Theo kế hoạch, ngày 13-3 Công ty Cổ phần BOT cầu Việt Trì sẽ đặt ụ bê tông tại cầu Việt Trì để cấm ô tô lưu thông. Tuy nhiên, cuộc họp ngày 12-3 giữa người dân, UBND phường Bạch Hạc (TP Việt Trì, Phú Thọ) và Công ty Cổ phần BOT cầu Việt Trì (nhà đầu tư cầu Hạc Trì) đã không tìm được tiếng nói chung.
Không chỉ vì tiền
Anh Nguyễn Thành (một người dân) cho biết khi cầu Việt Trì hoàn thành, Nhà nước lập trạm thu phí để hoàn vốn. Mấy chục năm qua người dân nơi đây phải còng lưng đóng tiền để được qua cầu. Sau khi hoàn vốn, xóa trạm thu phí, khoảng 6-7 năm trở lại đây người dân được đi trên cầu này miễn phí. “Vì vậy việc đột ngột ngăn cấm xe ô tô qua cầu khiến người dân rất bức xúc. Họ bỏ tiền ra bao nhiêu năm mong đến ngày được hưởng lợi nhưng chưa được lâu thì ngăn cấm là quá thiệt thòi cho dân...” - anh Thành nói.
Theo anh Thành, anh sống ở phía bắc cầu Hạc Trì nhưng thường xuyên đi qua TP Việt Trì để buôn bán, đưa con đi học. “Với mức phí thấp nhất là 35.000 đồng/lượt thì mỗi tháng tôi mất hơn 2 triệu đồng tiền phí...” - anh Thành nói.
Bức xúc về việc cấm xe qua cầu Việt Trì, anh Hoàng Hùng cho rằng không hẳn toàn thể người dân Bạch Hạc sợ phải đóng phí mà do đi cầu Hạc Trì vào TP quá xa. “Đi lên cầu Hạc Trì vào TP mất 7 km, trong khi đi cầu Việt trì chỉ 2 km. Vì vậy ngày 4-3, khi công ty BOT đặt ụ bê tông ngăn xe ô tô khiến việc đi lại, chở người bệnh cấp cứu phải đi một quãng đường khá xa. Nếu rút ngắn thời gian thì không mất thời gian vàng để cứu nạn nhân…” - anh Hùng phân tích.
Anh Hùng cũng cho rằng nếu cấm ô tô đi qua cầu Việt Trì sẽ kéo theo đời sống của người dân vô cùng khó khăn vì việc giao thương với TP Việt Trì bị hạn chế. “Như đợt chặn ô tô vừa qua, hàng loạt xe taxi từ chối sang Bạch Hạc đón khách. Họ cho rằng nếu sang Bạch Hạc đón sẽ mất 35.000 đồng/lượt vé, nếu đón được khách là may, trường hợp không đón được khách họ phải quay về, mất tổng cộng 70.000 đồng tiền vé, thà không đi còn hơn...” - anh Hùng nói.
Để giải quyết những khó khăn trên, anh Trần Chung cho rằng nếu Nhà nước bảo cầu không đảm bảo thì nên ngăn xe tải vì xe tải có trọng lượng lớn nhưng ô tô con vẫn cho lưu thông. “Công ty BOT chỉ cần đặt một cổng hạn chế chiều cao thì không xe tải nào qua được, đó là cách tốt nhất và hợp lý nhất...” - anh Chung nêu ý kiến.
Dù đặt biển cấm ô tô nhưng nhiều phương tiện vẫn lưu thông qua cầu Việt Trì. Ảnh: V.LONG
Mỗi ngày mất 100 triệu đồng
Ông Việt Bằng Phi, Giám đốc điều hành Công ty CP BOT cầu Việt Trì, giải thích mức hỗ trợ tối đa của nhà đầu tư được phê duyệt là 80% đối với xe từ bảy chỗ trở xuống cho người dân Bạch Hạc. Với mức phí này, mỗi tháng người dân chỉ mất 210.000 đồng/tháng (vé tháng), trung bình mỗi ngày mất 7.000 đồng, đối với người có ô tô đây không phải mức cao. “Nếu muốn vượt mức này thì chúng tôi phải trình các cơ quan có thẩm quyền cao hơn để xem xét...” - ông Phi nói.
