Các dự án cầu Phước An (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) và tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải (huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu) sẽ được nhập thành một dự án chung.
Mô hình cầu Phước An nối Đồng Nai với Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tại cuộc họp mới đây, lãnh đạo hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu đã thống nhất như trên. Theo đó, ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư tỉnh Đồng Nai, đề nghị hai Sở GTVT của Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ họp bàn nghiên cứu phương án đầu tư phù hợp theo hướng sẽ nhập các dự án riêng trên lại thành một dự án tổng thể để sớm phát huy lợi thế kinh tế vùng.
Cầu Phước An và tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải được coi là trục xương sống của nhóm cảng biển số 5 đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch. Đây là tuyến giao thông huyết mạch thúc đẩy sự phát triển của cả vùng kinh tế giáp ranh giữa Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu. Tuy nhiên, hiện ở mỗi tỉnh lại đang phân thành các dự án khác nhau khiến cho việc đầu tư khó trở nên đồng bộ, gây nên bất cập lớn.
Theo Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Vũ Ngọc Thảo, hiện tỉnh này đang thực hiện tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, kết nối 34 cảng đã quy hoạch dọc theo sông Thị Vải gồm hai giai đoạn.
Giai đoạn 1 đã đầu tư tuyến đường dài 18 km bắt đầu từ cảng tổng hợp container Cái Mép hạ và điểm cuối là Nhà máy đóng tàu An Phú thuộc huyện Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu) quy mô sáu làn xe. Với kinh phí đầu tư trên 2.830 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, giai đoạn 1 đã được khởi công từ năm 2009 và đến nay đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng được gần 14 km. Đoạn còn lại đang triển khai thi công và dự kiến hoàn thành trong năm 2017.
Giai đoạn 2 của dự án là xây dựng cầu Phước An tiếp nối giai đoạn 1 và kết nối vào khu vực cảng Phước An phía huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Do nguồn vốn ODA của Nhật Bản gặp khó khăn, hiện nay tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang tìm kiếm phương án đầu tư theo hình thức BOT. Tuy nhiên, quy mô của cầu Phước An là rất lớn vì phải xây dựng cầu dây văng với tổng chiều dài trên 3,2 km, tĩnh không thông thuyền 55 m thuộc loại cao nhất Việt Nam để cho tàu hàng 30.000 tấn có thể dễ dàng lưu thông nên cần số vốn đầu tư lên đến trên 7.000 tỉ đồng.
Trong khi đó, về phía Đồng Nai, dự án đường ra cảng Phước An và kết nối với cầu Phước An đã được Công ty CP Dầu khí đầu tư khai thác cảng Phước An (PAP) đầu tư theo hình thức BOT dài khoảng 11 km với số vốn trên 1.300 tỉ đồng. Trong tháng 10-2016, UBND tỉnh Đồng Nai đã có chủ trương hỗ trợ 300 tỉ đồng từ ngân sách địa phương xây dựng 4 km đầu tuyến nối với đường 319, thay vì hỗ trợ bồi thường toàn tuyến như kiến nghị của PAP.