Yamaguchi-gumi được ngư phủ Harukichi Yamaguchi thành lập năm 1915 tại Kobe; và người có công biến tổ chức tội phạm này lừng lẫy “sự nghiệp giang hồ” là Kazuo Taoka.
Móc mắt đối phương khi giận
Thời Taoka cai trị từ năm 1946 đến khi chết năm 1981, Yamaguchi-gumi mở rộng như một đế chế tội phạm dấn sâu vào nhiều ngóc ngách kinh tế lẫn chính trị. Mồ côi từ nhỏ, Taoka kiếm sống tại các bến tàu Kobe, sau đó gia nhập nhóm giang hồ Noburu Yamaguchi và trở thành một trong những tay anh chị khét tiếng.
Lúc giận, Taoka thường móc mắt đối phương bằng ngón tay, do vậy Taoka có biệt danh “con gấu”. Năm 1936, lúc 23 tuổi, Taoka bị xử tám năm tù về tội giết người. Khi được thả năm 1943, Taoka được đón về nhóm cũ; và năm 1946, lúc 33 tuổi, Taoka trở thành “bố già” sau khi Noburu Yamaguchi chết. Sau khi tiếp nhận Yamaguchi-gumi, “con gấu” ký hiệp ước với băng cờ bạc lớn nhất Kobe là Honda-kai nhưng bắt đầu tìm cách xóa sổ nhóm này. Nhóm thứ hai bị Yamaguchi-gumi “sáp nhập” thành công là Meiyu-kai, chủ yếu gồm tội phạm gốc Hàn Quốc. Tiếp đó, Taoka thanh trừng nhóm Miyamoto-gumi…
Tháng 7-1978, Taoka bị ám sát. Khi Taoka có mặt tại quán bar Bel Ami tại Kyoto, một thanh niên tên Kiyoshi Narumi bước vào, nhắm thẳng “bố già” bóp cò. Dù có mặt năm cận vệ, “bố già” Taoka vẫn bị bắn trúng cổ và tên ám sát chạy thoát. Là thành viên nhóm Matsuda, Kiyoshi Narumi trả thù cho việc Yamaguchi-gumi bắn chết ông trùm nhóm mình. Nhiều thành viên Matsuda, trong đó có Kiyoshi Narumi đã ăn tro hỏa táng của ông trùm và cùng thề trả thù. Tuy nhiên, “bố già” Taoka thoát chết và người ta tìm thấy xác Kiyoshi Narumi trong khu rừng Kobe vài tuần sau! Ba năm sau, Taoka chết bởi cú đột quỵ. Đám tang “bố già” được Yamaguchi-gumi biến thành sự kiện trọng đại với việc tổ chức truy điệu “bố già” khắp nước Nhật!
Kenichi Shinoda, “bố già” của Yamaguchi-gumi. (Japan Times)
Tại sao chia rẽ?
Theo Atsushi Mizoguchi, một trong những nhà nghiên cứu tội phạm học nổi tiếng nhất Nhật, có hai lý do chính khiến Yamaguchi-gumi sau 100 năm bắt đầu tan rã: Sự oán thù đố kỵ giữa các nhóm cùng sự bất mãn đối với những gương mặt chủ chốt; và lời đồn rằng ông trùm Kenichi Shinoda 73 tuổi, còn được gọi là Shinobu Tsukasa, có âm mưu đưa đàn em nhóm mình (Kodo-kai; cát cứ Nagoya) lên vị trí trùm tương lai. Shinoda làm “bố già” Yamaguchi-gumi vào năm 2005, sau đó bị bắt và bị xử sáu năm tù tội sở hữu vũ khí, rồi được thả năm 2011.
