Việt kiều nhí học tiếng Việt ở Đài Loan

9 giờ sáng, lớp tiếng Việt của cô Tu Di Hoa (từng sống ở TP.HCM) tại Trung tâm giáo dục dành cho người nhập cư trong khuôn viên Trường Tiểu học Tích Đức, TP Đài Bắc, Đài Loan xôn xao hơn khi có đoàn khách từ một số nước do Bộ GD chủ nhà thu xếp đến tham quan.

Gắng học để về quê còn nói chuyện 

Từ cổng trường đã nghe tiếng ê a đánh vần, ghép tiếng quá đỗi quen thuộc vọng ra từ lớp học được bài trí khá bắt mắt. Giọng Nam khu vực Chợ Lớn với tà áo dài thuần Việt màu tím Huế của cô Hoa không lẫn vào đâu trong không gian đa văn hóa ở ngôi trường này. 

Khá bất ngờ với đoàn khách lạ đến từ quê nhà nhưng không vì thế mà các em học sinh (HS) sao nhãng trước yêu cầu ghép vần của cô Hoa. Một, hai cánh tay rụt rè rồi nhiều cánh tay xung phong phát biểu, lên bảng ghép vần “quê hương”, “ngôi sao”, “thầy cô”... Mỗi câu ghép vần, phát âm đúng cô Hoa lại trao một phần quà nhỏ để khích lệ.

Cậu học trò La Thiệu Trinh (14 tuổi, quê TP.HCM) khá nhanh nhảu sau khi nhận phần quà từ loạt câu hỏi đầu tiên vẫn hăng hái giơ tay phát tín hiệu trả bài. Kết thúc buổi học, bắt chuyện làm quen, cu cậu nói tiếng Việt khá lém, khoe trước khi theo mẹ sang đây đã có vốn tiếng Việt kha khá nhưng vì ít có bạn bè để nói chuyện nên vốn cạn dần. Thế nên cậu đăng ký theo học tiếng Việt từ năm năm nay mà vẫn còn nhiều thứ cần học thêm. 

Nom già hơn trước tuổi, Trinh bảo mỗi năm theo mẹ về thăm quê mấy lần. Hè rồi cậu cũng về thăm ông bà ngoại và dự kiến cuối năm nay cậu lại tiếp tục về quê ăn Tết. “Hầu như năm nào mẹ cũng cho về thăm ông bà, các cô, dì. Bởi thế con phải cố gắng học tiếng của quê mẹ để khi về đoàn tụ còn trò chuyện cùng người thân trong gia đình” - cậu học trò hồn nhiên. 

Lọt thỏm ở góc lớp, bé Cao Ngọc Phấn khá thấp bé so với tuổi lên 10. Hỏi chuyện, cô bé bẽn lẽn: “Mẹ em bận bịu đi làm, không có thời gian dạy tiếng Việt nên em đăng ký vào đây học như các anh chị khác. Lúc đầu học hơi khó nhưng em sẽ cố gắng để theo kịp các bạn trong lớp” - cô bé bày tỏ quyết tâm. 

Đứng khiêm tốn ở góc lớp, cô bé có cái tên khá đẹp Đặng Uyển Kỳ, con gái của cô Hoa, cũng là thành viên của lớp, tiết lộ là con của cô giáo nên em được học tiếng Việt từ khá sớm. Cô học trò xinh xắn khoe đã có thể đọc, viết, nói thông thạo tiếng Việt mà không cần mẹ ở bên cạnh nhắc nhở. “Vì mẹ con là cô giáo mà” - cô bé tự hào. 

Học trò hào hứng phát biểu trong giờ học tiếng Việt tại Trung tâm ngoại ngữ thuộc Trường Tiểu học Tích Đức, TP Đài Bắc, Đài Loan. Ảnh: P.ĐIỀN

Nặng lòng với con em cô dâu Việt

Học trò về gần hết, cô Hoa mới có thời gian tâm sự: Cha cô là người Đài Loan, bởi vậy khi cô hồi hương từ Việt Nam đã có nhiều cơ hội tiếp cận với con em cô dâu Việt để truyền dạy tiếng Việt cho các em. Cô Hoa cho biết trước khi làm giáo viên, cô mất hơn một năm để học kỹ năng sư phạm và thực tập tại các trường do Cục Giáo dục TP Đài Bắc đào tạo. Sau đó, cơ quan sẽ căn cứ vào địa chỉ cư trú của giáo viên để bố trí cơ sở dạy tiếng Việt gần nơi ở nhất. 

Theo cô Hoa, để trở thành giáo viên chính thức cô phải mất thêm một thời gian đứng lớp nữa. Tuy nhiên, do nhu cầu học tiếng Việt của các cha mẹ người Việt không ngừng tăng nên cơ hội trở thành giáo viên chính là không xa. “Giáo viên tại Đài Loan được xã hội kính trọng, mức lương đảm bảo cuộc sống gia đình nên tôi quyết tâm theo nghề để vừa trang trải chi phí sinh hoạt, vừa dạy con mình học tiếng Việt” - cô Hoa nói. 

Cách trường này chừng 15 phút đi xe, Trường THPT Chương Hòa, TP Đài Bắc cũng có 80 HS có cha mẹ là người Việt theo học tại đây. Nơi này cũng có nhiều chị em người Việt đang theo học tiếng Hoa để hòa nhập với văn hóa người bản địa. 

Nói về chuyện học tiếng Việt của con em cô dâu Việt tại trung tâm, ông Từ Côn Vương, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Thế hệ thứ hai con em các ông bố bà mẹ các nước tại Đài Loan ngày càng gia tăng, bởi vậy Bộ GD đã đưa ngôn ngữ các nước vào dạy cho các em từ tiểu học đến THPT như ngôn ngữ thứ hai sau tiếng Hoa, trong đó cộng đồng HS có mẹ là người Việt chiếm số lượng khá lớn. HS được học miễn phí hoàn toàn. Các ngôn ngữ này cũng được giảng dạy cho HS bản địa nếu có nhu cầu. Ngoài ra, Bộ GD còn tổ chức đưa HS về Việt Nam thực tập tại các doanh nghiệp của Đài Loan để nâng cao kỹ năng nghề, tìm hiểu văn hóa để không quên cội nguồn cha mẹ. Sau chuyến đi, các em được yêu cầu viết bài cảm nhận chuyến về nguồn như một sự phản hồi về sự phản biện của các em. 

Giữa trưa, cùng các thầy chụp ảnh lưu niệm và được tiễn tận cổng, vẫn còn đọng lại hình ảnh tà áo dài tím Huế và những cánh tay háo hức của các cô cậu học trò tinh nghịch ê a chữ Việt ở xứ người…

Việt kiều nhí học tiếng Việt ở Đài Loan ảnh 2
Cô Hoa đứng lớp tiếng Việt sau hơn một năm trau dồi kỹ năng sư phạm do Cục Giáo dục TP Đài Bắc tổ chức. Ảnh: P.ĐIỀN

Từ năm sau tiếng Việt được đưa vào giảng dạy chính quy từ bậc tiểu học đến THPT. Nguồn giáo viên tiếng Việt dựa trên dữ liệu từ những người tham gia các khóa đào tạo kỹ năng sư phạm do Cục Giáo dục TP quản lý, từ đó sẽ được phân bổ về các trường tùy nhu cầu và năng lực đào tạo của các trường.

Ông TỪ CÔN VƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm