Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận khóa XIV vừa có kết luận về định hướng mở rộng và định hướng quy hoạch một số khu vực quan trọng của TP Phan Thiết.
Một góc TP Phan Thiết. Ảnh: PN |
Theo đó, Phan Thiết là tỉnh lỵ, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, đô thị du lịch biển của tỉnh Bình Thuận, có vị trí chiến lược quan trọng. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết đã đặt mục tiêu phát triển đô thị Phan Thiết đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2030.
Hạ tầng chưa tương xứng
Tuy nhiên, hiện nay quy mô về diện tích quy hoạch TP Phan Thiết, mức độ đầu tư cơ sở hạ tầng… chưa tương xứng với vai trò, vị trí cũng như chưa tạo ra đột phá để thành phố phát triển.
Do vậy, cần phải tập trung nguồn lực để quy hoạch, đầu tư xây dựng thành phố xứng tầm với vai trò là đô thị hạt nhân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thực hiện các chủ trương đã phê duyệt và định hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh vào ngày 31-8-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất mở rộng, định hướng quy hoạch một số khu vực quan trọng của TP Phan Thiết quyết tâm hoàn thành trước năm 2030.
Phan Thiết lợi thế khi có đến 57km bờ biển. Ảnh: PN |
Việc lập đề án mở rộng TP Phan Thiết và định hướng quy hoạch một số khu vực quan trọng của thành phố Phan Thiết phải hướng đến mục tiêu xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, xanh, sạch, đẹp, là nơi đáng sống, điểm đến hấp dẫn thu hút du khách và nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Quy hoạch phải có tầm nhìn xa, đặt mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững, vì lợi ích của người dân, cộng đồng lên trên hết; tránh cục bộ, lợi ích nhóm trong xây dựng đề án mở rộng và quy hoạch một số khu vực quan trọng của TP Phan Thiết.
Mở rộng tuyến đường ven biển
Phan Thiết có chiều dài bờ biển khoảng 57 km nhưng trục ven biển hiện bị chia cắt bởi các cửa sông, khu dân cư hiện hữu, các dự án du lịch, đô thị.
Quy hoạch xây dựng, cảnh quan, môi trường khu vực ven biển chưa đẹp, khu vực bãi biển công cộng phục vụ người dân và du khách không còn nhiều.
Do vậy, Phan Thiết cần phải quy hoạch tuyến đường ven biển thông suốt từ phía Bắc (giáp xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình) đến phía Nam (giáp xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam), tạo tuyến đường kết nối khu vực ven biển thông suốt.
Ưu tiên xây dựng các tuyến đường và cầu vượt cửa sông qua khu vực các phường Phú Hài, Thanh Hải, Phú Thủy, Hưng Long, Đức Thắng, Lạc Đạo, Đức Long và xã Tiến Thành (như cầu vượt cửa sông Cái, đường ven biển kết nối từ đường số 1/5 (phường Phú Hài) đến cầu vượt cửa sông Cái đến đường Lê Lợi; cầu vượt cửa sông Cà Ty, đường ven biển kết nối từ đường Lê Lợi, cầu vượt sông Cà Ty đến đường Trần Lê, đường Lạc Long Quân…
Sông Cà Ty chảy giữa lòng TP Phan Thiết. Ảnh: PN |
Đối với các khu vực nêu trên không quy hoạch, không cấp phép xây dựng (mới) các công trình phía biển nhằm tạo ra bãi biển thông thoáng, tăng cường khả năng tiếp cận biển cho người dân địa phương, du khách.
Kiên quyết thu hồi các dự án đã cấp phép đầu tư, xây dựng trong khu vực bảo vệ bờ biển nêu trên nhưng không triển khai, chậm triển khai, vi phạm Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các quy định pháp luật khác để xây dựng công viên, công trình công cộng, phục vụ cộng đồng.
Nghiên cứu, triển khai phương án di dời các khu dân cư phía biển của tuyến đường Lạc Long Quân, đường ĐT.719 về phía đối diện.
Sông Cà Ty giữa lòng thành phố Phan Thiết là tài sản quý mà thiên nhiên ban tặng nên cần phải chỉnh trang làm đẹp dòng sông và hai bên bờ sông, tạo điểm nhấn của đô thị.
Quy hoạch, xây dựng tuyến đường ven sông cả hai bên bờ kết nối thông suốt từ phía thượng nguồn (các xã Hàm Hiệp, Hàm Mỹ) đến cầu Dục Thanh.
Sông Cà Ty về đêm nhìn từ cầu Trần Hưng Đạo. Ảnh: PN |
Quy hoạch xây dựng khu đô thị phía Nam sông Cà Ty (xã Tiến Lợi) đẹp, hiện đại với mật độ xây dựng phù hợp, hài hòa, gắn với tạo quỹ đất bố trí tái định cư cho nhân dân.
Quy hoạch tuyến đường Lê Duẩn - Nguyễn Tất Thành kết nối đường Lê Lợi thành trục phát triển trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch, kinh tế đêm sôi động.
Tiếp tục thực hiện dự án khu dân cư Nam Lê Duẩn. Xây dựng lộ trình từng bước di dời các trụ sở cơ quan tại khu vực này ra Khu hành chính tỉnh phía Bắc Kênh thoát lũ; nghiên cứu phương án di dời, giải phóng mặt bằng các hộ dân sinh sống phía biển của đường Lê Lợi và từ đường Lê Lợi đến Cảng Phú Hài.
Một khu dân cư ở phường Phú Hài. Ảnh PN. |
Mở rộng, làm mới nhiều tuyến đường kết nối
Thành phố quy hoạch, xây dựng các trục giao thông quan trọng để mở rộng không gian; đầu tư các tuyến đường kết nối các khu đô thị theo trục Bắc - Nam của thành phố (đường Châu Văn Liêm, đường Tôn Thất Tùng); Các tuyến đường kết nối khu vực trung tâm thành phố với các khu vực ven đô thị; Các tuyến đường kết nối đến cảng Hàng không Phan Thiết.
Các đơn vị tính toán phương án, đề xuất lộ trình đầu tư tuyến đường tránh thành phố Phan Thiết mới. Xem xét phương án di dời Nhà máy nước Phan Thiết về phía thượng nguồn gắn với sử dụng nguồn nước từ hồ sông Quao.
Sử dụng quỹ đất trên để quy hoạch công viên, trung tâm thể thao, công trình công cộng, bố trí tái định cư và phát triển nhà ở, thương mại - dịch vụ phù hợp, hiệu quả.
Nghiên cứu, quy hoạch lại các cụm công nghiệp sản xuất, chế biến có mùi ở vị trí phù hợp, không để trong thành phố và gần các khu du lịch.
Định hướng quy hoạch mở rộng và định hướng quy hoạch một số khu vực quan trọng của TP Phan Thiết là định hướng có tầm nhìn xa, dài hạn, một số nội dung có tính đột phá; quá trình triển khai thực hiện sẽ không tránh khỏi khó khăn, thách thức nên cần phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, nói phải đi đôi với làm, nhất là trong đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh và thành phố. Đồng thời, phải tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, phấn đấu xây dựng thành phố Phan Thiết sớm trở thành đô thị loại I. Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận