Người giàu có không chỉ là câu chuyện về tích lũy, chiếm hữu tiền bạc, người giàu có còn ở thái độ với tiền bạc. Hai nhân vật trong hai câu chuyện liên quan đến trả lại tiền bạc xuất hiện trên truyền thông những ngày gần đây đích thực là những người giàu có.
Vinh dự cho gia đình, dòng tộc
Câu chuyện về anh sinh viên Vũ Huy Cảng, chạy Grab Bike ở Hà Nội, đã tích cực hết sức tìm kiếm danh tính và trả lại 320 triệu đồng cho người khách bắt xe dọc đường bỏ quên bọc tiền trong cốp xe đã gợi ra nhiều tranh cãi. Tranh cãi cũng không có gì lạ, khi phần lớn niềm tin vào sự giàu có tử tế đang bị bào mòn và câu chuyện từ ban đầu đã có nhiều điểm khúc mắc về kỹ thuật.
Câu chuyện đã được làm rõ, những xác tín đã khiến nhiều người gỡ bỏ những chỉ trích, sự gỡ bỏ ấy có hàm chứa một chút thay đổi. Niềm tin đã được nhen trở lại, dẫu chưa tròn đầy nhưng rất đẹp, rằng vẫn còn đó những người trung thực, lẩn khuất và bé nhỏ chung quanh ta, rằng những câu chuyện khuôn mẫu trong sách đạo đức không hẳn đã tuyệt diệt trong đời sống.
Anh Cảng đã bỏ cả một ngày công chạy xe, ngược xuôi trên đường, đến ngân hàng, vào công an chỉ để tìm cho ra chủ nhân số tiền ấy với nỗi lo mơ hồ “có thể người ấy vì mất số tiền này mà phải vào vòng lao lý”. Đến 12 giờ đêm, cuối cùng số tiền cũng về tay người chủ, anh này cho biết đó là số tiền công thợ mà anh phải trả, tức nhiều gia đình, nhiều đứa trẻ đang trông ngóng phần sống từ số tiền ấy.
Để xóa mất dấu tích của mình khi phát hiện ra số tiền khách để quên trong cốp xe không phải là điều khó khăn; gỡ ứng dụng, đổi số điện thoại và im lặng là… có thể an toàn. Có thể thôi, vì ai lại đi tìm một người lái xe ôm ngoắc đại trên phố cho nổi! Thế nhưng anh Cảng đã làm điều ngược lại, vì như cha anh đã nói: “Con trả lại số tiền ấy là vinh dự cho dòng họ, ông bà mình”.
Anh sinh viên Vũ Huy Cảng ở Hà Nội (ảnh trái) và anh Võ Quang Bình (bìa trái, ảnh phải) - thợ sửa khóa trả lại ví tiền cho người đánh mất. Ảnh: TTO và danviet.vn
Hai hướng đi ngược chiều
Nếu hình dung có hai hướng đi ngược chiều thì ta sẽ thấy có hai hình ảnh đối lập. Một hướng thấy biệt phủ hàng trăm tỉ đồng, thấy những con sông ô nhiễm, thấy những công trình bị đục ruỗng từ bên trong, thấy những bé thơ nheo nhóc… Đó là sự giàu có bất chấp, sự tích trữ chiếm hết phần của cộng đồng, của tương lai. Đã nhiều năm người ta nói đến sự giàu có theo kiểu bất chấp phương tiện đạt được. Đấy là giàu có bằng những cú áp phe trên sức khỏe của người dân, trên sự bất công và sự bẻ cong công lý.
Ở hướng đi ngược lại là hướng đi của anh Cảng, cái hướng đi mà lòng tham (nếu có, vì có cũng là điều bình thường) chưa nhen lên thì đã bị sự tử tế áp đảo, thôi thúc anh phải tìm cho ra người để quên tiền để trả lại. Dù anh Cảng phải ở trong căn nhà trọ 10 m2 nhưng anh nhìn thấy rất rõ ràng, rằng sự vinh dự khi được làm người tử tế, trung thực là sự vinh dự không tiền bạc nào mua được.
Hai hướng đi ngược chiều, đối lập nhau của cái sự giàu: Hướng giàu có về sự vinh dự, sự trung thực và lòng tử tế và hướng kia là giàu có bằng tiền tài phi pháp, bất chấp đạo lý.
Một xã hội phát triển đúng nghĩa sẽ là xã hội có nhiều người trung thực, tử tế và giàu lòng tự trọng. Đó là những người hiểu của cải được làm ra bằng sức lao động, bằng chuyên môn của mình mới là điều bền vững chứ không phải là chiếm lấy của người khác nhờ vị trí của bản thân hay nhờ sự bắt nạt. Những người giàu có sự vinh dự ấy hiểu rằng trong sự phát triển bền vững của xã hội, ngoài mình còn có những người khác, đẩy dù chỉ một người đến sự khốn cùng, đau khổ để thủ lợi là đã xô đổ quân đầu trong chuỗi biến động mà rất có thể sau đó chính bản thân mình là người chịu sự trả giá thảm khốc nhất.
Những người giàu có mà có thái độ đúng đắn với tiền bạc ấy vẫn còn ít và hầu hết là những người dân bình thường. Giá mà có nhiều hơn những người biết về điều ấy, rằng nếu kiên quyết giàu có bất chấp, nếu đẩy nhiều người vào cùng quẫn, nếu tiêu diệt tài nguyên… thì ở cuối chuỗi biến động là cả một xã hội phải trả giá. Đành hy vọng sự giàu có tử tế và chính trực sẽ lan tỏa, ngày càng tròn đầy trong xã hội.
Chuyện anh Tèo và cô công nhân Một câu chuyện khác lan truyền trên Facebook với cái kết có hậu là chuyện anh Tèo, tên thật là Võ Quang Bình, thợ sửa khóa ở chợ Tân Hiệp, Tiền Giang. Anh Tèo đã trả lại đầy đủ giấy tờ, tiền bạc cùng số vàng có trị giá hơn 20 triệu đồng cho chị Nguyễn Kim Thái - cô công nhân đánh rơi trên quốc lộ 1 mà anh nhặt được. Để tìm ra cô gái, anh đã nhờ đến mạng xã hội và cô gái ấy nhận lại số tiền, vàng cho đám cưới của mình trong hạnh phúc. Có lẽ niềm tin vào con người của cô có thể được lan tỏa cho cuộc hôn nhân của cô, cho thế hệ sau nữa. |