Ngày 5-8, TAND quận Thanh Khê (Đà Nẵng) xử sơ thẩm đã tuyên phạt Lê Thị Ngọc Mai (sinh năm 1980) bảy năm tù về tội cướp tài sản.
Điều đáng nói là người bị hại trong vụ án này lại chính là người tình của chính bị cáo, chính anh này đã tố cáo ra công an sau khi xảy ra sự việc. Vì vậy, vụ án còn có điều thiếu thuyết phục trong việc quy kết hành vi của bị cáo là cướp tài sản. Chính kiểm sát viên (KSV) giữ quyền công tố tại tòa cũng phải thốt lên rằng: “Tôi rất áy náy và cắn rứt…”.
Vụ cướp phi logic
Theo cáo trạng, Mai và Trần Ngọc Ngữ (sinh năm 1961) có quan hệ tình cảm với nhau. Tối 8-10-2013, Mai đến xưởng sản xuất than nơi ông Ngữ làm việc. Tại đây, Ngữ đang nhậu với một người bạn, sau khi người bạn ra về, Mai và Ngữ trò chuyện và xảy ra mâu thuẫn, Mai dùng tay đánh anh Ngữ nhiều cái.
Sau đó, thấy Ngữ đeo một sợi dây chuyền vàng nên Mai nảy sinh ý định chiếm đoạt. Mai dùng tay giật sợi dây chuyền bỏ vào túi. Tiếp đó, Mai lấy hai con dao đưa vào gần cổ Ngữ khống chế, yêu cầu Ngữ tháo nhẫn vàng đang đeo trên tay đưa cho Mai. Do không có khả năng tự vệ nên Ngữ đã đưa nhẫn cho Mai và sáng hôm sau đi trình báo công an.
Tại cơ quan điều tra, ban đầu Mai thừa nhận hành vi phạm tội đúng như tố cáo của bị hại và cho rằng cầm tài sản này là để bù đắp những tổn thương về mặt tình cảm. Tuy nhiên, sau đó Mai phản cung cho rằng mình không hề có hành vi cướp tài sản.
Bị cáo Lê Thị Ngọc Mai tại tòa. Ảnh: DH
Tình huống “phạm tội”
Tại tòa, Mai liên tục bật khóc vì cho rằng việc vướng vào vòng lao lý là do tình cảm nông nổi của mình mà ra. Mai cho rằng ban đầu nghĩ Ngữ chưa có vợ nên mới nảy sinh tình cảm. Sau khi biết Ngữ có vợ con và không thể đến với mình nên Mai nhiều lần muốn chấm dứt tình cảm nhưng vẫn cứ lướng vướng. Tuy nhiên, sau nhiều lần do dự, Mai quyết định chia tay để tìm một người chồng có danh có phận đàng hoàng.
Quay lại nội dung vụ việc, Mai thừa nhận hôm đó có tát vào mặt Ngữ hai cái và dùng dao kề vào cổ Ngữ nhưng không phải để lấy tài sản mà vì quá bức xúc chuyện Ngữ xúc phạm mình. “Sự việc xảy ra là do anh Ngữ biết bị cáo sắp có chồng nên cả hai xảy ra cãi vã. Anh Ngữ xúc phạm bị cáo là đồ “giáo viên thấp cấp”. Bị cáo nghĩ rằng đây là sự xúc phạm mình nên có tát vào mặt anh Ngữ và kề dao vào cổ yêu cầu anh Ngữ xin lỗi và rút lại câu nói này”.
Riêng sợi dây chuyền và chiếc nhẫn thì Mai cho rằng do Ngữ tự đưa vì muốn Mai không kết hôn với người khác mà tiếp tục quan hệ tình cảm với Ngữ. “Anh Ngữ nói: “Em đừng kết hôn nữa, kết hôn chắc gì họ đã thương em. Anh sẽ lo cho em và con”. Sau đó anh Ngữ bảo về đi mai nói chuyện. Hôm sau, tôi cầm nhẫn và dây chuyền sang chỗ anh Ngữ nhưng không có anh ở đó. Lúc đó đã đến giờ tôi đi dạy kèm nên tôi đi dạy luôn. Đang dạy thì công an gọi điện thoại, lúc này tôi mới biết là anh Ngữ đã báo công an tố cáo tôi” - Mai khai.
