“Đừng nói bản đồ gốc quy hoạch chung khu đô thị (KĐT) mới Thủ Thiêm không còn giá trị vì đã có quy hoạch mới thay thế, bởi quy hoạch sau có được là do điều chỉnh quy hoạch cũ nên cần có nó để đối chứng. Tuy nhiên, tôi và một số bà con có đủ cơ sở chứng minh đất của chúng tôi không nằm trong ranh dự án” - ông Lê Văn Lung (ngụ số 9 Trần Não, phường Bình An), người có nhà, đất bị thu hồi giải tỏa trong dự án, nói.
Chưa từng được cho xem bản đồ gốc
. Phóng viên: Tại sao người dân liên quan dự án KĐT mới Thủ Thiêm muốn có bản đồ gốc quy hoạch KĐT Thủ Thiêm? Bản đồ này có ý nghĩa gì với ông và mọi người?
+ Ông Lê Văn Lung: Lúc đầu chúng tôi không quan tâm đến dự án này vì nhà chúng tôi nằm trong khu dân cư thuộc ba phường An Khánh, Bình An, Bình Khánh không triển khai dự án.
Năm 2002, khi Phó Thủ tướng có quyết định cho phép UBND TP thu hồi 930 ha đất tại bốn phường An Khánh, Bình An, Bình Khánh và An Lợi Đông theo Quyết định 367/1996 để làm KĐT này, chúng tôi cũng cho rằng mình không phải là đối tượng bị thu hồi nhà, đất. Bằng chứng thêm nữa là khu cư xá Công Nhân trong khu dân cư vẫn được bán hóa giá trong giai đoạn 2000-2003, tức là không bị nằm trong ranh quy hoạch nên mới được giải quyết.
Đến năm 2004-2005, các cơ quan chức năng đến đòi đo vẽ để thu hồi đất nên chúng tôi phải tìm hiểu nhà mình có thuộc dự án hay không. Trích lục được bản đồ quy hoạch chung quận 2 tháng 12-1998 (được duyệt sau khi đã có quy hoạch chi tiết 1/2.000 của KĐT mới Thủ Thiêm ba tháng), chúng tôi thấy nhà của chúng tôi được quy hoạch là khu dân cư hiện hữu liền kề KĐT mới Thủ Thiêm, tức không nằm trong ranh dự án.
Tuy nhiên, phía quận giải thích rằng đây là quy hoạch chung của quận, chỉ mang tính chất định hướng của quận 2, không phải quy hoạch của KĐT mới Thủ Thiêm. Vì vậy, chúng tôi đòi công khai quy hoạch theo Quyết định 367 của Thủ tướng, trong đó có bản đồ. Thế nhưng đến năm 2009, TP có kết luận thông báo bản đồ đã bị lạc mất. Từ khi khiếu nại, tố cáo đến nay, chúng tôi chưa từng được các cơ quan chức năng cho xem bản đồ quy hoạch này.
Ông Lê Văn Lung bên những chứng cứ tố cáo nhà, đất của ông ở Thủ Thiêm bị giải tỏa không đúng quy định. Ảnh: CẨM TÚ
. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia về quy hoạch, dù có hay không bản đồ gốc thì cũng không có ý nghĩa, không liên quan đến bức xúc của người dân là vấn đề bồi thường. Bởi quy hoạch theo Quyết định 367 (cùng bản đồ) đã được thay thế bằng quy hoạch mới do TP điều chỉnh (bằng Quyết định 6565) sau khi có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng. Do đó việc thực hiện dự án, thu hồi, bồi thường phải theo quy hoạch mới. Ông có ý kiến gì?
+ Nói như vậy là không đúng. Quy hoạch mới được thực hiện trên nền quy hoạch cũ. UBND TP thực hiện việc “điều chỉnh quy hoạch” từ quy hoạch của Thủ tướng, không phải là duyệt một quy hoạch hoàn toàn mới không liên quan. Nếu không có bản đồ gốc để đối chiếu thì làm sao biết được quy hoạch mới điều chỉnh nội dung gì, thực tế có làm đúng hay không.
Vấn đề chúng tôi cần biết là ranh giới dự án ở đâu, tại sao nhà chúng tôi không nằm trong ranh quy hoạch ban đầu lẫn quy hoạch được điều chỉnh năm 2005 nhưng lại bị thu hồi, giải tỏa?
Không cần bản đồ gốc vẫn đủ tài liệu chứng minh
.Mới đây, cựu Chủ tịch UBND TP Võ Viết Thanh đã xác nhận có 12 bản đồ liên quan đến quy hoạch chung 1/5.000 của KĐT mới Thủ Thiêm theo Quyết định 367/1996 của Thủ tướng và chính ông Thanh là người đang giữ. Ông Thanh cho rằng các bản đồ này còn lưu giữ rất nhiều tại các cơ quan. Tuy nhiên, người dân không đồng tình mà đòi bản đồ có chữ ký của Thủ tướng. Trong khi về mặt thủ tục hành chính thì Thủ tướng không ký trên các bản đồ này mà chỉ ký quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch. Ông có ý kiến gì?
+ Vụ mất bản đồ đã được thông tin nhiều năm nay, TP và các sở, ngành cho hay đi tìm khắp nơi mà không có. Ông Thanh cho hay người dân đòi bản đồ phải có chữ ký của Thủ tướng nên không đồng ý các bản đồ này, tôi xin có ý kiến một chút.
Cứ cho là người dân không hiểu biết nên đòi chưa đúng nhưng tất cả cơ quan chức năng từ UBND TP, Sở QH-KT… không lẽ cũng không hiểu quy định trên khi cho đi tìm bản đồ bao nhiêu năm qua và trả lời nhiều lần không tìm thấy hoặc không có bản đồ.
. Nếu không có bản đồ gốc theo Quyết định 367 thì có chứng minh được cơ sở của các khiếu nại, tố cáo của ông và một số hộ dân về dự án Thủ Thiêm không?
+ Thực ra ngoài bản đồ gốc của quy hoạch chung KĐT Thủ Thiêm năm 1996 thì còn nhiều tài liệu, chứng cứ khác hoàn toàn có thể chứng minh được ranh đất của dự án KĐT Thủ Thiêm ở đâu và trường hợp chúng tôi có nằm trong dự án này hay không. Điển hình như bản đồ của quy hoạch các khu vực không được bán hóa giá nhà do UBND TP phê duyệt vào tháng 1-1998; bản đồ quy hoạch chung theo Quyết định 6577 của UBND quận 2 vào tháng 12-1998 (đã xác định nhà chúng tôi thuộc quy hoạch khu dân cư hiện hữu liền kề). Nhà chúng tôi chính là thuộc khu dân cư này, thế nhưng lại bị thu hồi đất.
Quy hoạch chung của quận 2 có sau quy hoạch 1/2.000 của KĐT Thủ Thiêm và tại Điều 3 Quyết định 6577 của UBND quận 2 nói rõ: “Các đồ án quy hoạch chi tiết, các dự án đã được nghiên cứu, pháp lý hóa trước đây nay không phù hợp (toàn bộ hay cục bộ từng phần) cần phải được điều chỉnh bổ sung đầy đủ theo quy hoạch chung được duyệt”. Nói cách khác, ranh giới quy hoạch KĐT Thủ Thiêm và khu dân cư của chúng tôi đã được cập nhật pháp lý hóa tại quy hoạch chung của quận 2. Từ khi có được hai bản đồ này, tôi không cần bản đồ của Quyết định 367 (mà chúng ta gọi là bản đồ gốc) nữa. Tuy nhiên, một số bà con khác thì vẫn yêu cầu có bản đồ để chứng minh các khiếu nại, tố cáo.
Xin nhấn mạnh một điều này: Chúng tôi không khiếu nại việc bồi thường mà chỉ muốn làm rõ việc bị giải tỏa không đúng quy định, ngoài ranh giới thu hồi đất của dự án KĐT Thủ Thiêm.
. Xin cám ơn ông.
20 năm và 1 ngày ở Thủ Thiêm Từ quận 1 sang quận 2 (TP.HCM) chỉ cách nhau một con sông Sài Gòn, qua một cái hầm Thủ Thiêm dài chưa đầy 1,5 cây số. Nhưng phải mất gần 20 năm, người dân bị giải tỏa và đại biểu Quốc hội cùng chính quyền mới gặp nhau. Trước khi có cuộc gặp này, họ đã làm một cuộc đi vòng ra thủ đô ăn dầm nằm dề biết bao nhiêu năm tháng, thậm chí có luôn cả một “làng Thủ Thiêm” ở thủ đô Hà Nội, để đi tìm tận cùng chân lý. Đến hôm nay, sau vụ mất bản đồ quy hoạch 1/5.000 ầm ĩ mới có cuộc gặp này. Người dân Thủ Thiêm mới được dịp bày tỏ những uất ức và cả những bế tắc, bi đát trong gần 20 năm khổ sở, nhếch nhác ngay trên mảnh đất của mình. Thủ Thiêm, nhà họ đó, nơi mỗi mét vuông đất chỉ được bồi thường có 150.000 đồng, chỉ mua được bốn tô phở bình dân, để rồi sau khi giải tỏa xong thì mỗi mét vuông đất có giá 350 triệu đồng! Câu chuyện Thủ Thiêm đã dạy cho người dân Thủ Thiêm quá nhiều điều mà có lẽ họ chẳng bao giờ mong muốn đánh đổi quá nhiều thứ để học được những bài học mà chính họ cảm thấy thấm thía và đau đớn nhất trong cuộc đời. Những người dân có mặt hôm kia (9-5) đều là các cô bác đầu hai thứ tóc, đã ở cái tuổi gần đất xa trời. Nếu không bị lâm vào cảnh nghiệt ngã mấy chục năm qua, có lẽ giờ này họ đang sum vầy bên con cháu với một tương lai rạng rỡ chứ không phải đếm từng giây phút để cuộc họp hôm nay diễn ra. Cho dù họ có bức xúc, gào thét thì trên gương mặt của họ vẫn còn những nét chất phác, hồn hậu của những nông dân chính gốc Thủ Thiêm. Họ chính là cư dân lẽ ra phải là người đầu tiên được hưởng những giá trị mà Thủ Thiêm mang lại sau khi đã nhường hết đất đai cho sự phát triển của Thủ Thiêm và cả TP này. Đó mới là đạo lý! VIỆT HOA |