Nổi tiếng là điểm chụp ảnh, tham quan và từng xuất hiện trong nhiều bộ phim, hẻm Hào Sĩ Phường (206 Trần Hưng Đạo, phường 11, quận 5, TP.HCM) mới đây khiến nhiều người ngạc nhiên trước tấm bảng cấm khách chụp ảnh, quay phim.
Đây là nơi cư trú lâu đời của hàng chục hộ gia đình người Việt và người Việt gốc Hoa, thường là nơi check-in của nhiều bạn trẻ và các đoàn làm phim.
Sáng 10-9, chúng tôi tìm đến con hẻm Hào Sĩ Phường sau khi một số bạn đọc bức xúc gửi đến báo bức ảnh chụp tấm bảng nơi đây: “Yêu cầu không chụp ảnh, quay phim. Cảm ơn!”.
Nhiều bạn đọc có chung câu hỏi rằng người dân có được tự đặt bảng cấm quay phim, chụp ảnh ở khu dân cư hay không.
Theo ghi nhận thực tế của chúng tôi, con hẻm Hào Sĩ Phường giờ trở nên yên ắng hơn trước. Nơi đây không còn cảnh tấp nập du khách chụp ảnh, những đoàn phim đến dựng cảnh quay…
Nói về tấm bảng cấm quay phim, chụp ảnh, anh Tạ Kim Long, cư dân Hào Sĩ Phường, lý giải: “Chúng tôi treo bảng vì không muốn nơi đây biến thành khu du lịch hay sân khấu điện ảnh”.
Theo anh Long, từ hai năm trở lại đây, hẻm Hào Sĩ Phường thu hút du khách gần xa và các đoàn làm phim.
“Mỗi ngày có 6-7 đoàn phim, còn người đến chụp ảnh thì không đếm hết. Từ sáng sớm đã có người đến quay, chụp. Đến tận trưa và tối khuya, nơi đây vẫn có người đến. Việc đi lại, nói chuyện, đóng phim gây ồn ào quá mức. Người dân không ai ngủ nghỉ gì được nên treo bảng cấm luôn” - anh Long nói.
Là hàng xóm của anh Long, chị Hoàng Oanh cũng chung bức xúc: “Nhiều du khách đến đây chụp ảnh nhưng lại rất thiếu ý thức, ăn mặc phản cảm, tạo dáng sexy quá đà. Sáng tôi mới mở cửa thì đã thấy vài cô gái mặc quần ngắn cũn cỡn, uốn éo trước cửa nhà, hỏi sao không bực”.
Một góc nhà cổ từng là nơi thu hút nhiều bạn trẻ đến chụp ảnh nay trở nên vắng vẻ. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG
Bà Phạm Thị Thu Tâm, tổ trưởng tổ 3, khu dân cư Hào Sĩ Phường, nói về lý do đặt bảng cấm quay, chụp tại khu dân cư cổ. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG
Biển cấm không vi phạm pháp luật
Trao đổi cùng Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Chủ tịch UBND phường 11, cho biết tấm bảng cấm quay, chụp là người dân trong khu phố tự đặt.
“Người dân nhiều lần phản ánh đến phường về vấn đề này. Phường tổ chức cuộc họp tổ dân phố để lấy ý kiến chung. Rất đông người dân yêu cầu treo bảng cấm, không đồng ý với việc tiếp tục cho người ngoài vào quay phim, chụp ảnh” - bà Vân cho biết.
Theo bà Vân, việc người dân treo bảng cấm quay, chụp không trái với quy định pháp luật. Về nguyên tắc, khu phố được đặt ra các quy định riêng theo sự đồng thuận của tập thể người dân, miễn các quy định này không trái đạo đức, không vi phạm pháp luật, không xâm hại đến cá nhân khác.
Bà Vân cho biết thêm qua các lần làm việc, những hộ dân tại đây không đồng ý việc quay phim, chụp ảnh bởi ba nguyên nhân chính:
Thứ nhất, người dân muốn hạn chế người lạ vào khu phố để phòng dịch COVID-19.
Người dân treo bảng vì lo lượng khách tham quan quá đông và đến từ nhiều nơi sẽ dễ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19. Họ cũng lo ngại các hoạt động quay phim, chụp ảnh đông đúc sẽ gây hư hại, sập đổ khu chung cư cũ và xuống cấp. Thời gian sinh hoạt của các hộ dân cũng bị xáo trộn khi nơi đây bị biến thành phim trường bất đắc dĩ. Nhiều người quay, chụp xong liền bỏ đi và chỉ vứt lại rác. Bà PHẠM THỊ THU TÂM, tổ trưởng tổ 3, khu dân cư Hào Sĩ Phường |
Thứ hai, do nhiều người đến quay, chụp thiếu ý thức khiến các hộ dân bức xúc. Phường từng can thiệp, nhắc nhở các đoàn phim khi gây mất trật tự, mất vệ sinh.
“Có trường hợp đoàn phim chặn đường vào nhà các hộ dân để dựng cảnh. Trường hợp khác, đoàn phim mang cả êkíp nấu ăn theo phục vụ. Người dân phản ứng, phường phải xuống nhắc nhở, yêu cầu đoàn phim không được nấu ăn, chặn lối đi của hộ dân” - bà Vân thông tin.
Lý do thứ ba là nhằm bảo quản hạ tầng khu phố. Khu Hào Sĩ Phường đã xuống cấp, đặc biệt là khu tầng trên. Việc quá đông khách, đoàn phim và các dụng cụ quay chụp nặng nề dễ làm hư hỏng các kiến trúc cổ. Trước quyền lợi của người dân và nhu cầu tham quan, chụp ảnh khu Hào Sĩ Phường của du khách, bà Vân nhận định đây là vấn đề khá nhạy cảm.
“UBND phường không thể ép buộc người dân mở cửa đón khách hay đoàn nếu các hộ dân không muốn. Chúng tôi sẽ kiến nghị đến UBND quận 5 để xin ý kiến về phương pháp cân bằng lợi ích của hai bên” - bà Vân nói.
Cũng theo bà Vân, UBND phường 11 vẫn hỗ trợ các đoàn quay phim, chụp ảnh. Tuy nhiên, việc này cần văn bản đồng ý từ Phòng Văn hóa-Thông tin quận và tổ dân phố.
Theo luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, việc người dân cấm quay phim, chụp ảnh vì lý do đảm bảo tính riêng tư của đời sống thì không trái với quy định pháp luật. Mặt khác, trong tập thể khu phố vẫn có thể đặt ra những quy ước riêng để đảm bảo lợi ích của cư dân.
Cần xây dựng nguyên tắc các phố cổ Nói về mối quan hệ giữa khách tham quan và người dân sinh sống tại khu phố cổ, TS Trương Hoài Phương, thành viên Ban nghiên cứu sản phẩm du lịch, Hiệp hội Du lịch TP.HCM, nhận định đây là vấn đề khá tế nhị về cách cư xử của chủ nhà và khách. Theo ông Phương, trước Hào Sĩ Phường, nhiều chung cư cổ tại TP.HCM như chung cư Tôn Thất Đạm, phố đèn lồng Lương Nhữ Học, chung cư Trần Hưng Đạo… cũng từng treo bảng cấm du khách đến chụp ảnh, tham quan. Nguyên nhân chung, một phần từ cách cư xử chưa phù hợp của người tham quan như gây mất vệ sinh, ồn ào…, lệch với văn hóa chung của chủ nhà. Mặt khác, các hộ dân có tâm lý khó chịu, bất an khi nơi ở trở thành điểm du lịch, thường xuyên phải đón tiếp người lạ. Do đó, để cân bằng quyền lợi giữa du khách và cư dân tại các khu dân cư lâu đời thì cần đặt ra những nguyên tắc ứng xử văn hóa giữa du khách và người dân. “Cần quy định về thời gian được tham quan trong ngày, những điều du khách cần làm như giữ vệ sinh, không gây tiếng ồn quá mức… để đảm bảo việc phát triển du lịch hài hòa với nhịp sống của người dân” – ông Phương nhận định. |