“Có chăng là phạm tội cưỡng đoạt tài sản”
Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng có chăng bị cáo chỉ phạm tội cưỡng đoạt tài sản. Luật sư dẫn bút lục trong hồ sơ vụ án thể hiện bị hại khai tại CQĐT như sau: “Trong quá trình xảy ra mâu thuẫn, tôi bị Mai tát hai cái vào mặt và làm sợi dây chuyền rớt ra. Lúc này, Mai bỏ vào túi. Tiếp đó, Mai lấy con dao kề vào cổ và yêu cầu tháo nhẫn ra, tôi nói cổ (cô ấy) cầm đi, mai nói chuyện…”. Theo luật sư, lời khai trên chứng tỏ việc Mai cầm tài sản của bị hại chỉ là do nhất thời. Hai người có quan hệ tình cảm lâu năm, đã có quan hệ thể xác với nhau nên việc Mai bức xúc do bị xúc phạm và cầm tài sản cũng chỉ để bù cho những tổn thất của mình.
Thêm vào đó, luật sư cho rằng khi kề dao vào cổ, do sợ gây thương tích cho nạn nhân nên bị cáo chỉ dùng sống dao kề phía bên ngoài cổ áo chứ không chĩa lưỡi dao vào cổ bị hại. Mặt khác, bị cáo khống chế Ngữ yêu cầu đưa tài sản nhưng Ngữ hoàn toàn vẫn có ý thức, hoàn toàn có thể kêu cứu (vì đang ở nhà xưởng có bảo vệ). Việc bị hại đưa tài sản cho bị cáo không phải vì sợ nguy hại cho tính mạng mà vì không muốn mọi người biết mối quan hệ bất chính của mình nên đã không kêu cứu. Từ đó những phân tích trên, luật sư cho rằng bị cáo chỉ khống chế bị hại về mặt tinh thần chứ không phải thân thể.
Tranh luận, đại diện VKS cho rằng vụ án này xuất phát từ mối quan hệ bất chính của bị cáo với người đàn ông đã có vợ. Ở đây, tuy bị cáo không hề có ý định cướp từ trước nhưng do mâu thuẫn phát sinh nên bất ngờ nảy sinh ý định phạm tội. Việc bị cáo dùng dao dù là phía sống dao hay lưỡi dao thì cũng đều là dùng hung khí để uy hiếp. Nếu hành vi chỉ dừng lại ở đây thì không có gì để nói nhưng sau đó bị cáo tiếp tục lấy tài sản của bị hại mang đi. Vì vậy, hành vi của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội cướp. Trước đó, đại diện VKS đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo mức án từ bảy đến tám năm tù.
Về phần mình, bị cáo Mai liên tục kêu oan vì cho rằng mình có khống chế, có dùng vũ lực nhưng chỉ để Ngữ xin lỗi vì đã xúc phạm mình chứ không phải để lấy tài sản. Mai còn cho rằng nếu muốn lấy tài sản thì có nhiều cơ hội khác chứ không phải trong tình huống này. Đó là những lần Ngữ nhờ Mai đi thanh toán cả trăm triệu đồng ở ngân hàng nhưng chưa bao giờ Mai làm mất một đồng.
Trước khi nói lời sau cùng, Mai quay về phía Ngữ nói: “Nếu anh còn chút tình cảm và lương tâm thì hãy nói một câu thật lòng mình đi để HĐXX còn biết rõ nội tình mà xử lý vụ án”. Nói rồi, Mai bặm chặt môi. Đáp lại, người bị hại trả lời mọi lời khai đã có trong hồ sơ vụ án rồi, anh ta không có gì để nói.
