Trẻ em bây giờ thích nhạc ngoại, nhạc già

Các tuyển tập âm nhạc cũng chỉ xào đi xào lại những bài hát cũ, có cài cắm vài bài mới thì các bài mới cũng không đi vào đời sống. Thiếu ca khúc dành cho tuổi hồng, các em ngả sang hát và nghe nhạc Hàn, nhạc Tây và hát cả những bài già hơn lứa tuổi…

Đây là đánh giá chung của các đại biểu tại Hội thảo khoa học Ca khúc cho nhà trường phổ thông hiện nay - thực trạng và giải pháp (tổ chức tại Hà Nội, ngày 24-5). Hội thảo do ĐH Sư phạm nghệ thuật trung ương và Hội Âm nhạc Hà Nội phối hợp tổ chức với sự tham gia của nhiều nhạc sĩ, nhà giáo tâm huyết.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đánh giá việc dạy âm nhạc trong nhà trường hiện nay còn quá khô cứng. Ông nói: “Tại sao cứ phải dạy đồ-rê-mi-fa-son ở tất cả các trường? Trường ở Tây Nguyên, ở Nam Bộ hay ở đồng bằng Bắc Bộ, các em phải được học khác nhau vì chúng ta có một kho tàng dân ca các vùng miền quý hóa vô cùng. Việc dạy nhạc phải giúp các em có được tình yêu giai điệu, phải phong phú, vui tươi chứ không phải là một cô giáo mang cái đàn organ điện tử đến các lớp cắm điện vào, ngồi đàn vài nốt...”.

Cô Đào Khánh Ly, giáo viên dạy nhạc Trường THCS Việt Nam - Algeria (Hà Nội), phân tích: “Nhu cầu thì cao mà không được đáp lại nên các em quay sang nghe, hát nhạc người lớn, đặc biệt là nhạc của các nước như Hàn, Trung Quốc, Nhật, Anh, Mỹ… Điều này khiến các em già đi rất nhiều so với độ tuổi”.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên cho rằng chuyện các em thích những ca khúc nước ngoài chẳng có gì sai nhưng đáng lo là những ca khúc pha tiếng Anh giữa lời Việt theo kiểu bà xã anh number one, number one, number one… Cứ đà này thì con cháu chúng ta không hát tốt bằng tiếng Việt được nữa và thị hiếu âm nhạc sẽ rất tồi!” - ông nói.

BẢO PHƯỢNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm