Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang lấy ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định về việc điều chỉnh lương hưu cho số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021.
Theo đó, dự thảo Nghị định quy định mức điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1-1-2018 đến ngày 31-12-2021 và có mức lương hưu thấp hơn so với người có cùng số năm đóng BHXH bắt đầu hưởng lương hưu trong năm 2017.
Tỉ lệ điều chỉnh lương hưu đang được lấy ý kiến.
Đây cũng là phương án nhằm bảo đảm hài hòa với lộ trình điều chỉnh cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu của nam giới bắt đầu hưởng lương hưu tại cùng thời điểm.
Dự thảo quy định mức điều chỉnh như sau: Lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1-1-2018 đến ngày 31-12-2021, thời gian đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng đóng BHXH sẽ được điều chỉnh tăng lương hưu thêm một khoản tiền được tính tỉ lệ từ 0,27% tới 12,31 %.
Với lao động nữ nghỉ hưu trong giai đoạn từ 1-1-2018 đến ngày 30-6-2018, sau khi được điều chỉnh lương hưu theo quy định tại Nghị định số 88/2018/NĐ-CP về điều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng thì tiếp tục được điều chỉnh lương hưu theo dự thảo này.
Đối với lao động nữ đã nghỉ hưu trong giai đoạn từ ngày 1-1-2018 đến trước ngày được điều chỉnh lương hưu theo quy định trên được truy lĩnh phần lương hưu được điều chỉnh tăng thêm trong khoảng thời gian từ tháng bắt đầu hưởng lương hưu tới tháng liền kề tháng được điều chỉnh lương hưu.
Mức lương hưu sau khi điều chỉnh theo quy định Nghị định này là căn cứ để tính điều chỉnh ở những lần điều chỉnh lương hưu tiếp theo theo quy định tại Điều 57 Luật BHXH.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, để thực hiện theo phương án điều chỉnh nêu trên, giai đoạn từ 2018 đến 2021, mỗi năm sẽ phát sinh thêm nhu cầu kinh phí cụ thể như sau: Năm 2018 là 27,8 tỉ đồng; năm 2019 là 23,7 tỉ đồng; năm 2020 là 18,1 tỉ đồng và năm 2021 là 10,3 tỉ đồng. Tổng cộng khoảng 80 tỉ đồng.
Theo quy định Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1-1-2018, để đạt tỉ lệ hưởng tối đa 75% thì lao động nữ đủ 55 tuổi, nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018 trở đi phải đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tối đa 75% (hiện nay chỉ cần đủ 25 năm). Đối với lao động nam, nghỉ hưu năm 2018 phải đủ 31 năm đóng BHXH, nghỉ năm 2019 phải đủ 32 năm, nghỉ năm 2020 phải đủ 33 năm, nghỉ năm 2021 phải đủ 34 năm và nghỉ từ năm 2022 trở đi phải đủ 35 năm đóng BHXH mới được hưởng tỉ lệ tối đa là 75% (hiện nay chỉ cần đủ 30 năm). Như vậy, việc điều chỉnh tỉ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam có lộ trình trong năm năm, còn lao động nữ thì không có lộ trình. Theo BHXH Việt Nam, năm 2018 có khoảng 50.000 lao động nữ nghỉ hưu đúng tuổi 55 (chưa tính số lao động nghỉ hưu trước tuổi) và cách tính lương hưu mới sẽ tác động đến khoảng 21.000 lao động nữ (chiếm 43%). Trong đó có 4.000 người bị giảm lương hưu 5%-10%. |