Yamaguchi-gumi là tổ chức có nhiều nhóm chứ không theo mô hình “gia đình” kiểu Mafia Ý hay Mỹ. Hiện Yamaguchi-gumi có khoảng 23.000 thành viên, chiếm 44% thành phần Yakuza khắp Nhật. Theo Wall Street Journal, cuối tháng 8-2015, Yamaguchi-gumi phát ra một thông báo nội bộ nói rằng 13 ông trùm của 72 nhóm chính đã bị tống khứ khỏi tổ chức hoặc bị treo quyền, trong đó có nhóm cực mạnh Yamaken-gumi đóng tại Kobe. Cụ thể, theo tờ Asahi, tổng cộng có 14 nhóm tách khỏi Yamaguchi-gumi để thành lập “Kobe Yamaguchi-gumi”.
Đây không phải lần đầu tiên nội bộ Yamaguchi-gumi lộn xộn chia rẽ. Cuộc “nội chiến” năm 1984 đã dẫn đến các cuộc thanh trừng khốc liệt kéo dài năm năm khiến gần 30 thành viên bị giết và hàng chục người bị thương. Mâu thuẫn nội bộ có lẽ bắt đầu từ năm 2008, khi ông trùm Tadamasa Goto bị tống khỏi Yamaguchi-gumi bởi không chỉ… không “đi họp” mà còn bí mật hợp tác với FBI trong cuộc trao đổi những bí mật của tổ chức để đổi lấy visa vào Mỹ nhằm thực hiện ca ghép gan. Hiện trốn tại Campuchia, Goto nói rằng mình sẽ trở về Nhật để giành lại quyền.
Trước khi xảy ra cuộc đấm đá gây chia rẽ, Yamaguchi-gumi đã biến họ thành một tổ chức kinh tế có sức ảnh hưởng cực mạnh. Robert Feldman, nhà phân tích thuộc Morgan Stanley Japan Securities, nói rằng Yamaguchi-gumi là “tập đoàn tài chính” chẳng khác gì một Goldman Sachs nhưng được trang bị súng, dao và sát thủ (The Daily Beast 28-8-2015). Sở hữu các hãng kiểm toán, hàng trăm công ty bình phong, có mạng lưới quản lý chuyên nghiệp và thậm chí có các công ty dữ liệu…, họ kiểm soát gần như hoàn toàn ngành công nghiệp giải trí Nhật. Có lúc họ cài người vào hệ thống công nghệ thông tin. Năm 2007, khi đường dây này bị phát hiện, người ta mới biết rằng Yamaguchi-gumi đã tiếp cận được kho dữ liệu cá nhân của 3,2 triệu người Nhật. Không dừng lại đó, Yamaguchi-gumi thậm chí luồn sâu vào hệ thống chính trị. Tháng 2-2015, Bộ trưởng Giáo dục-Thể thao-Văn hóa-Khoa học-Kỹ thuật Hakubun Shimomura đã bị phanh phui nhận tiền từ Yamaguchi-gumi.
Theo Mainichi Shimbun, có hàng chục ông nghị thuộc đảng Dân chủ Tự do (LDP) từng nhận hỗ trợ tài chính từ nhiều công ty liên quan Yakuza; và Mainichi Shimbun cho biết thêm cảnh sát Nhật từng bắt ông trùm Shun Tada cùng hai đệ tử với tội cung cấp gái cho một ông nghị nghỉ hưu (tên của nghị sĩ này không được nêu nhằm bảo vệ quyền riêng tư cá nhân). Tháng 7-2011, báo chí Nhật phanh phui thêm một vụ liên quan nghị sĩ Hideaki Omura thuộc đảng Dân chủ Tự do (LDP), người từng nhận tiền của Yakuza trong các chiến dịch tranh cử. Tệ hơn, có trường hợp cho thấy Yakuza còn gài người vào bộ máy công quyền. Cuối năm 2003, cựu vũ nữ quán bar Mitsuyo Ohira - kẻ được mệnh danh Ái thiếp của trùm giang hồ - đã trúng cử ghế phó thị trưởng Osaka! Mitsuyo Ohira, vốn là vợ một trùm Yakuza, đã lọt vào bộ máy tranh cử địa phương bằng chiến dịch vận động hậu trường của giới tội phạm.