Sau khi nghị án, HĐXX cho rằng dù bị cáo không hề có ý định chiếm đoạt tài sản của bị hại từ trước nhưng ngay thời điểm nảy sinh mâu thuẫn bị cáo đã có ý định chiếm đoạt tài sản. Và thực tế bị cáo đã dùng vũ lực khống chế để lấy tài sản của bị hại nên đủ yếu tố cấu thành tội cướp tài sản. Tòa xét tuy bị cáo không ăn năn hối cải, không thành khẩn khai báo nhưng có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng nên tuyên mức án bảy năm tù.
DƯƠNG HẰNG
Từng có vụ na ná Vợ chồng ông Nguyễn Thanh Cần đang giận nhau nhưng vẫn ở cùng một nhà. Ngày 20-5-2012, do cần tiền nhưng vợ không chịu đưa nên canh lúc vợ vắng nhà, ông Cần cưa két sắt lấy tiền và vàng (tổng trị giá hơn 1 tỉ đồng) đem đi chôn giấu. Khi vợ hỏi, ông Cần nói không biết nên vợ đi báo công an. Qua điều tra, công an kết luận chính ông Cần là người đã lấy tiền. Ông Cần thừa nhận và ra sau vườn cao su đào lấy tài sản lên. Sau đó, cơ quan tố tụng tỉnh Tây Ninh đã xử lý ông Cần về tội trộm cắp tài sản. Ngày 19-8-2012, TAND tỉnh Tây Ninh tuyên phạt ông Cần bảy năm tù. Sau khi báo Pháp Luật TP.HCM liên tục có bài phân tích, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao đã tuyên hủy án sơ thẩm với lý do cần phải làm rõ số tài sản tang vật có bao nhiêu phần của ông Cần. Đầu tháng 7-2013, TAND tỉnh Tây Ninh xử sơ thẩm lần thứ hai đã bác truy tố của VKS, tuyên bố ông Cần không phạm tội trộm cắp tài sản. Theo tòa, tài sản bị trộm là tài sản chung của vợ chồng nhưng cơ quan điều tra không chứng minh được ông Cần có bao nhiêu tài sản trong đó. VKSND tỉnh Tây Ninh kháng nghị theo hướng hủy toàn bộ bản án. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 9-10-2013, đại diện VKS cấp trên đã rút kháng nghị của VKSND tỉnh Tây Ninh. Từ đó,Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã đình chỉ vụ án này, tuyên bố ông Cần vô tội. H.TÚ Hành vi của bị cáo không đáng nhưng… Tôi đã từng yêu cầu cơ quan điều tra không khởi tố vụ án này vì thấy hành vi của bị cáo không đáng. Nhưng khi cơ quan điều tra khởi tố, thu thập hồ sơ chuyển sang thì tôi phải đề nghị phê chuẩn vì có đủ yếu tố cấu thành tội cướp. Dù đề nghị phê chuẩn vụ án và đề nghị mức án đối với bị cáo như vậy nhưng thật lòng tôi rất áy náy và cắn rứt lương tâm vô cùng. Nhưng biết sao được, hành vi của bị cáo là quá rõ ràng... Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa Tôi đã đặt tình cảm nhầm chỗ! Tình cảm của tôi đã đặt nhầm chỗ! Nếu quay lại, tôi đã không yêu một người như vậy, một người sẵn sàng đưa người từng tình cảm mặn nồng với mình vào vòng lao lý. Tòa tuyên tôi có tội với mức án như vậy khiến tôi chết mất. Tôi có thể chết nhưng không thể mang cái tội ghê gớm thế này. Sự nghiệp, tương lai, nghề nghiệp của tôi rồi sẽ chẳng còn gì nữa. Tôi sẽ kháng cáo để tòa cấp trên xem xét… Bị cáo LÊ THỊ NGỌC MAI |