Bà Phạm Thị Tuyết (đường Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM) phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM: Bà là chủ sở hữu của 3/5 căn nhà ở đường Hàn Thuyên, quận 1. Năm 2010, bà cho Công ty TNHH SX TM Thiện Hà (công ty) thuê toàn bộ phần nhà trên để làm nơi kinh doanh, hợp đồng thuê thời hạn bốn năm. Tuy nhiên, công ty chỉ trả tiền thuê cho bà được hai năm rồi ngưng hẳn. Nhiều lần bà nhắc nhở nhưng công ty vẫn không chịu trả tiền thuê và không chịu trả lại nhà.
Thuê nhà còn đòi được trả công
Tháng 10-2014, bà Tuyết nộp đơn tại TAND quận 1 yêu cầu công ty trả lại 3/5 căn nhà và tiền thuê nhà trong 52 tháng. Đến tháng 4-2016, TAND quận 1 đưa vụ án ra xét xử, buộc công ty phải trả nhà và hơn 4 tỉ đồng cho bà Tuyết. Công ty có kháng cáo nhưng trong quá trình tòa phúc thẩm thụ lý vụ án, phía công ty không đến làm việc. Do đó, tòa phúc thẩm ra quyết định đình chỉ vụ án, công nhận bản án sơ thẩm.
Tháng 11-2016, Chi cục Thi hành án (THA) quận 1 ra quyết định THA đối với bản án trên. Dù cơ quan THA đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu công ty giao trả nhà nhưng đại diện công ty không thực hiện và vụ việc kéo dài đến tận hôm nay.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Mạnh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục THA quận 1, cho biết vụ việc của bà Tuyết sở dĩ kéo dài THA đến hôm nay có nhiều nguyên nhân. Phía công ty đưa ra hai đề nghị cho bà Tuyết. Một là bà Tuyết phải hỗ trợ toàn bộ phần tài chính mà công ty phải giao nộp trong bản án gồm án phí, tiền thuê nhà vì công ty đã có công giữ gìn hiện trạng căn nhà. Hai là đến ngày 30-9 mới giao nhà và công ty được di chuyển đồ đạc sang phần diện tích sử dụng chung của căn nhà.
Căn nhà bà Tuyết đang vất vả đòi lại sau khi cho thuê ở đường Hàn Thuyên. Ảnh: N.HIỀN
Đang lên phương án cưỡng chế
Một nguyên nhân nữa khiến vụ việc kéo dài, theo giải thích của chấp hành viên (CHV) thụ lý vụ việc trên, là sau khi ra quyết định THA, CHV phát hiện bản án của tòa tuyên chưa rõ nên THA phải gửi công văn hỏi lại tòa.
Cụ thể, bản án tuyên buộc công ty trả 3/5 căn nhà nhưng không nói là trả cho ai, trả vào thời điểm nào và vị trí căn nhà ở đâu. Vì vậy, cơ quan THA phải ra quyết định tạm hoãn để chờ tòa bổ sung thông tin rõ hơn. Đến ngày 6-7, THA gửi thông báo cho công ty về việc giao tài sản nhưng công ty không tự nguyện giao. Ngày 25-7, cơ quan THA đã ra quyết định cưỡng chế giao nhà. Hiện nay THA đang lên phương án cưỡng chế kết hợp vận động phía công ty tự nguyện giao tài sản, giảm chi phí cưỡng chế.
Theo TS Nguyễn Văn Tiến (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM), về nguyên tắc, việc THA sẽ được thực hiện khi bản án có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận với nhau về thời điểm thực hiện. Điều 45 Luật THA dân sự có quy định cụ thể thời hạn tự nguyện THA là 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hoặc thông báo hợp lệ quyết định THA. Nếu hết thời hạn này người phải THA không THA thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo Điều 46. Việc chậm giao tài sản là cơ quan THA chưa làm hết trách nhiệm, chưa tổ chức cưỡng chế THA.
“Vận động tự giác THA là rất cần thiết để giảm chi phí và tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Tuy nhiên, các bên không thể lợi dụng việc vận động này mà kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác” - TS Tiến nhấn mạnh.
Mô hình vận động thi hành án hiệu quả Tại tỉnh Long An có mô hình vận động người dân tự nguyện THA đang được các địa phương tham khảo, học hỏi. Cơ quan THA huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống xã, ấp tham gia công tác THA dân sự. Cụ thể, trong huyện, mỗi CHV được phân công phụ trách vài xã. Hồ sơ THA thuộc xã nào thì CHV phân về xã đó. Án liên quan tới nông dân thì hội nông dân tham gia, liên quan đến cựu chiến binh thì hội cựu chiến binh vào cuộc.... Trưởng ban vận động luôn là người đứng đầu địa phương như chủ tịch xã, chủ tịch huyện. Hằng tuần CHV xuống xã cùng tổ vận động tìm hướng giải quyết từng vụ việc. Tỉ lệ giải quyết THA của Long An thành công tăng dần qua từng năm: Năm 2013 thụ lý hơn 26.000 việc, giải quyết xong và có điều kiện giải quyết đạt tỉ lệ gần 84%. Năm 2014 thụ lý gần 29.000 việc, giải quyết xong và có điều kiện giải quyết đạt tỉ lệ 88%. Năm 2015 thụ lý gần 29.000 việc, giải quyết xong và có điều kiện giải quyết đạt tỉ lệ gần 89%... Đặc biệt có rất nhiều vụ việc THA thành công chỉ qua vận động, thuyết phục mà cơ quan THA không phải cưỡng chế. |