Để giải quyết các điểm nghẽn giao thông, TP.HCM đã có kế hoạch triển khai 88 dự án giao thông trong bảy năm tới nhằm xóa các nút thắt cổ chai, thay đổi diện mạo đô thị TP.
Để làm rõ hơn kế hoạch này, báo Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với ông Trần Chí Trung, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư Sở GTVT TP.HCM.
Ba nhóm hạ tầng cần triển khai ở TP.HCM
. Phóng viên: Thưa ông, hiện nay hạ tầng giao thông tại TP.HCM không kịp đáp ứng tốc độ đô thị hóa, bằng chứng là hàng loạt tuyến đường luôn trong tình trạng ùn ứ, tạo thành các nút thắt cổ chai. Vậy ông nhìn nhận thế nào?
+ Ông Trần Chí Trung: (ảnh)TP.HCM có ba nhóm hạ tầng giao thông, chia thành các nhóm dự án sau: Đầu tiên là các tuyến giao thông cửa ngõ kết nối với các tỉnh, liên vùng và quốc lộ (QL); thứ hai là các tuyến đường nằm ở nội đô TP.HCM; thứ ba là khu vực chưa thể kết nối giao thông đường bộ, thay vào đó là lưu thông qua phà.
Hiện trên cơ sở Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP.HCM, TP xác định đầu tư theo các tiêu chí ưu tiên, gắn với quy hoạch và hiện trạng. Từ đó, TP đề xuất danh mục đầu tư theo khả năng nguồn vốn, ngân sách và các giải pháp huy động nguồn vốn ngoài ngân sách theo các hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP).
Khi hoàn thành các nhóm dự án ưu tiên này, lượng phương tiện quá cảnh qua TP.HCM sẽ giảm, từ đó giảm áp lực giao thông ở trung tâm TP, xóa bỏ các nút thắt hạ tầng, nút thắt cổ chai. Vì vậy, Sở GTVT TP đã đề xuất 88 dự án để ưu tiên nguồn lực, nguồn vốn, tập trung đầu tư và nhân lực, từ năm 2024 đến 2030. Trong 88 dự án bao gồm các dự án cao tốc, vành đai, QL, trục chính, giao thông thủy…
Đối với những điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, TP chú trọng phát triển các dự án kết nối vùng gồm năm dự án BOT theo Nghị quyết 98. Các dự án gồm: QL13, QL1, QL22, cầu đường Bình Tiên, trục Bắc - Nam. Đồng thời, TP cũng ưu tiên các tuyến vành đai cao tốc, trong đó tập trung khép kín đường vành đai 2 - đã được duyệt và sẽ khởi công vào đầu năm 2025. Dự kiến các dự án nêu trên sẽ phải hoàn thiện trước năm 2030.
Đối với nhóm dự án trục chính đô thị, TP cũng tập trung ưu tiên triển khai với 18 dự án, các đường đô thị. Ngoài ra, Sở GTVT đã đề xuất TP xem xét giao nhiệm vụ và ưu tiên nguồn vốn để sớm triển khai 20 dự án trục chính đô thị cần thiết sớm được đầu tư khác như đường vành đai Võ Chí Công - cầu Phú Hữu.
Tương tự, trục đường nối Võ Văn Kiệt với cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cầu Rạch Dơi kết nối vùng với tỉnh Long An sẽ được triển khai trong thời gian tới. TP cũng triển khai nút giao thông ngã tư Bốn Xã, nâng cấp mở rộng tám cây cầu trên đường Rừng Sác, Cần Giờ để đồng bộ với đường Rừng Sác hiện hữu.
Sở GTVT TP.HCM đã đề xuất 88 dự án để ưu tiên tập trung nguồn lực, nguồn vốn triển khai từ năm 2024 đến 2030, bao gồm cao tốc, vành đai, quốc lộ, giao thông thủy…
Làm đường trên cao cho khu vực đông bắc TP
. Đối với các nút thắt cổ chai thường xuyên ùn ứ như cầu Kênh Tẻ, các đường Nguyễn Tất Thành, Tân Kỳ Tân Quý, Trường Chinh, Cộng Hòa, Xô Viết Nghệ Tĩnh… TP đã có những giải pháp nào, thưa ông?
+ Đầu tiên, hai trục đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và Đinh Bộ Lĩnh (từ ngã tư Hàng Xanh - Đài liệt sĩ được quy hoạch 30 m), song từ Đài liệt sĩ ra cầu Bình Triệu được quy hoạch rộng 40 m, còn thực tế đường Xô Viết Nghệ Tĩnh hiện chỉ rộng 10-13 m.
Hiện cửa ngõ đông bắc TP.HCM ngày nào cũng ùn tắc, trong khi đó tỉnh Bình Dương đang mở rộng QL13 lên 60 m, nếu TP chậm mở rộng không chỉ hình thành nút thắt cổ chai mà còn hình thành một cái “phễu” tắc nghẽn hoàn toàn.
Vì vậy buộc TP.HCM phải sớm mở rộng các đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh để đồng bộ với tuyến QL13, dù chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn vì không có giải pháp thay thế. Có thể TP.HCM sẽ tính toán làm đường trên cao để đảm bảo tốc độ lưu thông cho các phương tiện, để không hình thành các điểm ùn ứ mới.
Thứ hai là ở khu vực phía nam TP triển khai làm cầu đường Nguyễn Khoái kết nối với các quận 1, 4 và 7 để tạo thành một trục Bắc - Nam mới. Tương tự, TP.HCM mở hướng mới là cầu Thủ Thiêm 4 kết nối với đường vành đai 2 qua khu đô thị Thủ Thiêm để lên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Cầu Thủ Thiêm 4 sẽ được khởi công vào năm 2025, hoàn thành vào năm 2028. Như vậy, ngay sau khi hai dự án này hoàn thành sẽ giảm ùn ứ cho các đường Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Hữu Thọ, cầu Kênh Tẻ.
Đồng thời, TP cũng sẽ có trục Bắc - Nam mới, xuất phát từ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ để kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành. Dự án này sẽ được TP triển khai trong nhiệm kỳ này.
Thứ ba, khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất sẽ mở rộng trục Bắc - Nam trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Trường Chinh, Cộng Hòa. Hiện triển khai tuyến metro số 2 và trên mặt đường cũng đã mở rộng theo quy hoạch nên đường bộ sẽ được mở rộng.
Đối với khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, TP tính toán mở rộng QL22 nối với đường vành đai 3. Đoạn từ ngã tư An Sương về sân bay Tân Sơn Nhất đã đề xuất bổ sung quy hoạch làm đường trên cao đi phía trên đường Cộng Hòa - Trường Chinh chạy về đường Phạm Văn Đồng. Lúc này giải quyết ngay lượng phương tiện đi lại kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất, giảm ngay ùn tắc giao thông kết nối với sân bay, các nút thắt cổ chai trên các đường Cộng Hòa, Trường Chinh.
Đối với nút thắt Tân Kỳ Tân Quý kết nối với các đường Trường Chinh, Cộng Hòa, hiện có chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng rất lớn. Từ nay tới năm 2030, TP.HCM đề xuất mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (đoạn Lê Trọng Tấn - Cộng Hòa), dài 630 m, rộng 30 m, tổng mức đầu tư 1.600 tỉ đồng, hoàn thành trong năm 2028. Tương tự, đường Tân Kỳ Tân Quý (đoạn Bình Long - Lê Trọng Tấn) dài 2,2 km cũng sẽ được mở rộng lên 30 m, tổng mức đầu tư 4.100 tỉ đồng, hoàn thành trước năm 2030. Với những giải pháp tổng thể trên, nút thắt cổ chai khu vực Tân Kỳ Tân Quý, Trường Chinh, Cộng Hòa sẽ được giải quyết.
Thứ tư, đối với các dự án kết nối thủy - bộ đang là một điểm nghẽn, gồm phà Bình Khánh và phà Cát Lái. Hiện TP đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cầu Cần Giờ, cập nhật quy hoạch chung TP.HCM, dự kiến trình HĐND TP trong năm 2024, khởi công cầu Cần Giờ vào năm 2025, hoàn thành vào năm 2028.
Đối với cầu Cát Lái nối TP.HCM và Đồng Nai, cầu này sẽ được đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Hiện TP.HCM và Đồng Nai đang lên kế hoạch tổng thể dự án cầu Cát Lái. Dự án do tỉnh Đồng Nai chủ trì. Do vậy, TP đã lên kế hoạch mở rộng đường Nguyễn Thị Định để đón đầu cầu Cát Lái trong tương lai.
Trong thời gian chưa xây cầu Cát Lái, TP.HCM đã lên kế hoạch xây dựng tuyến đường thay thế - đường liên cảng để kết nối với đường vành đai 3, đảm bảo lưu thông cho cả khu vực phà Cát Lái.
. Xin cảm ơn ông.•
Buộc mở rộng nếu không có giải pháp thay thế
Theo ông Trần Chí Trung, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư Sở GTVT TP.HCM, nhìn nhận thực tế, khi tổ chức giao thông và đánh giá nhu cầu giao thông cần đánh giá xu thế, phân bổ giao thông thì thấy rằng các tuyến đường vành đai sẽ giải quyết ngay nhu cầu không đi xuyên TP. Tương tự, các tuyến trục chính đô thị, đường kết nối cửa ngõ, kết nối vùng và kết nối với đường vành đai là rất lớn… nên cần ưu tiên đầu tư. Vì vậy, đối với các tuyến đường nội đô, TP đã tính toán làm đường thay thế và giải pháp cục bộ tại các công trình, nút giao thông.
Đối với các tuyến đường không có giải pháp thay thế, TP có thể triển khai ngay các dự án, đơn cử như cầu vượt tại ngã tư Bốn Xã để giải quyết ngay tình trạng ùn ứ. Đồng thời, TP cũng lên phương án giải quyết ngay bằng giải pháp phi công trình, trường hợp không có phương án thay thế, TP sẽ thực hiện giải pháp công trình - cầu vượt. Sở GTVT TP sẽ rà soát các nút giao thông trong nội đô để đề xuất xây thêm cầu vượt tại một số nút giao thông ở các đường Điện Biên Phủ, Phạm Văn Đồng để giảm giao cắt.
Đặc biệt, đối với nút thắt cổ chai không có giải pháp cụ thể, TP sẽ lên phương án mở rộng ngay như các đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh… bằng hình thức đường trên cao và sẽ triển khai trong thời gian tới.