Cũng theo ông Phi, BOT cầu Hạc Trì hiện thu khoảng 200 triệu đồng/ngày, nếu cấm xe qua cầu Việt Trì sẽ tăng doanh thu lên 300 triệu đồng/ngày. Như vậy, hiện nay việc các xe ô tô trốn trạm thu phí khiến công ty mất 1/3 doanh thu. Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn vốn cho dự án. Vì doanh thu phải đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư, tức khoảng 11 tỉ đồng/tháng nhưng hiện nay chỉ 6-7 tỉ đồng/tháng, với mức thu này khó để trả lãi suất vay ngân hàng để đầu tư dự án.
“Ngoài ra, cầu Việt Trì hiện nay đang xuống cấp, nếu chỉ tàu hỏa qua thì không sao nhưng gặp tàu hỏa và nhiều loại xe qua cầu cùng lúc thì rất nguy hiểm. Nên bà con gắng đi xa chút để đảm bảo an toàn…” - ông Phi nói.
Trong khi đó, ông Lê Thế Thắng, Chủ tịch UBND phường Bạch Hạc, TP Việt Trì (Phú Thọ), cho rằng để người dân chấp nhận thì phải hài hòa lợi ích của các bên. Người dân không đồng tình việc giảm giá vé 80% vì trước Bộ GTVT đã có văn bản nêu rõ: “BOT cầu Việt Trì xét cấp vé miễn phí qua cầu Hạc Trì cho người dân phường Bạch Hạc sang TP Việt Trì làm việc và chiều ngược lại...”. Tuy nhiên, cuộc họp trước đây người dân không biết có công văn này nên đồng ý miễn phí 80%, giờ họ không chấp nhận với mức giảm này nên cần phải có nhiều cuộc họp nữa để tìm ra được tiếng nói chung, lúc đó mới thực hiện cấm ô tô qua cầu Việt Trì.
Chọn phương án phân làn, cấm ô tô qua cầu Việt Trì Trước đó, sáng 4-3, người dân sinh sống trên địa bàn phường Bạch Hạc, TP Việt Trì (Phú Thọ) tập trung tại Trạm thu phí BOT cầu Hạc Trì phản đối việc nhà đầu tư cầu Hạc Trì đổ trụ bê tông, ngăn ô tô đi vào cầu Việt Trì. Người dân cho rằng việc này là ép ô tô đi vào cầu Hạc Trì để thu phí. Tuy nhiên, Bộ GTVT khẳng định cầu Việt Trì được xây dựng từ lâu, dùng chung cho đường sắt và đường bộ. Nhiều năm qua cầu Việt Trì thường phải nâng cấp. Việc xây thêm cầu Hạc Trì cũng nhằm thay thế cầu Việt Trì vì năng lực cầu Việt Trì có giới hạn, sửa chữa tốn kém. Tháng 9-2015, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ thuê tư vấn kiểm định cầu Việt Trì. Kết quả cho thấy cầu Việt Trì chỉ có khả năng đảm bảo cho tàu hỏa đi qua, hai bản đường bộ chạy xe hai bên cầu đã rất yếu. Bộ GTVT yêu cầu Công ty TNHH MTV Đường sắt Vĩnh Phú đưa ra hai phương án là nâng cấp cầu Việt Trì nếu để ô tô đi qua hoặc sẽ chỉ cho xe máy và xe sửa chữa, duy tu đường sắt lưu thông, ô tô đi qua cầu Hạc Trì. Do không có kinh phí nâng cấp cầu Việt Trì nên tỉnh Phú Thọ đồng ý phương án phân làn, cấm ô tô qua cầu Việt Trì. Cầu Hạc Trì có tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỉ đồng. Dự án do liên danh nhà đầu tư Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - CTCP (CIENCO 1) - Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh (Yên Khánh) - Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn - Bộ Quốc phòng (Thái Sơn) (liên danh Cienco1 - Yên Khánh - Thái Sơn) thực hiện theo hình thức BOT. Cầu được khánh thành vào 19-5-2015 và thu phí hoàn vốn từ 7-12-2015. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến là 20 năm tám tháng. |