Với sự bao che của giới chức tham nhũng, Yakuza cứ thế phát triển dù chúng cũng liên tục trở thành mục tiêu của cảnh sát. Tháng 10-2003, cảnh sát Nhật đã bủa vây trụ sở Nada-ku của nhóm Yamaguchi-gumi để tìm bằng chứng cho thấy tập đoàn tội phạm này đã đứng ra làm ô dù cho băng Goryo-kai - lừng danh với hoạt động cho vay cắt cổ. Trước đó, tháng 8-2003, vua cho vay nặng lãi Susumu Kajiyama (thuộc Goryo-kai) đã ra đầu thú. Cảnh sát cho biết “cá mập” Kajiyama (cách dùng của Japan Times) nắm trong tay hơn 1.000 cơ sở cho vay nặng lãi khắp Tokyo và hoạt động Goryo-kai đã được Yamaguchi-gumi che chở với nhiệm vụ bảo kê.
Yamaguchi-gumi thật ra không xa lạ gì với hoạt động cho vay nặng lãi - “ngành” đem lại doanh thu 33,3 tỉ yen bòn rút từ khoảng 280.000 nạn nhân khắp nước Nhật chỉ trong 18 tháng tính đến tháng 6-2011. Sự phát triển Yakuza còn thể hiện ở điểm thế giới giang hồ Nhật có rất nhiều tổ chức, những tổ chức nhỏ nằm trong hoặc liên quan tổ chức lớn và tổ chức lớn nằm trong hoặc liên quan tổ chức lớn hơn. Chính sự chằng chịt phức tạp trong thế giới ngầm tội phạm, cảnh sát Nhật gặp rất nhiều khó khăn trong việc phá án.
Thế giới Yakuza
Theo từng âm tiết, Yakuza có nghĩa là 8-9-3, xuất phát từ môn chơi bài ba lá theo kiểu tính “nút” như bài cào. Với dân bài bạc, Yakuza là thua cháy túi. Từ đó, Yakuza tượng trưng cho sự vô tích sự rồi thuật từ này bắt đầu được ám chỉ dành cho giới tội phạm - tức thành phần ngoài lề xã hội và chẳng tích sự gì cho đất nước.
Yakuza chia làm ba loại chính: Chôm chỉa vỉa hè, cờ gian bạc lận và du đãng. Loại tekiya và bakuto có nguồn gốc vào thế kỷ 18 trong khi gurentai là sản phẩm của nước Nhật sau Thế chiến thứ hai, khi hoạt động chợ đen bùng nổ thời gạo châu củi quế. Tekiya hình thành vào thời Shogun Tokugawa Ieyasu, ban đầu là bọn bán cao đơn hoàn tán dạo nhưng sau đó trở thành bọn buôn hàng gian, hàng giả. Trong khi đó, bakuto (cũng xuất hiện thời Tokugawa Ieyasu) thoạt đầu chỉ là bọn giang hồ sống bằng nghề cờ bạc nhưng sau đó trở thành thành phần xã hội đen tham gia nhiều hoạt động tội phạm khác. Chính bakuto là nơi khai sinh từ “Yakuza” (cũng như Yubitsumei, cắt ngón tay).
Để trở thành thành viên mafia, một ứng cử viên phải trải qua lễ gia nhập, gồm việc chích đầu ngón tay để lấy máu trét lên bức tranh một vị thánh rồi đốt bức tranh ngay trên tay kẻ được kết nạp. Lễ kết nạp Yakuza phức tạp hơn và máu được thay bằng rượu sake. Tại buổi lễ, vị oyabun (cha) ngồi đối diện người kết nạp, trong khi azukarinin (người đứng ra bảo lãnh) chuẩn bị rượu lễ. Sake được pha với muối và vảy cá sẽ được rót vào ly. Ly của oyabun được rót tới miệng trong khi ly của người kết nạp ít hơn. Hai người bắt đầu nhấp uống rồi đổi ly cho nhau. Sau đó, kobun (con) phải thề tuyệt đối trung thành với oyabun, ngay cả việc sẵn sàng hy sinh tính mạng vợ con để bảo vệ cho oyabun. |