Cuộc “hành trình hát vì đội tuyển” do báo Người Lao Động phối hợp với Công ty VSET đi tìm bài hát cổ vũ cho đội tuyển đã đi được 2/3 chặng đường. Buổi gặp gỡ báo chí và các nhạc sĩ, ca sĩ của ban tổ chức sáng 16-8 vỡ ra nhiều điều.
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện (bìa trái) cũng tham gia sáng tác.
Người hâm mộ và cả báo chí quốc tế vẫn hay gọi bài hát truyền thống của mỗi đội tuyển quốc gia hay bài hát của giải đấu như kiểu UEFA Champions League là “quốc ca”. Nó phải mang tính đặc trưng cao thể hiện đúng chất của nó.
2/3 chặng đường, ban tổ chức đã nhận được gần 300 ca khúc sáng tác của các nhạc sĩ tên tuổi, không chuyên và cả fan hâm mộ. Người lớn tuổi nhất là nhạc sĩ… U-80 Thế Bảo, người dự thi trẻ nhất là U-15. Các nhạc sĩ tên tuổi khác “vào cuộc” là nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu,... Ngoài ra, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên cũng gửi ca khúc tặng cho ban tổ chức chứ không tham gia thi.
Ca sĩ Phương Thanh (áo trắng) trao đổi với thành viên ban tổ chức.
Trong buổi gặp gỡ, ban tổ chức cho chiếu clip các ca khúc được sáng tác dự thi rất công phu. Nhiều ca khúc tiết tấu phức tạp ở trình độ cao rất khó hát.
Nó đòi hỏi về kiến thức thanh nhạc, có vẻ như nó nghiêng về bài hát biểu diễn hơn là bài hát cho đội tuyển, tức bản nhạc truyền thống mỗi khi đội tuyển thi đấu là các phía khán đài xướng lên. Điều này chúng ta hay thấy ở bóng đá châu Âu từ cấp độ đội tuyển đến CLB…
Cựu tuyển thủ Phan Thanh Bình (bìa phải) đưa ra góc nhìn của một cầu thủ khi nghe những bài hát cổ vũ.
Cũng tại buổi trao đổi đã vỡ ra nhiều vấn đề. Một bài hát được lấy làm truyền thống của đội tuyển cần phải dễ hát, đi sâu vào lòng người, giai điệu tiết tấu hùng dũng.
Khi cầu thủ thi đấu trên sân nghe “dàn hợp xướng” đó cất lên, nó phải tiếp thêm tinh thần cho cầu thủ, như một khúc quân hành hoành tráng. Khi đội đang thua, nó phải như là “thứ doping”, thứ chất khơi gợi niềm tự hào dân tộc, hào khí để tiếp thêm tinh thần mạnh mẽ cho cầu thủ.
Nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu (bìa trái) nêu ý kiến.
Các tựa đề của bài hát cũng không thể ca ngợi kiểu như nội dung “Việt Nam- Champions”, đôi lúc chúng ta thua trận trong những trận đấu knock out, bán kết hay chung kết thì không thể “champions” được. Nhưng nó phải là bài hát làm cho tinh thần cầu thủ trên sân phấn chấn, tự hào để tiếp thêm năng lượng, sự lạc quan quật khởi…
Các nhạc sĩ, ca sĩ và fan đội tuyển Việt Nam chụp ảnh lưu niệm.
Trong những tình huống cụ thể trên sân, khi tuyển Việt Nam bỏ lỡ một cơ hội ghi bàn hay một pha suýt thua bàn, những tiếng “ồ” lên vang dội từ fan nhà sẽ làm cho cầu thủ nhà run sợ hay hoảng loạng và “thông điệp” từ fan gửi xuống cầu thủ không rõ ràng.
Bài hát cổ động cho đội tuyển Việt Nam phải khái quát hóa tất cả, nếu đội nhà đang chiến thắng thì bài hát sẽ làm tăng thêm tinh thần, khi đội nhà đang bị dẫn nó tiếp thêm “liều doping” để quật khởi. Đó chính là phương châm cuối cùng của cuộc thi “Hành trình hát vì đội tuyển”.
Từ nay đến ngày 22-10-2019, ban tổ chức sẽ tiến hành “live stream” tại các địa phương như Gia Lai, sự kiện tuyển Việt Nam đá với Thái Lan ngày 5-9; Việt Nam đá với Malaysia ngày 10-10… Trong khi đó hạn chót gửi bài dự thi là ngày 22-9-2019.
Ngày 25-10-2019, ban tổ chức sẽ tổ chức gala trao giải.