Đây là thực trạng được lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) nêu ra tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, ngày 23-7.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Trưởng ban quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, dự kiến dự án sẽ phát điện vào năm 2020, hiện nghiệm thu vốn đầu tư giải ngân 32.000 tỉ đồng, tiến độ đạt trên 84%, thiết kế đạt trên 90%, mua sắm trên 95%...
Tuy nhiên, ông Hải cho biết, dòng tiền rót vào chậm nên lo ngại ảnh hưởng tới tiến độ dự án. Dự án đang gặp khó khăn nên nhiều lao động đã xin nghỉ, từ 800 người còn lại khoảng 400 người.
Ông Nguyễn Đình Thế, Tổng giám đốc Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC), tổng thầu của dự án cũng lo lắng khi dòng tiền về chậm. Vị này chia sẻ trong quá trình thực hiện đơn vị đã phải dùng nguồn khác bù vào, trong đó có cả tiền tổng thầu tự chi ra, thậm chí còn nhiều hơn tiền từ chủ đầu tư giải ngân.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh kiểm tra tiến độ dự án.
Thẳng thắn nhìn nhận về dự án, ông Trần Sỹ Thanh, chủ tịch PVN cho hay, dự án gặp vô vàn khó khăn. Nếu không có tiền, nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ phải đóng cửa trong một vài tháng tới.
"Trong quá trình làm, tổng thầu PVC có nhiều sai phạm hình sự, bị khởi tố, bắt bớ. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động điều hành của tập đoàn như thiếu nhân sự làm việc, không ai dám quyết cái gì vì sợ trách nhiệm. Về nguyên tắc, khi dự án liên quan đến các vấn đề khởi tố, ngay lập tức các ngân hàng sẽ đóng tín dụng, dự án không thể vay được nữa"- ông Thành nêu thực tế
Theo ông Thanh, bây giờ PVC đang tan nát vì dính rất nhiều dự án khác. Tuy nhiên, nếu PVN thay tổng thầu của Nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ còn nguy hiểm hơn, bởi ai sẽ làm? "Tư tưởng của anh em luôn lo lắng, hoang mang. Dự án không có tiền trả lương,..."- ông Thanh thẳng thắn.
Ông Thanh đề nghị các bộ ngành cần nhanh chóng đưa ra hướng xử lý cho dự án, nhất là cơ chế tài chính.
“Làm gì cũng phải có tiền. Nếu không có quyết sách sớm thì 32.000 tỉ đồng nằm chềnh ềnh ra đấy, mỗi ngày dự án chịu lãi suất 6 tỉ đồng. Đau xót và lo lắng vô cùng. Các bộ ngành cứ chần chừ, không quyết sách cụ thể. Câu hỏi dự án làm tiếp hay không làm tiếp khiến cả hệ thống hoang mang”- Chủ tịch PVN chia sẻ.
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Nhiệt điện Thái Bình 2 vẫn là dự án rất có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay để đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo cân đối cung cầu điện. Nếu đảm bảo giải ngân chặt chẽ, đúng tiến độ thì đây là giải pháp quan trọng nhất để bảo toàn vốn đầu tư nhà nước cho những công trình điện quan trọng. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị các bộ gửi ý kiến để Bộ tổng hợp trình Thủ tướng, thường trực Chính phủ dựa trên các đề xuất của PVN.
Theo Bộ trưởng, Nhiệt điện Thái Bình 2 còn nhiều việc phải làm, bao gồm việc rà soát, khẳng định lại các phương án kỹ thuật tương ứng với cơ cấu vốn đầu tư thay đổi; kế hoạch, giải pháp nhằm đảm bảo năng lực của PVN.
“PVN cũng cần chịu trách nhiệm các phương án để tổ chức quản lý, triển khai... đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án, đảm bảo năng lực tổng thầu, quản trị dự án, các hợp đồng với các nhà thầu khác... khi đề xuất được thông qua. PVN phải có phương án ràng buộc trách nhiệm pháp lý của các nhà thầu khi nhà máy chạy thử và đi vào vận hành. Đồng thời, cơ cấu kiện toàn lại PVC, trách những hệ luỵ từ các dự án khác, ràng buộc trách nhiệm của PVC với nguồn vốn tăng thêm”- Bộ trưởng nói
Nhà máy này đang gặp khó khăn về tài chính.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Bộ Tài chính gia hạn các khoản vay nước ngoài cũng như Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện giải ngân cho dự án.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, Uỷ ban ủng hộ phương án rót thêm vốn cho dự án theo đề nghị của PVN để tiếp tục triển khai dự án. Tuy nhiên, ông Hoàng Anh lưu ý PVN cần đánh giá lại nghiêm túc khoản tiền 32.000 tỉ đồng đã đầu tư vào dự án; đồng thời tính toán phương án xử lý nguồn vốn tăng thêm để phù hợp thực tế, có hiệu quả.