thuế đã phát hiện và kiến nghị tăng thu NSNN với số tiền thuế truy thu khá lớn. Cụ thể, năm 2016, qua đối chiếu hơn 1.600 người nộp thuế, KTNN kiến nghị các khoản phải nộp NSNN tăng thêm hơn 2.000 tỉ đồng. Năm 2017, qua đối chiếu gần 2.500 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 47 tỉnh, thành phố, KTNN phát hiện hơn 2.300 trường hợp có sai phạm (tương đương 94%) và kiến nghị xác định nộp NSNN tăng thêm hơn 1.300 tỉ đồng. Trong sáu tháng đầu năm 2018, qua đối chiếu thuế hơn 1.400 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 24 tỉnh, thành phố, KTNN phát hiện gần 1.300 (tương đương 90%) trường hợp có sai phạm và kiến nghị xác định nộp NSNN tăng thêm 443 tỉ đồng.

Cạnh đó, theo pháp luật thuế hiện hành, đối tượng nộp thuế tự kê khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm nên cơ quan thuế chỉ hậu kiểm được khoảng 18% trong tổng số các doanh nghiệp nộp thuế. Theo KTNN, điều này có nghĩa khoảng 82% đang là khoảng trống chưa được cơ quan nào kiểm tra, phát hiện. “Việc trốn thuế, chuyển giá đang trở nên nhức nhối, hiện làm thất thu lớn NSNN” - ông Phớc nhấn mạnh và cho hay thời gian qua KTNN đã phát hiện chuyển giá, trốn thuế ở các doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp nước ngoài như Unilever, Sabeco..., truy thu ngân sách hàng chục ngàn tỉ đồng.

Để tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, KTNN đề nghị cần sửa đổi, bổ sung Luật KTNN theo hướng bổ sung đơn vị được kiểm toán ở Điều 55 cho đầy đủ, bao gồm: “Người nộp thuế; tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên khoáng sản; tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đề nghị bổ sung thêm đối tượng thuộc diện phải kiểm toán. Ảnh: THU NGUYỆT

Vẫn còn cân nhắc để sửa luật

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói có những việc là của hành pháp chứ không phải của kiểm toán và cho rằng việc mở rộng phạm vi kiểm toán tới tất cả doanh nghiệp ngoài Nhà nước là vấn đề cần cân nhắc. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng cho hay đến hôm nay ông mới được đọc báo cáo của Chính phủ, các nội dung ngược lại với đề nghị của KTNN khiến ông khá phân vân. Ông Hải cũng cho hay Luật KTNN mới thi hành được ba năm và lo ngại khi một số luật rơi vào tình trạng “kỳ này làm luật, kỳ sau lại sửa, kỳ tới không biết có sửa hay không”, dẫn tới không có tính ổn định. Phát biểu quan điểm cá nhân, ông Hải cho rằng dự án luật sửa đổi chỉ đề xuất tăng thêm địa vị pháp lý, phạm vi, nội dung và một số công cụ cho KTNN. Có những điều này, KTNN sẽ làm tốt hơn, mạnh hơn nhưng để được như vậy lại phải giải quyết nhiều vấn đề khác. “Nên cân nhắc. Đề nghị chưa nên sửa luật này, có thể chậm lại để tổng kết, đánh giá tình hình thực tiễn. Chưa đủ điều kiện chín muồi thì chưa nên sửa” - ông Hải nói và cho biết với trách nhiệm của cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tài chính-Ngân sách “chưa an tâm lắm nếu tập trung sửa những nội dung này”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng luật mới có hiệu lực từ năm 2016, nếu đưa ra báo cáo xin sửa thì Quốc hội khó chấp nhận. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng đề nghị sửa đổi luật là cần thiết nhưng nội dung cụ thể cần phải đánh giá tác động thêm và cân nhắc những nội dung nào thuộc thẩm quyền của KTNN để đưa vào ngay trong luật. Còn những vấn đề liên quan đến quá trình chỉ đạo và phối hợp giữa các cơ quan, có cần phải đưa vào luật không cần tiếp tục nghiên cứu trong quá trình sửa đổi.

Ông Lưu thống nhất đưa dự án này vào dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, theo quy trình thông qua tại hai kỳ họp thay vì chỉ một kỳ họp như KTNN đề xuất.

Hàng ngàn tỉ đồng được truy thu cho ngân sách sau khi kiểm toán

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho hay cuộc kiểm toán chuyên đề công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng tại Tổng cục Thuế và 19 tỉnh, thành phố, KTNN đã kiến nghị xử lý về số liệu liên quan đến việc thực hiện hoàn thuế chưa phù hợp quy định gần 1.400 tỉ đồng. Việc kiểm toán các dự án BOT đã giảm 222 năm thời gian thu phí của 61 dự án, kiến nghị những bất cập về cơ chế, chính sách. Kiểm toán 30 dự án BT giảm 4.500 tỉ đồng. Kiểm toán các khu đô thị, truy thu hàng chục tỉ đồng về cho NSNN. Kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai đã phát hiện nhiều sai phạm của cơ quan quản lý và chủ đầu tư, truy thu hàng ngàn tỉ đồng về cho NSNN.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy