Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Bình Thuận vừa có tờ trình gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đề xuất phương án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng TP Phan Thiết.
Theo đó, trên cơ sở phân tích những ưu điểm, hạn chế của 3 phương án, Ban cán sự đảng UBND tỉnh đề xuất chọn phương án 1.
Cụ thể: Điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên khoảng 5,85 km2 của xã Hàm Hiệp và điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên khoảng 2,23 km2 của xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc vào xã Phong Nẫm, TP Phan Thiết.
Phương án này có nhiều ưu điểm là sau khi xã Phong Nẫm điều chỉnh có diện tích tự nhiên là 12,91 km2 , đủ tiêu chuẩn diện tích tự nhiên để quy hoạch thành đơn vị hành chính cấp phường.
Phần diện tích tự nhiên khoảng 5,85 km2 của xã Hàm Hiệp hoàn toàn trùng với ranh giới quy hoạch chung TP Phan Thiết; phần diện tích điều chỉnh 2,23 km2 của xã Hàm Liêm nằm trong ranh giới quy hoạch chung TP Phan Thiết đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đặc biệt là phù hợp để TP Phan Thiết thực hiện mục tiêu đạt chuẩn đô thị loại I vào năm 2030.
Riêng phần diện tích tự nhiên còn lại của xã Hàm Hiệp có cơ hội quy hoạch, đầu tư, xây dựng mới, phát triển thành một đơn vị hành chính có điều kiện kinh tế - xã hội tốt hơn. Cạnh đó gắn với các công trình, dự án đã được quy hoạch, kết nối với tuyến đường cao tốc triển khai trong thời gian tới là cửa ngõ kết nối với TP Phan Thiết.
Ngoài ra còn giữ lại các địa danh, khu vực gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa…
Tuy nhiên, hạn chế của phương án này là phần diện tích của huyện Hàm Thuận Bắc điều chỉnh về TP Phan Thiết nhỏ hơn so với quy hoạch đã được phê duyệt. Cạnh đó, sau khi điều chỉnh giảm 5,85 km2 thì xã Hàm Hiệp phải đầu tư xây dựng lại các trụ sở UBND xã, trạm y tế, trường học… dự kiến khoảng 300 tỉ đồng.
Trong khi đó, phương án 2 phù hợp với nguyện vọng của chính quyền và người dân huyện Hàm Thuận Bắc nói chung, xã Hàm Liêm nói riêng và đặc biệt là cán bộ, đảng viên, cán bộ hưu trí đã từng sống, chiến đấu, lao động, làm việc ở nơi đây.
Riêng phương án 3 tiết kiệm đầu tư xây dựng lại các trụ sở trên địa bàn xã Hàm Hiệp khoảng 300 tỉ đồng.
Tuy nhiên theo Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Bình Thuận, nếu chọn phương án 2 thì phần diện tích tự nhiên điều chỉnh quá nhỏ (2,23 km2 ) nên hạn chế không gian phát triển đô thị của TP Phan Thiết về phía Bắc.
Còn chọn phương án 3 thì TP Phan Thiết khó có thể đạt tiêu chuẩn đô thị loại I vào năm 2030. Lý do là các khu vực, xã, thị trấn trong phạm vi điều chỉnh mở rộng TP Phan Thiết có cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội chưa đạt các tiêu chuẩn theo quy định về phân loại đô thị.