3 giải pháp cho vấn nạn vi phạm bản quyền báo chí

(PLO)- Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng, cuộc chiến bảo vệ bản quyền báo chí càng gay cấn và thách thức.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng, cuộc chiến bảo vệ bản quyền báo chí càng gay cấn và thách thức hơn bao giờ hết.

Tần suất lẫn số lượng xâm hại bản quyền ngày càng tăng. Nếu cách đây hai thập niên, một tác phẩm báo chí thường chỉ bị xâm hại bản quyền bởi một hoặc vài đối tượng (thường là các cơ quan báo chí khác) thì nay nó có thể cùng lúc bị xâm hại, chia sẻ độc giả bởi rất nhiều, có thể là hàng trăm, hàng ngàn đối tượng, trên mọi phương tiện và nền tảng với phương cách đa dạng, khó đối phó, nhiều trường hợp là không thể đối phó.

Một tác phẩm báo chí vừa xuất bản, chỉ sau vài mươi phút có thể được cải biến một chút và trở thành video clip; voice với giọng đọc AI hoặc viết lại bởi tờ báo khác, tràn ngập trên mạng, YouTube, TikTok, Facebook…

Trong khi đó, việc bảo vệ bản quyền dù đã có quy định nhưng chưa theo kịp sự thay đổi của công nghệ, chủ yếu chỉ đủ sức bảo vệ bản quyền trước sự xâm hại của các đối tượng và nền tảng truyền thống.

Để giúp cơ quan báo chí tự bảo vệ và hỗ trợ cơ quan báo chí bảo vệ bản quyền, chúng ta cần cả ba chân kiềng: Sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành; hoạt động mạnh mẽ và nghiêm khắc và hiệu quả của hệ thống các cơ quan có thẩm quyền, ý thức tự bảo vệ của chính cơ quan báo chí; sự hỗ trợ của công nghệ.

Thứ nhất, cần quy định rõ hơn về bản quyền trong luật chuyên ngành là Luật Báo chí 2016.

Hiện luật này chỉ có một điều khoản là Điều 45 về quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí. Tuy nhiên, điều này lại quá ngắn gọn, chỉ khái quát chung và dẫn chiếu sang quy định pháp luật về quyền tác giả của Luật Sở hữu trí tuệ và rất nhiều văn bản, nghị định.

Cần phải có các quy định chi tiết hơn về: Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian; quyđịnh về hình thức, phạm vi hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp; quy định rõ ràng hơn các trường hợp sử dụng hợp lý trong báo chí…

Thứ hai, cần tăng mức phạt vì mức xử phạt vi phạm bản quyền báo chí hiện nay quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Nếu các mức phạt hành chính nói trên được tăng lên gấp ba, gấp năm lần thì chắc chắn sẽ có tính răn đe mạnh hơn đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Tuy nhiên để xử phạt đối tượng vi phạm thì phải kiện, phải tố giác và chứng minh. Mức phạt quá thấp khiến người bị xâm hại thấy “không đáng”; nó tạo ra cảm giác đối với bên xâm hại lẫn nạn nhân rằng chuyện đó không có gì to tát. Lâu dần cách hành xử phạm luật, kém văn minh được coi là bình thường. Chưa kể, với những tác phẩm bị xâm hại thô bạo bởi nhiều đối tượng, cơ quan báo chí hoàn toàn không đủ sức để đấu tranh, tự bảo vệ.

Thứ ba, cần thành lập trung tâm bảo vệ bản quyền báo chí. Các cơ quan báo chí có thể chủ động hợp tác với nhau thành lập liên minh bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí để hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động này. Các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí (Cục Bản quyền tác giả - Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam...) đứng ra làm đầu mối thành lập một trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí. Đó không chỉ là công cụ để bảo vệ bản quyền báo chícòn trực tiếp bày tỏ thái độ với tệ trạng này.

Cạnh đó, chúng ta cần khuyến khích phương thức giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp dân sự vì quyền sở hữu trí tuệ thuộc quan hệ pháp luật dân sự. Việc áp dụng quá nhiều biện pháp hành chính hoặc hình sự hóa đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như hiện nay là chưa thực sự phù hợp. Nó gây lúng túng trong vận dụng và nhiều trường hợp chủ thể có thẩm quyền xử phạt đang lấn sân qua lĩnh vực tài phán khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm